Khi cán bộ biên phòng về xã biên giới

VĂN THẢO 08/01/2013 09:39

Những năm qua, việc tăng cường Bộ đội Biên phòng về làm cán bộ chủ chốt ở các xã biên giới Nam Giang đã đem lại hiệu quả rõ rệt về nhiều mặt.

Bộ đội Biên phòng tuyến biên giới phối hợp giúp dân mở đường.Ảnh: VĂN THẢO
Bộ đội Biên phòng tuyến biên giới phối hợp giúp dân mở đường.Ảnh: VĂN THẢO

Mô hình hiệu quả

Ông Chơ Rum Nhiên - Bí thư Huyện ủy Nam Giang cho biết, huyện Nam Giang hiện có 6 cán bộ biên phòng được tăng cường giữ các cương vị bí thư hoặc phó bí thư ở 6 xã biên giới, gồm La Êê, Chơ Chun, La Dêê, Đắc Tôi, Đắc Pre và Đắc Pring. Hầu hết những xã được tăng cường đều thuộc diện đặc biệt khó khăn, địa hình hiểm trở, kinh tế - xã hội thấp kém, trật tự an toàn xã hội nổi lên những vấn đề phức tạp. Ở các địa phương này, đội ngũ cán bộ còn yếu về năng lực, trình độ chuyên môn; trong khi đó, chi bộ các thôn, bản có số lượng đảng viên ít, nhiều nơi không có đảng viên.

Sau khi có cán bộ biên phòng về tăng cường, các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước được triển khai hiệu quả. Đặc biệt, vai trò lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được nâng cao, đáp ứng tốt nhiệm vụ chính trị địa phương. Các tổ chức đảng sinh hoạt đúng định kỳ, ra nghị quyết sát với tình hình thực tế địa phương và phù hợp với nguyện vọng của người dân. Nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, cải thiện dân sinh gắn với củng cố quốc phòng, an ninh ở biên giới, hải đảo được triển khai như dự án đường giao thông đến các xã biên giới; dự án khai hoang trồng cây lúa nước; ngân hàng bò; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình; câu lạc bộ không sinh con thứ 3, phòng đọc sách báo biên giới...

Bên cạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... các cán bộ tăng cường còn tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể cùng với lực lượng biên phòng triển khai thực hiện Luật Biên giới quốc gia. Thông qua những buổi tuyên truyền bà con đã nâng cao nhận thức, tự giác tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản khu vực biên giới.

Quy chế hợp lòng dân

Thực hiện quy chế phối hợp với 2 huyện biên giới Nam Giang và Tây Giang, năm 2005 Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tiến hành lựa chọn 12 cán bộ có tâm huyết với công việc, có kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng tăng cường cho 12 xã. Nhờ thực hiện tốt quy chế, đến nay 81/81 thôn của 12 xã biên giới đều đã có chi bộ đảng, kết nạp được hơn 300 đảng viên mới.

Ngoài ra, những năm qua Bộ đội Biên phòng tỉnh còn điều động đội ngũ y - bác sĩ tăng cường về các trạm y tế xã hỗ trợ công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng biên giới. (L.V)

Tuy nhiên, ông Chơ Rum Nhiên cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, cán bộ biên phòng được điều động về các xã tuy đã trải qua cương vị lãnh đạo, quản lý trong quân đội, nhưng trước yêu cầu, nhiệm vụ mới vẫn còn những hạn chế, nhất là kiến thức về xây dựng, quản lý ở địa phương. Cũng theo ông Nhiên, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc ở các xã biên giới còn nhiều mặt chưa đáp ứng, trung tâm một số xã ở xa đồn biên phòng nên việc bố trí ăn ở, đi lại của đội ngũ cán bộ tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã rất khó khăn.

Điển hình Đắc Pring

Được điều động về tăng cường cho xã biên giới Đắc Pring  với chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã từ năm 2005, Đại úy Chế Mậu Trị nhận thức rằng đây là trách nhiệm nặng nề. Anh chia sẻ: “Gần 10 năm cùng ăn ở, cùng làm với bà con, tôi hiểu rất rõ hoàn cảnh của đồng bào nơi đây. Điều kiện sản xuất khó khăn, giao thông không thuận tiện, tập quán du canh, du cư tồn tại lâu đời nên chỉ cần một năm mất mùa là người dân lâm vào cảnh thiếu đói”. Để giúp dân thoát nghèo, bớt khổ, Đại úy Chế Mậu Trị đã chọn hướng đi tiếp tục phát triển dự án ngân hàng bò do Bộ đội Biên phòng làm chủ đầu tư mà bà con nơi đây đang thụ hưởng.

Với tổng số vốn ban đầu gần 100 triệu đồng do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh giao, Đồn Biên phòng Đắc Pring đã mua và bàn giao cho 44 hộ 44 con bò sinh sản. Từ cơ sở ban đầu đó, đến nay các hộ thụ hưởng dự án đã hoàn vốn đạt 100%, nhiều gia đình phát triển được đàn bò 2 - 4 con, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Điển hình nhất ở Đắc Pring phải kể đến gia đình anh Coor Nêm (thôn 49b). Từ một hộ nghèo nhất, nhì ở xã, sau khi được thụ hưởng dự án cấp bò giống và trồng cỏ tăng sản, đến nay gia đình anh đã phát triển trang trại bò lên hơn 20 con. Đưa chúng tôi tham quan trang trại của mình, anh Coor Nêm hồ hởi chia sẻ: “Thấy mô hình trang trại nuôi bò, trồng cỏ tăng sản của gia đình mình hiệu quả, nhiều người trong xã đã đến học tập về triển khai để phát triển kinh tế”.

Biên giới hôm nay đã khởi sắc, thay đổi từng ngày. Đường liên thôn, liên xã dọc ngang trên khắp nẻo biên cương, đẩy lùi quá khứ phải thường xuyên băng rừng lội suối. Tuy vẫn còn đó những khó khăn về đời sống vật chất lẫn tinh thần mà một sớm một chiều chưa thể khắc phục được, nhưng với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm của những cán bộ biên phòng tăng cường như Đại úy Chế Mậu Trị, tương lai người dân vùng biên sẽ có được cuộc sống ấm no, thoát cảnh đói nghèo, lạc hậu.

VĂN THẢO

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khi cán bộ biên phòng về xã biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO