(ĐS 21/6) - Tháng 9/2022, khi những bài viết đầu tiên về “bắt AI vẽ tranh” xuất hiện trên báo chí Việt Nam cũng là lúc tôi cần một số bức tranh minh họa cảnh lính Đại Hàn thảm sát dân làng Phong Nhị cho một bộ phim tài liệu truyền hình. Những cảnh này không một bảo tàng nào có, cũng không có tư liệu video hay ảnh chụp. Tôi nảy ra ý định thử dùng AI (trí tuệ nhân tạo) để tạo ra các bức tranh này...
Hoàn thành đăng ký một tài khoản trên trang Midjourney, tôi thử nhập yêu cầu bằng tiếng Anh: “Một ngôi làng Việt Nam, những ngôi nhà tranh bị cháy, một phụ nữ chạy ra khỏi nhà, sơn dầu, tông màu tối, tỷ lệ 16:9”.
30 giây sau, 4 bức tranh minh họa khác nhau, đủ cỡ cảnh hiện ra để tôi chọn một bức giống với yêu cầu nhất và tiếp tục nhấn vào đó để tạo ra 4 phiên bản mới, lại tiếp tục chọn bức giống yêu cầu nhất, cứ thế cho đến khi hài lòng.
Tôi tiếp tục tạo những bức tranh khác với mô tả: “Những người lính thủy quân lục chiến đang tấn công một ngôi làng Việt Nam, toàn cảnh”; “Những xác người nằm trên sân trước của một ngôi nhà nông thôn Việt Nam, khói bốc lên từ phía sau.”... Kết quả, AI đã cho ra đời hàng loạt bức tranh theo yêu cầu, đúng với diễn biến của câu chuyện, với màu sắc và các chi tiết vô cùng sinh động.
AI - cơ hội và thách thức
Trước đó, AI khiến những người làm truyền hình đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, đầu tiên là vào năm 2018, một kênh truyền hình Trung Quốc đã dùng người dẫn chương trình ảo, 2 năm sau các kênh media của một vài tập đoàn truyền thông Việt Nam cũng bắt đầu sử dụng MC AI.
Một số phóng viên đã dùng giọng đọc ảo cho các phóng sự truyền hình: giọng nam hay nữ, Hà Nội hay Sài Gòn, đọc nhanh hay chậm, diễn cảm hay không đều có thể lựa chọn, nghe không thể phân biệt được thật hay ảo.
Việc đưa nhạc vào các đoạn phim AI cũng đảm nhận luôn: chỉ cần nhập yêu cầu thể loại nhạc, thời lượng, điểm nhấn và chờ đợi vài giây, nhạc đã được hòa âm xong. Một vài đồng nghiệp của tôi đã dùng AI làm các kỹ xảo đồ họa động, các đoạn hoạt hình đơn giản để phục vụ việc dựng phim, làm trailer.
Cách đây vài tháng, báo Tuổi Trẻ lần đầu tiên sử dụng AI để thiết kế bìa báo, những bức tranh minh họa mới nhìn thường gây cho độc giả cảm giác choáng ngợp vì mức độ khơi gợi trí tưởng tượng của con người. Trên khắp thế giới, trí tuệ nhân tạo đã khiến nhiều người lo ngại về mối đe dọa việc làm với một số ngành nghề sáng tạo.
Và khi cơn sốt Chat GPT xuất hiện vào tháng 2 năm nay, nó đã thực sự làm rúng động giới content writing - những người viết nội dung, trong đó có cả các nhà báo - với khả năng viết đúng ngữ pháp, ngữ cảnh, logic và dẫn dắt câu chuyện, đặc biệt là bằng tiếng Anh.
Rất nhiều người đã phải xem lại công việc mình làm có bị ảnh hưởng không và riêng việc làm trong ngành truyền thông đã giảm 47% trong 10 năm gần đây theo các nghiên cứu, nghề báo được coi là có nguy cơ chết dần vì sức cạnh tranh của mạng xã hội, nay tiếp tục bị giáng một đòn chí mạng.
