Bà Đoan lật đật ra ngân hàng gửi tiền cho Quân, công việc lu bu quá khiến bà quên béng việc chuyển tiền cho thằng út. Mà bà chuyển lén lút chứ nào dám cho ông Bách biết, không khéo ông ấy lại đuổi bà ra khỏi nhà luôn. Thi đậu cả hai trường đại học nhưng thằng Quân không học kinh tế mà theo học nghệ thuật. Ông Bách tức giận từ mặt Quân và lệnh cho cả nhà không ai được gửi cho nó một xu. Ông đang có một công ty riêng rất lớn và hoạt động rộng khắp, nhà ông thuộc diện đại gia ở thành phố này. Chưa kể Phát - con trai đầu, đang học cao học ở nước ngoài. Ông Bách cho rằng, Quân đến một thành phố đìu hiu để theo đuổi niềm đam mê nghệ thuật là điều không thể chấp nhận và ông tuyên bố cánh cửa nhà luôn rộng mở một khi Quân quay lại học ngành kinh tế để nối nghiệp gia đình.
Vì vậy, Quân đã xác định là phải tự lập khi chọn trường nghệ thuật làm nơi nuôi dưỡng ước mơ. Ở chỗ Quân học, mọi chi tiêu đều rất rẻ, Quân lại đi làm thêm ở phòng trà nên mọi thứ đều dần dần trôi qua êm đẹp. Số tiền mà bà Đoan chuyển cho Quân trong thẻ tín dụng ít khi anh đụng đến nên ngày một nhiều lên. Đến từ một thành phố khác, lại trong môi trường đông đúc sinh viên nên chả ai quan tâm gốc gác của nhau. Người ta không biết và cũng không quan tâm Quân là ai, anh cũng như bao sinh viên tỉnh lẻ khác. Vả lại, trong lớp người ta chơi gì, ăn gì, làm gì thì anh cũng đều tham gia một cách bình thường nên không ai nhận ra sự khác biệt.
Trong không gian tĩnh mịch của công viên, Linh thỏ thẻ ngạc nhiên vì từ lúc quen nhau, cô không hề nghe Quân nhắc về gia đình.
- Anh không về nhà à?
- Thế, em có về quê anh chơi không? Ruộng đồng cò bay gãy cánh luôn - Quân bông đùa.
Linh và Quân quen nhau khá tình cờ. Sáu tháng trước, trong một đêm vắng, nhớ nhà, Quân ôm đàn hát nghêu ngao tại công viên. Lúc đó, Linh cũng đang lững thững bước những bước chân vô hồn vì thất tình. Mấy thằng du thủ du thực bám theo Linh trêu ghẹo, cô hoảng loạn, chẳng biết làm thế nào để thoát khỏi bọn họ. Bất ngờ Quân buông đàn nhảy vào ôm Linh như quen biết lâu rồi, lại còn rối rít xin lỗi làm bọn kia ngẩn tò te. Sau đó, từ “người yêu hoàn cảnh”, Quân thành người yêu thật sự của Linh. Vì thế, hai người thường hay ra đây tâm sự.
Linh cũng muốn về quê Quân một chuyến, để biết gia cảnh thực của Quân thế nào. Một sinh viên kinh tế xuất thân từ quê nghèo nhưng có chút nhan sắc như cô, không thể không tính toán, nói thẳng ra là không thể sống viển vông mơ mộng.
Sau đợt thi học kỳ, Quân cũng đưa Linh về thăm quê. Đi tàu lửa rồi ngồi xe ôm thêm cả chục cây số, cả hai đều thấm mệt. Tới nơi, Linh ngỡ ngàng vì cái vùng quê hoang vắng, nó khác xa tưởng tượng của cô. Đấy là nhà nội Quân, mặc dù ông Bách hết lời nài nỉ nhưng mẹ ông vẫn không khăn gói ra thành phố ở. Vì thế, ông Bách gửi gắm cho dì Bích hàng xóm “bầu bạn” và chăm nom bà Năm. Quân vẫn hay về đây, lúc còn đi học phổ thông, nhưng không cho gia đình biết. Quân vẫn đạp xe tạt về thăm nội nên bà rất thương thằng cháu út. Ông Bách một phần không dám làm quá việc Quân đi học nghệ thuật cũng bởi bà nội Quân can thiệp.
- Nhà anh đây à, ba mẹ anh đâu? - Linh thắc mắc trong uể oải.
- Ba mẹ vào Nam làm công nhân hết rồi, Linh ạ! - Quân nói.
Tiếng thở dài của Linh hòa vào mùi hoa cau trắng nở rợp vườn quê thoang thoảng. Chiều tối hôm đó, Linh lấy cớ ra thành phố thăm bạn rồi bắt xe về nơi đang theo học ngay trong đêm.
Quân cười buồn. Anh biết Linh khát khao được làm một cô gái thượng lưu trong xã hội. Những lần hẹn hò, cô hay nói chuyện về kinh tế, về những nơi xa hoa, về đồ án làm giàu với sự tự tin rất lớn. Cô hay ngồi than thở giùm cho cái ngành Quân đang học với nhiều sự khinh rẻ, dè bỉu.
Đêm khuya đầu tháng, sao chen sao lấp lánh rực rỡ, Quân ngồi nơi góc vườn cầm guitare đánh mấy bản tình ca tự viết. Tiếng gió thổi lao xao, văng vẳng tiếng bầy ễnh ương nơi triền ruộng vọng vào làm khung cảnh thêm buồn hiu hắt. Bà Năm chưa ngủ, ngồi trầm ngâm trên võng nhai trầu đợi cho đứa cháu nội đánh xong mấy bản nhạc rồi nói vọng ra.
