Khi doanh nghiệp tự đào tạo lao động

LÊ DIỄM 16/11/2017 09:36

Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ Miền Trung là doanh nghiệp duy nhất trên địa bàn tỉnh đã triển khai Quyết định 3577 của UBND tỉnh về đào tạo nghề may công nghiệp, gắn với giải quyết việc làm.

Lao động học nghề may giày da tại Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ Miền Trung. Ảnh: L.D
Lao động học nghề may giày da tại Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ Miền Trung. Ảnh: L.D

Hai khóa đào tạo nghề may giày da đã được đào tạo tại Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ Miền Trung (thị xã Điện Bàn). Sau khóa đầu tiên, đến nay cả 120 học viên đều được vô chuyền may chính thức. Khóa học thứ hai với 47 học viên sẽ tiếp tục được doanh nghiệp đào tạo ngay tại xưởng. Tất cả khâu đào tạo nghề may giày da do bộ phận kỹ thuật của công ty (có đầy đủ chứng chỉ nghiệp vụ đào tạo nghề) hướng dẫn cho học viên. Phòng LĐ-TB&XH thị xã Điện Bàn cử người tham gia giám sát quá trình đào tạo và giúp công ty thực hiện những khâu thủ tục cần thiết. Ông Lê Châu Khương - Giám đốc Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ Miền Trung cho biết, việc đào tạo công nhân có trình độ tay nghề phù hợp với yêu cầu của công ty là trách nhiệm của chính doanh nghiệp. Quyết định 3577 là một trợ lực, giúp công ty thu hút thêm nguồn lao động đến học nghề, làm việc. “Vì ngành giày da chưa nơi nào đào tạo, nên trước đây công ty tuyển dụng lao động nghề may rồi đào tạo lại, tốn thời gian của người học và gây lãng phí cho xã hội. Do đó, công ty xác định tự đào tạo là con đường hiệu quả có nguồn lao động chất lượng, đáp ứng ngay được công việc khi vào chuyền sản xuất. Đào tạo được nguồn lao động chất lượng thì chính công ty sẽ thụ hưởng thành quả mang lại” - ông Khương chia sẻ.

Là một trong những người đảm trách việc đào tạo nghề cho lao động tại doanh nghiệp, bà Lâm Thị Bích Vân - Phó Quản đốc xưởng may Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ Miền Trung cho hay, phương pháp đào tạo là lý thuyết đi kèm thực hành ngay tại xưởng nên lao động tiếp thu nhanh. Đào tạo lao động xong khâu nào sẽ kiểm tra tay nghề ngay, sau một tháng thực hành học nghề thì kiểm tra lại, nếu đạt sẽ đưa vào chuyền làm việc và được ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ.

Chị Nguyễn Thị Trang - lao động được đào tạo ở khóa đầu tiên cho biết, chị đã vào chuyền may được hơn 2 tháng. Trước đó, qua kiểm tra tay nghề đạt loại giỏi nên ngay trong tháng học nghề chị đã nhận được mức lương gần 4 triệu đồng. Khi vô chuyền may, chị bắt nhịp nhanh và hoàn thành công việc được giao, thu nhập đạt 6 triệu đồng/tháng. “Học nghề ngay tại xưởng và do các kỹ thuật viên của công ty đào tạo nên khi vô chuyền không có gì phải bỡ ngỡ. Từ ngày đi học nghề rồi đi làm đến nay hơn 3 tháng, tôi có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình cũng đỡ vất vả hơn” - chị Trang nói.

LÊ DIỄM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khi doanh nghiệp tự đào tạo lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO