Không rõ nhân duyên nào đưa đẩy Nick Davies, phóng viên kỳ cựu của The Guardian (tờ báo lớn ở Vương quốc Anh), đến với vùng đất Quảng Nam. Trong ba tuần, Nick đi tìm câu chuyện về chiến tranh Việt Nam, rồi đến Hà My (Điện Dương - Điện Bàn). Ở đó, Nick được nghe kể về những số phận bi thương bị thảm sát bởi lính Rồng Xanh, đội quân chư hầu đồng minh của đế quốc Mỹ một thời.
Một điều khiến Nick đặt dấu hỏi là tại sao thảm nạn đã cướp đi sinh mạng cả trăm con người vào tháng Giêng năm 1968, nhưng những nhân chứng còn sống sót và thân nhân của người chết đều lại muốn khép lại câu chuyện quá khứ. Giọng diễn đạt của người dân, hay do người thông dịch viên chưa thể hiện hết ý nghĩa, đã khiến Nick day dứt với hai từ: “khép lại” hay là “quên” quá khứ? Thực tế, Nick thấy người ta đã phủ lên tấm bia ghi dấu khúc tưởng niệm về một trang sử bằng những phiến đá Non Nước. Liệu như vậy có phải là che đậy lịch sử không? Tại sao phải làm thế, hay vì cần đánh đổi một điều gì? Bao câu hỏi xoáy vào tim gan Nick, và khiến cho tôi khi tiếp chuyện ông phải mất nhiều lần tìm cách giải thích.
Ừ, thì đó là sự khoan dung độ lượng của người Việt Nam.
Vâng, thì đấy là một ước vọng muốn khép lại một trang sử máu, trang sử buồn trong cuộc chiến tranh tàn khốc. “Khép lại” chứ không phải và không thể “quên đi”. Làm sao quên được khi vết thương của đạn bom đã cắm sâu trong lòng đất, cứa đứt bao cuộc đời người Việt. “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác”; lịch sử dẫu có trang buồn thảm vẫn không-thể-viết-lại.
Tôi nghĩ Nick quá hiểu điều đó, nhưng ông đã đặt ra giả thiết nếu câu chuyện về một vụ thảm sát tương tự xảy ra ở Mỹ, người Mỹ khó mà ứng xử như vậy. Ồ, Nick thân mến, làm sao chúng tôi hiểu được điều đó, mà cần hiểu để làm gì bởi chuyện ứng xử khác nhau có thể là do nền văn hóa, truyền thống văn hóa. Thế kỷ 15, khi quân Minh xâm lược Đại Việt, đã “nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/ vùi con đỏ xuống hầm tai vạ” (Cáo Bình Ngô – Nguyễn Trãi), song khi họ đầu hàng rút quân về nước, Đại Việt sẵn lòng cấp ngựa, cấp lương… Đức hiếu sinh của cha ông người Việt là muốn xây nền thái bình muôn thuở, tránh họa chiến tranh máu đổ đầu rơi. Ngày nay, người Việt khép lại quá khứ là để viết chương mới về quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác, làm bạn bè với tất cả các nước. Người dân Hà My - Điện Dương, đã che lại một khúc tưởng niệm bằng những phiến đá chạm khắc hoa sen. Vâng hoa sen, chứ không phải loài hoa nào khác. Sen, là loài hoa mà tâm tưởng người Việt nào cũng hướng đến, vì nó vượt lên bùn nhơ để tỏa hương tinh khiết. Có phải vậy không Nick? Lúc mới 18 tuổi, Nick đã xuống đường tham gia biểu tình phản đối quân Mỹ gây ra cuộc chiến tranh Việt Nam, bây giờ đã 61 tuổi, đến đây Nick lại gặp những nụ cười đôn hậu. Bốn mươi năm sau cuộc chiến, giờ Nick đến Hà My rồi phố cổ Hội An, chỉ qua 5 ngày đã kịp tìm thấy một dáng hình để nhớ. Vậy thì, với một tờ báo có 800 nhân viên, có 3 văn phòng lớn ở London (Anh), NewYork (Mỹ), Sydney (Úc), khoảng 4 triệu lượt bạn đọc truy cập mỗi ngày, Nick hãy thể hiện bằng tác phẩm báo chí lay động lòng người từ câu chuyện ấy nhé!
NGUYỄN ĐIỆN NAM