Tôi lấy chồng ở một xã ven biển miền Trung, ngoằn ngoèo qua mấy nẻo đường, qua mấy xóm làng người dân làm muối, nuôi cá gì đấy mới tới. Kết hôn xong, vợ chồng tôi sống ở thành phố, lâu lắm mới có dịp về thăm mẹ chồng. Cảnh nhà cửa xóm biển lần đầu khiến tôi lạ lẫm háo hức, đan xen với nỗi e dè vì thiếu tiện nghi sinh hoạt. Những dịp sau, tôi đâm ra ngán dần, lâu lắm chồng rủ rê nài nỉ mới miễn cưỡng gật đầu đồng ý về quê. Lúc bận rộn công việc, con cái. Lúc thì ngại đường xa, xe cộ chen chúc ngột ngạt. Muôn vàn lý do mà một cô con dâu được tiếng hiện đại như tôi vịn vào đấy để mà thoái thác.
Mẹ chồng tôi hiền, ít nói, càng hiếm những lời trách cứ. Tôi nhớ những dịp ở quê, cả nhà tôi đèo nhau đi chơi suốt, thăm thú chụp hình các kiểu, lại còn len lén ăn vặt linh tinh bên ngoài. Tới khi chịu quay về nhà đều đã quá bữa, vẫn thấy cơm canh nóng sốt mẹ để phần. Bao giờ cũng có các loại cá biển nho nhỏ nấu chua với thứ lá gì đấy, nêm nhiều rau gia vị, húp vào mấy muỗng, cảm giác rất dễ chịu. Nhưng cô con dâu thành phố khảnh ăn như tôi chỉ qua loa lấy có vậy thôi, chứ không mặn mà gì. Càng chưa lần nào tôi nói được một câu khen ngợi thức ăn cả. Trong lòng chỉ luôn thầm nghĩ, sao mà đơn giản quê mùa ít đổi món quá chừng…
Thi thoảng, mẹ chồng tôi lại đùm túm vào thăm cháu, hành lý mang theo túi lớn túi nhỏ nặng trịch. Từ bao gạo nếp cho tới con gà còn sống nhăn. Thêm ký đậu hay đường vàng. Có khi còn xách theo ít quả trứng gà ta, nghe mẹ kể phải cẩn thận nâng niu lắm, chỉ sợ bể hết dọc đường. Tôi nhận các thứ quà quê ấy với thái độ không mấy hào hứng, coi như để cho mẹ vui, chứ ở thành phố nào có thiếu gì mà phải nhọc công như vậy…
Mẹ chồng tôi ít khi bắt bẻ dâu con chuyện gì, dù thâm tâm tôi manh nha ý nghĩ, chắc mẹ cũng không đủ lý lẽ để làm khó dễ tôi! Hơn nữa, mẹ ở xa, nên tôi cũng đỡ phải… đề phòng! Còn nhớ, đợt tôi sanh đứa con đầu lòng, mẹ vào nuôi hơn tháng, cũng khiến cho tôi thấy mệt mỏi khó chịu. Toàn mấy chuyện lặt vặt thôi, nhưng tôi không thoải mái khi có “người lạ” trong nhà, lại thêm cảnh chật chội, mẹ cái gì cũng tiết kiệm sợ tốn làm tôi phải giữ ý đủ thứ. May quá, rồi thì mẹ chồng cũng quay về quê, tôi nhẹ nhõm vì biết, một năm mình chỉ “phải gặp” mẹ có đôi lần thôi.
Khi tôi nhận ra mình biết trân quý tình thân thì mẹ chồng mất nay cũng mấy năm rồi. Trải đời nhiều hơn, thêm vài đợt biến cố trong cuộc sống, tôi dần trưởng thành, hiểu ra không ai thương con bằng mẹ. Dẫu là mẹ chồng con dâu đi nữa, thì vẫn là tình thân. Tôi đã sinh thêm con thứ hai, thấm thía nỗi vất vả khi phải tự mình cáng đáng mọi thứ. Tôi xấu hổ nghĩ lại cảnh mình cau có ngồi một chỗ ôm con, được mẹ phục vụ chu đáo, nhưng cái gì cũng ngúng nguẩy chẳng ưng bụng…
Tôi nhớ những buổi trưa mát rượi hơi gió biển, trong căn bếp có cửa sau trổ ra khoảnh sân nhỏ, tôi nằm võng đong đưa, tận hưởng nỗi mơn man dịu dàng bình yên hồi ấy, nơi căn nhà mẹ ở quê. Tôi thèm cảm giác có người lặng lẽ chờ cơm vợ chồng con cái chúng tôi, sau cả buổi thỏa thuê lang thang dạo chơi bên ngoài về, như hồi ấy ở quê, còn mẹ. Tôi bỗng thích tự tay chuẩn bị tô canh cá nhỏ nấu chua cho chồng con, chẳng cần bỏ nhiều các thứ này nọ ở chợ, mà chỉ cần ấm nóng ngọt lành là được rồi. Chan chén canh ấy, vợ chồng tôi luôn ngậm ngùi nghĩ về mẹ…
Mẹ giờ nằm ở quê, trên mảnh đất có mồ mả ông bà. Tôi năm nào cũng nhắc chồng tranh thủ dắt vợ con cùng về thăm mẹ. Người đã khuất xa, nhưng yêu thương trìu mến vô bờ mẹ dành cho chúng tôi vẫn còn đấy, đơn sơ nhưng khó quên lắm. Tiếc là phải đến khi trải qua nhiều được mất trong đời, tôi mới nhận ra trong tiếc nuối muộn màng.
HOÀNG MY