Vậy AI có thể thay thế nhà báo để mang lại cho độc giả tin tức hay các câu chuyện được không? Tôi cũng đã thử nhập một số thông tin và yêu cầu AI viết một bài báo bằng tiếng Việt, sau 20 giây, kết quả là một bài viết văn vẻ nghe thì xuôi tai đúng công thức nhưng sử dụng các cụm từ chung chung, khuôn sáo và rỗng tuếch như được viết bởi một phóng viên lười biếng và tư duy cằn cỗi.
Nghề báo có đặc trưng tiếp xúc với thực tế, tiếp cận vấn đề, gặp gỡ con người, quan sát, lắng nghe, cảm nhận và kể chuyện, thì hiện tại AI chỉ mới làm được công đoạn viết bằng dữ liệu được nhập đến mức độ nào đó. Nhưng AI có khả năng tự đào tạo, tự khắc phục các nhược điểm, đến một lúc nào đó nó có thể thay thế các nhà báo không?
Sự khác biệt giữa công nghệ và trái tim
Nhiều hãng tin tức lớn và uy tín nhất trên thế giới đang sử dụng hoặc tìm hiểu về AI như The Washington Post, AP, BBC, Reuters, Bloomberg, The New York Times, The Wall Street Journal, đài truyền hình NHK Nhật Bản...
Từ cuối năm ngoái, đã có một số tờ báo ở Mỹ như hãng tin công nghệ CNET dùng AI để viết những bài báo về tài chính, bên dưới bài có chú thích là “viết bởi AI và chỉnh sửa bởi biên tập viên”. Với một tổng biên tập là người kiên quyết ủng hộ việc sử dụng trí tuệ nhân tạo vào quá trình xuất bản nội dung, sau đó CNET đã sa thải 50% nhân sự làm việc ở mảng tin tức và video.
Tháng trước, hai tờ báo Đức Bild và Die Welt đã cắt giảm nhân sự ở khâu hỗ trợ sản xuất tin bài vì AI đã thay thế một số vị trí. Trong thư gửi toàn bộ nhân viên, tòa soạn cho hay: “Nhà báo vẫn là người xác định “động cơ thực sự” đằng sau các sự kiện. Truyền thông phải tập trung hơn vào mảng điều tra và bình luận.”.
Và trong khi các nhà báo lo sợ mất việc làm, các tập đoàn truyền thông còn phải đối mặt với khả năng AI bị sử dụng để lan truyền tin giả và làm xói mòn niềm tin của độc giả vào các phương tiện truyền thông chính thống. Bức ảnh cựu tổng thống Trump bị bắt do AI tạo ra được hàng triệu lượt xem và chia sẻ hồi tháng 3 năm nay chính là một cảnh báo.
Thế giới gọi AI là một cuộc cách mạng. Như mọi cuộc cách mạng, sẽ có kẻ thắng người thua, có những nhóm phải hy sinh, nhiều thứ bị đảo lộn. AI xuất hiện quá đột ngột nên gây choáng váng, nhưng thị trường lao động rồi sẽ dần dần tái cấu trúc theo hướng xem AI là một lực lượng lao động, nghề báo cũng vậy.
Chắc chắn những thông tin nhanh nhạy trung thực từ hiện trường, bình luận sắc bén qua quan sát hoặc những cảm xúc con người mà các nhà báo - bằng sự thấu hiểu, sự đồng cảm với đồng loại - chắt lọc mang đến cho bạn đọc là điều AI không thể thay thế. Thế nhưng, mỗi nhà báo sẽ phải trở thành “limited edition”- một phiên bản hiếm, bằng cách mài sắc tư duy, tìm tòi cho mình một phong cách độc đáo khác biệt mới có thể làm báo cùng AI.