Tôi biết Hội người Quảng Nam qua những hành trình đến vùng sâu vùng xa của tỉnh, với những chuyến hàng từ thiện trong cơn mưa rừng xối xả và những bước chân lội đầy bùn đất…
Người sáng lập câu lạc bộ thiện nguyện “Hội người Quảng Nam”, anh Nguyễn Vũ Tuấn cho biết, với mong muốn người Quảng Nam ở mọi nơi đều có thể cùng hướng về nhau, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, ba năm qua là hành trình kết nối yêu thương của biết bao thế hệ sinh viên Quảng Nam trên địa bàn TP.Tam Kỳ và cả những sinh viên xa xứ trong tiêu chí chung của hội: “Giao lưu, kết bạn, đoàn kết và giúp đỡ nhau trong cuộc sống”. Hội người Quảng Nam như mái nhà chung thân ái của những sinh viên Quảng Nam đang sống ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi, TP.Hồ Chí Minh… hướng về. Những sinh viên năm nhất lại tiếp bước những sinh viên năm cuối đã rời trường. Quyền trưởng nhóm cũng tùy theo thời gian mà được “bàn giao” lại cho người thích hợp để phát huy vai trò xung kích của hội. Khi anh Nguyễn Vũ Tuấn tốt nghiệp và bận bịu hơn với công việc mới thì Nguyễn Phương Đông gánh vác thay trách nhiệm điều hành nhóm, tới lúc Đông đi học sĩ quan lục quân ở Đồng Nai thì Nguyễn Bá Phương được tín nhiệm giao lại “trọng trách” ở quê nhà. Hội là nơi mỗi cá nhân đều có thể phát huy sở trường, tài năng và cống hiến. Trịnh Trung Tuyến - ảo thuật gia kiêm chú hề với các tiết mục đặc sắc đem lại niềm vui bất tận trong các chương trình giao lưu với các em nhỏ mồ côi. “Hiếu hay hát” có ngón nghề hớt tóc để “gây quỹ” từ tiền hớt tóc cho các thành viên, cũng như luôn nhiệt tình tổ chức các buổi hớt tóc miễn phí cho các cháu mồ côi, cụ già neo đơn. Lưu Văn Minh, Huỳnh Trà Giang đi đầu trong phong trào góp ve chai hằng tuần gây quỹ. Nguyễn Thị Hồng - tình nguyện viên tích cực của phong trào vận động hiến “máu sống” cứu người; bạn Khiêm - Tam Thái sẵn sàng tặng chiếc xe đạp của mình để giúp các em học sinh nghèo tiếp bước đến trường. Những thế hệ sinh viên đã trưởng thành và ra trường vẫn tiếp tục bám trụ với hội như Lê Nguyễn Hoàng Anh - công tác tại Bênh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc… khiến cho hoạt động của hội có sức lan tỏa rộng rãi.
Hội người Quảng Nam vận chuyển hàng tài trợ đến với xã Trà Cang, huyện Nam Trà My. |
Với nguồn “quỹ yêu thương” hằng tháng đóng góp từ các thành viên, những “nhà kinh doanh năng động” của hội còn phát huy nhiều cách làm mới để gây quỹ như: bán móc khóa, bán hoa kiêm chụp ảnh kỷ niệm trong các dịp lễ tại nhiều địa bàn như Tam Kỳ, Duy Xuyên, Núi Thành, Điện Bàn; thu góp ve chai từ các quán cà phê, nhà hàng; vận động quỹ từ các doanh nghiệp, người thân, bạn bè… Từ nguồn quỹ vận động được, Hội người Quảng Nam đã trao những món quà thiết thực, ý nghĩa, kịp thời đến những hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, bệnh tật… Hội cũng thực hiện các chương trình tình nguyện đầy ý nghĩa như: chương trình “Vì nụ cười trẻ thơ” với những món quà nhân ngày Quốc tế thiếu nhi tại làng Hòa Bình Quảng Nam và Trung tâm Trẻ mồ côi sơ sinh Quảng Nam; chương trình hành trình xe đạp đến trường nhân dịp khai giảng năm học 2014 - 2015, là món quà đầy ý nghĩa của 5 chiếc xe đạp được trao tặng cho các học sinh nghèo của Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, xã Bình Đào, huyện Thăng Bình; chương trình “Hơi ấm xóa mờ khoảng không” đã trao tặng 70 suất quà đến các hộ nghèo tại thôn Đầu Gò, Đại Sơn (Đại Lộc); chương trình “Về với Trà Cang” là chuyến hành trình đáng nhớ cho những sinh viên của hội đến với những bản làng nghèo khó. Qua những chuyến đi ấy, qua những món quà trao tay đến người nghèo, những thành viên của hội đã gặt hái được những bài học đầy cảm động về tình thân và sự sẻ chia với cộng đồng. Nguyễn Đỗ Trí - thành viên của Hội người Quảng Nam, cũng là một trong những học viên ưu tú của Đề án 600 được đưa về làm Phó Chủ tịch UBND xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tâm sự: “Vui đó, hạnh phúc đó, vì những chuyến hàng viện trợ đến với bà con, thế nhưng vẫn còn mãi day dứt, trăn trở với cái nghèo khó của bà con. Làm sao để có thể giúp đỡ bà con thoát nghèo thật sự bền vững hơn trong tương lai, để người dân nơi đây có cơ hội tự lập vươn lên bằng sinh kế, bằng chính đôi bàn tay của họ trên mảnh đất này?”.
Đằng sau những chuyến từ thiện là những giây phút trải lòng, những nỗi niềm tâm sự, những trăn trở suy tư được các bạn trẻ của hội viết lên bằng những vần thơ giản dị mà đầy xúc động cho các trẻ em mồ côi như: “Tôi xin được làm chú hề mãi mãi/ Để mua lại nụ cười của em/ Nhìn các em tươi cười vui thế/ Sao tôi phải lệ rơi ướt mi?”. Đằng sau những hành trình đó là tiếp nối những hành trình mới được phát động và hưởng ứng mạnh mẽ hơn cho chuyến đi thiện nguyện cuối năm về vùng núi cao Nam Giang, cho chương trình Tết yêu thương 2015 ở Hiệp Đức sắp tới được đặt ra trong kế hoạch của Hội người Quảng Nam.
ĐÔNG PHƯƠNG