Con đường du lịch của Quảng Nam vẫn sẽ tiếp tục với chiến lược kết nối, quảng bá các điểm di sản thế giới.
Chưa có sự liên kết phối hợp trong việc quảng bá di sản thế giới tại Quảng Nam. |
Thương hiệu di sản
Nắm trong tay 3 di sản thế giới: Phố cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, du lịch Quảng Nam “mặc nhiên” trở thành thương hiệu di sản. Du khách đến Quảng Nam ngoài việc thỏa mãn sự hiếu kỳ đối với di sản thế giới còn được khám phá, trải nghiệm những giá trị văn hóa, con người của một vùng đất đã được bồi tụ qua hàng trăm năm lịch sử. Từ khi được công nhận di sản văn hóa thế giới, nhiều sản phẩm, loại hình du lịch gắn với thương hiệu di sản đã được khai thác hiệu quả. Nổi bật như: đêm phố cổ, phố đi bộ, phố không động cơ hay đêm Mỹ Sơn huyền ảo, thương hiệu văn nghệ múa Chăm Mỹ Sơn….
Theo ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL di sản có vai trò rất lớn trong chiến lược phát triển chung của du lịch Quảng Nam. Thông qua việc quảng bá, kết nối di sản không chỉ tạo ra điểm nhấn thu hút các nhà đầu tư và du khách mà còn tạo sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương; người dân được hưởng lợi nhiều hơn từ việc tham gia các hoạt động cung ứng dịch vụ du lịch và những sản phẩm ngành nghề thủ công truyền thống. “Lúc đầu du khách chỉ đến thăm các công trình kiến trúc, mỹ thuật tại di sản, dần dà sẽ được thưởng thức thêm các giá trị văn hóa phi vật thể là kết quả của sự phục hồi các làng nghề truyền thống và các làng nghề mới hình thành” - ông Cường nói. Tuy nhiên, ông Cường cũng cho rằng, để quảng bá, khai thác hợp lý tài nguyên di sản cần phải có chiến lược dài hơi và theo một lộ trình cụ thể chứ không thể thực hiện ngay. Đặc biệt, cần tạo sức hút điểm đến bằng chính sức hút của bản sắc di sản với một slogan riêng cho di sản.
Tăng cường liên kết
Với 3 di sản thế giới, rất dễ để Quảng Nam hình thành “tam giác vàng di sản” du lịch. Vậy nhưng để tận dụng những tác động tích cực từ du lịch mang lại, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa trong việc quảng bá, truyền tải những giá trị của di sản hướng tới xây dựng chiến lược quảng bá chung và bền vững. Phải thừa nhận, công tác quảng bá di sản Quảng Nam xưa nay “mạnh ai nấy làm” chưa có sự đầu tư đồng bộ. Ông Huỳnh Tấn Lập - Phó ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn cho rằng, việc mỗi nơi tự quảng bá như lâu nay sẽ không ổn nên cần có sự liên kết phối hợp để hình thành một sản phẩm mạnh. Đến nay, ngoài Hành trình di sản kết nối hình ảnh Mỹ Sơn và Hội An thì hầu hết 2 di sản rất ít có sự phối hợp với nhau, chưa nói đến sự liên kết phối hợp với các di sản địa phương khác ngoài tỉnh. “Điểm yếu của các di sản thế giới Quảng Nam là cơ chế quản lý không phù hợp và tương xứng nên rất khó trong việc liên kết phối hợp lẫn nhau cũng như với các địa phương khác vì không có chức năng và không đủ tầm để kêu gọi” - ông Lập nhìn nhận.
Theo ông Phan Văn Tú - Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Quảng Nam, thời gian qua việc quảng bá du lịch di sản Quảng Nam tại các roadshow, hội chợ chủ yếu được lồng ghép lẫn nhau với nhiều điểm đến khác chứ không thể làm riêng lẻ hoặc theo chủ đề. Thực tế, từ tháng 5.2012, thông qua Văn phòng UNESCO Hà Nội và Ủy ban quốc gia UNESCO Hàn Quốc, Hãng Hàng không Asiana đã tài trợ kinh phí cho việc thực hiện dự án quảng bá các di sản thế giới miền Trung nhằm tạo gắn kết. Trong đó, được đánh giá cao nhất chính là sự ra đời ấn phẩm quảng bá cho Khu di tích Mỹ Sơn được thiết kế theo hình viên gạch Chăm pa với những trang sách được cắt lượn phỏng theo địa hình Khu di tích Mỹ Sơn thay thế các ấn phẩm dùng một lần, kém chất lượng trước đây cũng như hệ thống đèn đường sử dụng năng lượng mặt trời…
KHÁNH LINH