- Con bé lúc chiều là bạn gái mày à? Chưa chi đã về ngay rứa? Mà nó ở đâu nói tiếng khó nghe quá.
- Nhà nội có cái chi mà cổ ở lại. Và cổ có ở cùng tỉnh với mình đâu mà nói cùng giọng bà - Quân nháy mắt trêu bà.
- Thằng cha mày, rứa sao mày không dẫn nó ra phố, ra cái nhà bốn tấm của thằng Bách cha mày ấy.
- Con về đó cho ổng cầm chổi rượt chạy có cờ, hả nội? - Quân lại cười vang.
- Mà mày học hành sao rồi, định trêu ngươi cha mày suốt đời à?
- Con có học thêm văn bằng kinh tế nội ơi ! Còn tương lai, ai mà biết trước được, lo nghĩ làm chi cho mệt, hả nội!
Trời khuya dần, không gian im ắng lạ thường, cả hai bà cháu đi nằm nhưng mỗi người đều có những suy nghĩ riêng, nỗi niềm riêng không thể nói hết ra được.
Một tháng sau, Linh và Quân chia tay. Linh yêu Quân nhưng tình yêu đó nhỏ hơn khát vọng thượng lưu của cô. Quân đã sai khi đi ngược lại với vòng quay của xã hội này. Linh đến với Dũng ngay lập tức, thiếu gia này cho cô nhiều thứ mà theo cô, Quân không có được. Dũng biết phòng trà nơi Quân làm và hay kéo Linh tới đó để chọc tức Quân trong sự khó xử của Linh. Nhiều lúc Dũng còn gọi chủ quán đề nghị trả thêm tiền để Quân đánh những bài hát theo yêu cầu của Dũng.
Quân bình thản làm theo mọi yêu cầu của khách. Quân chỉ cần rút mớ tiền mà bà Đoan hay gửi qua thẻ tín dụng xòe ra trước mặt Dũng cũng đủ khiến cho anh ta lác mắt, hết làm trò bẩn.
Thời gian nhanh chóng trôi qua. Quân và Linh cũng dần trở thành hai người xa lạ. Ra trường, Quân trở về quê cũng là lúc bà Năm hấp hối. Lần đầu tiên sau nhiều năm, ông Bách và Quân chạm mặt nhau mà không có sự xung khắc. Cả hai thẫn thờ bên chiếc giường tre cũ kỹ. Dù giàu sang thế nào, ông Bách cũng trải qua mấy chục mùa lụt ở đây, cũng có những tháng ngày thơ ấu ở quê rong chơi khắp chốn. Có những khoảnh khắc mà bao cảm xúc ùa về khiến ông Bách bần thần.
- Má đừng đi ! Má đi, bữa sau con về đây với ai - Ông Bách rơm rớm.
- Má chỉ mong hai cha con bây tính răng thì tính cho êm là má đi an lòng rồi - Bà Năm thều thào rồi nhắm mắt.
Ông Bách khóc tu tu như một đứa trẻ, còn Quân lặng người đi, nước mắt lăn trào. Khi sống bà Năm ít khi nhắc đến chuyện này nhưng nó cứ ám ảnh bà mãi, đến phút cuối bà mới trăng trối nỗi niềm.
Bấy giờ Phát cũng học xong cao học và về nước quản lý công ty cùng ông Bách. Cánh cửa phòng làm việc ông Bách khẽ hé mở, Quân đặt nhẹ tấm bằng quản lý nhân sự mà anh học từ xa lúc trước lên bàn làm việc của cha.
- Đây là bằng kinh tế của con ! Công ty đã có anh Phát cáng đáng, con chỉ làm trợ lý hỗ trợ cho anh ấy thôi . Xin ba tôn trọng đam mê của con.
Ông Bách vừa ngạc nhiên vừa thở dài nghĩ đến lời trăng trối của bà Năm trước lúc ra đi. Cuối cùng, Quân vừa đảm trách việc tuyển dụng nhân sự cho công ty vừa theo đuổi đam mê làm thành viên của một đoàn nghệ thuật.
Sáng hôm ấy, Quân tạm gác công việc ở đoàn nghệ thuật để tham gia tuyển dụng nhân viên mới cho công ty. Cầm danh sách ứng viên, Quân thấy ngờ ngợ với cái tên Nguyễn Tường Linh. Và khi cánh cửa phòng hé mở, anh bàng hoàng khi thấy một gương mặt thân quen nhưng hốc hác hơn rất nhiều. Linh của ngày xưa như thế này ư? Thì ra, chỉ vài tháng cặp bồ, Dũng đã bỏ rơi Linh sau khi đoạt được mục đích của mình. Hơn một năm nay, sau khi ra trường Linh vẫn chạy vạy, gõ cửa nhiều nơi để tìm kiếm việc làm nhưng đã hoài công. Cuối cùng, cô dạt đến thành phố Quân đang sống để thử vận may.
Bao nhiêu ký ức chợt ùa về khiến Linh cảm thấy xấu hổ. Không thể tiếp tục cuộc phỏng vấn, cô vội đứng dậy chạy ra khỏi phòng. Quân không nói gì, chỉ lặng lẽ thở dài.
PHẠM QUỐC TUẤN