Khi ăn nấm cần chú ý những đặc điểm này

Theo plo.vn 24/07/2017 10:57

(QNO) - Thời gian vừa qua có nhiều trường hợp người dân bị ngộ độc do ăn phải nấm độc. Dưới đây là một số loại nấm độc thường gặp ở Việt Nam chúng ta nên tránh.

Loại nấm độc này mọc thành từng cụm hoặc đơn chiếc ở ven chuồng trâu, chuồng bò, trên bãi cỏ,... Ảnh: Internet
Loại nấm độc này mọc thành từng cụm hoặc đơn chiếc ở ven chuồng trâu, chuồng bò, trên bãi cỏ,... Ảnh: Internet

Hàng năm có đến hàng trăm ca ngộ độc nấm, trong số đó có không ít ca bị tử vong. Việt Nam có rất nhiều loài nấm độc khác nhau, trong đó có những loài có độc tố gây chết người. Độc tố có thể thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng của nấm, trong môi trường đất đai, khí hậu và thường gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe của người dùng.

Một số loại nấm độc thường gặp ở Việt Nam

Thông thường nấm có đủ: mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc, bên trong thân cây nấm màu hồng nhạt, mũ nấm màu đỏ có vẩy trắng, sợi nấm phát sáng trong đêm là nấm độc. Bộ phận độc nằm trong toàn bộ thể quả nấm.

Mũ nấm  độc trắng thường màu trắng bề mặt mũ nhẵn bóng, lúc non đầu tròn hình trứng. Ảnh: internet
Mũ nấm độc trắng thường màu trắng bề mặt mũ nhẵn bóng, lúc non đầu tròn hình trứng. Ảnh: internet

Nấm độc trắng: Thường mọc thành cụm hoặc đơn chiếc trên mặt đất trong rừng và một số nơi khác. Mũ nấm thường màu trắng bề mặt mũ nhẵn bóng, lúc non đầu tròn hình trứng, mũ nấm đính chặt vào cuống. Chân cuống phình dạng củ và có bao gốc hình đài hoa. Thịt nấm: Mềm, màu trắng.

Nấm ô tán trắng phiến xanh: Thường mọc thành từng cụm hoặc đơn chiếc ở ven chuồng trâu, chuồng bò, trên bãi cỏ,... Mũ nấm, lúc còn non hình bán cầu dài, màu vàng nhạt, có các vảy nhỏ màu nâu  nhạt hoặc xám nhạt. Mặt dưới mũ nấm, lúc non có màu trắng, lúc già có ánh màu xanh nhạt hoặc xanh xám, nấm càng già màu xanh càng rõ. Cuống nấm, màu từ trắng đến nâu hoặc xám, có vòng ở đoạn trên gần sát với mũ. Chân cuống không phình dạng củ và không có bao gốc.

Các xử lý và phòng ngừa khi bị ngộ độc nấm

Theo BS Trương Hoài Anh, tùy theo từng loại nấm mà triệu chứng sẽ xuất hiện ở khung thời gian khác nhau, có loại nấm ăn phải chỉ sau 30 phút sẽ xuất hiện biểu hiện ngộ độc. Có loại đến 40 giờ sau mới xuất hiện biểu hiện ngộ độc. Người bị ngộ độc nấm thường có biểu hiện như khó chịu, buồn nôn, chóng mặt, đau đầu, hạ huyết áp. Nặng hơn nữa có thể dẫn đến chảy máu nhiều nơi, hôn mê, thậm chí dẫn đến tử vong. Ngay khi nghi ngờ ngộ độc nên đưa nạn nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử lý.

Nếu nạn nhân ngưng tim ngưng thở thì cấp cứu tại chỗ ngay bằng kỹ thuật hô hấp nhân tạo, ấn ngoài lồng ngực cho đến khi có sự hỗ trợ của xe cấp cứu hoặc nhân viên y tế.

Lưu ý, người dân nên tuyệt đối không thu hái, không chế biến và không ăn nấm lạ, nấm mọc hoang dại, không rõ nguồn gốc, nấm nghi ngờ không bảo đảm an toàn dù chỉ một lần.

Theo plo.vn

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khi ăn nấm cần chú ý những đặc điểm này
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO