Hôm rồi, báo đưa tin UBND huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) ủy quyền cho xã Bình Trung tổ chức trao giấy khen cho ông Phạm Tấn Lực. Ông Lực là người ròng rã 4 năm đi thu thập chứng cứ tố cáo những sai phạm trong quá trình thi công tại gói thầu A3 cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Bền bỉ đấu tranh, vượt bao khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Kết quả là hàng loạt cá nhân sai phạm đã bị khởi tố, bắt giam.
Cùng với các sai phạm đó là những hậu quả về dân sinh trên toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, như không có cầu cạn, cầu vượt, cầu chui, gây ngập cục bộ, chia cắt vùng dân cư trên cùng địa bàn, chất lượng tuyến đường không đảm bảo… Cử tri Quảng Nam cũng kiến nghị nhiều lần, nhiều cuộc làm việc của các cơ quan chức năng liên quan từ trung ương đến địa phương nhưng việc xử lý vẫn dây dưa kéo dài, khiến người dân bức xúc.
Mới đây, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Việt Cường đã đề nghị Chính phủ phải tổ chức hội thảo đánh giá, rút kinh nghiệm trong đầu tư cao tốc, bởi các dự án cao tốc đã để lại hậu quả mà đến nay chưa thể khắc phục (ngoài những sai phạm dẫn đến phải xử lý hình sự như dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi).
Thế nên, chuyện “ủy quyền trao giấy khen” đó, dễ khiến người ta nghĩ rằng chính quyền làm cho có, kiểu đuổi gà qua đám giỗ. Như báo Vietnamnet dẫn lời, ông Lực cho rằng “dù mừng khi được nhận giấy khen của huyện, nhưng bản thân có chút chạnh lòng vì buổi lễ diễn ra không có ai ở huyện tham dự”. “Tôi nhận giấy khen chỉ có khoảng 5 - 6 người ở xã chứng kiến”. “Để khuyến khích người dân giám sát cộng đồng, buổi lễ nên có thêm bà con trong xã chứng kiến...”.
Chỉ bấy nhiêu lời của ông Lực, đủ để thấy cái sự khen thưởng ấy không đảm bảo nguyên tắc động viên, giáo dục và thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước. Bởi “một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Nếu ứng xử thiếu hoặc không có văn hóa với dân, thì chỉ đem lại sự thất bại.
Lâu nay, tình trạng để lộ thông tin người tố cáo, trường hợp người tố cáo không được bảo vệ hay các cơ quan đơn vị chưa xử lý nghiêm các hành vi trả thù, trù dập người tố cáo cũng như chưa kịp thời biểu dương, khen thưởng người tố cáo đúng không phải là hiếm. Cơ chế xử lý thông tin cũng như bảo vệ người tố cáo hiện chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ cho nên chưa khuyến khích việc tham gia tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực ngay tại nơi xảy ra sai phạm. Do vậy, có không ít vụ việc tiêu cực xuất hiện và diễn ra trong thời gian dài nhưng người dân, cán bộ, nhân viên vẫn không tố giác, đấu tranh dù biết rõ từ lúc manh nha.
Điều đó tất kéo đến việc không an tâm, ngại tham gia đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, ngại góp ý, phê bình cán bộ, đảng viên vi phạm. Cho nên, việc khen thưởng một người lao tâm lao lực đi tố cáo sai phạm như ông Phạm Tấn Lực, cần một hình thức xứng đáng hơn. Nhưng rồi, chạnh nghĩ, như chuyện của thầy giáo Đỗ Việt Khoa một thời, được cả bằng khen của Bộ GD-ĐT, được làm cả khách mời của chương trình “Người đương thời” trên VTV3 của Đài Truyền hình Việt Nam, rồi ra cũng bao nhiêu sóng gió…