Ngồi trò chuyện với Tư Ruộng, mấy cán bộ Phòng NN&PTNT Hiệp Đức khoe rằng, những năm gần đây nhờ ứng dụng phương pháp canh tác lúa nước theo gói kỹ thuật SRI nên nhiều địa phương của huyện đạt năng suất khá cao. Liên tục được mùa, hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở 3 xã vùng cao Sông Trà, Phước Trà, Phước Gia rất “vui cái bụng”. Nghe vậy, Tư tôi liền khảo sát thực tế. Bà Hồ Thị Mỹ Nương (dân tộc Ca Dong) ở thôn 3, xã Phước Gia cho biết, gia đình bà có 2 sào ruộng sản xuất lúa nước. Cách đây hơn một năm, bà Nương được ngành nông nghiệp huyện tập huấn hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ một số khâu để triển khai sản xuất 2 sào lúa nước theo phương pháp cải tiến SRI.
Theo bà Nương, phương pháp canh tác lúa theo gói kỹ thuật SRI là bắc mạ non được 12 - 15 ngày thì nhổ cấy với mật độ thưa, cây cách cây và hàng cách hàng khoảng 20cm. Nếu trước đây việc bón phân cho ruộng lúa chủ yếu sử dụng các loại phân hóa học vãi bằng tay, nay dùng phân hữu cơ vi sinh bón theo cách dúi sâu nhằm tránh thất thoát, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây lúa. Cùng với đó, từ đầu đến cuối vụ làm cỏ, sục bùn 3 lần nhằm diệt cỏ dại, kích thích cây lúa ra rễ mới và giúp vi sinh vật hoạt động tốt, đất tơi xốp. Mô hình này còn áp dụng phương thức tưới ướt - khô xen kẽ với mục đích làm cho đất thoáng khí, thúc đẩy sự phát triển của bộ rễ, giảm thiểu tình trạng ngộ độc cho lúa và nhất là tiết kiệm nguồn nước tưới… Bà Nương chia sẻ: “Thời gian qua, tôi đã áp dụng gói kỹ thuật SRI trong 3 vụ sản xuất lúa. Thực tế cho thấy, nhờ cấy mạ với mật độ thưa nên cây lúa có nhiều ánh sáng và khoảng không để phát triển tốt, đẻ nhánh nhiều. Đặc biệt, ruộng lúa gần như không bị nhiễm sâu bệnh, vì thế không phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật. Vụ đông xuân 2017-2018 vừa qua, bình quân 1 sào lúa tôi thu về 340kg khô, tăng 80 - 100kg so với hồi còn áp dụng phương pháp canh tác truyền thống”.
Được biết, nhờ sự hỗ trợ của dự án “Cải thiện an ninh lương thực cho các hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ tại miền Trung Việt Nam giai đoạn 2”, từ năm 2015 đến nay, Tổ chức Cứu trợ & phát triển quốc tế (gọi tắt là FIDR) phối hợp với ngành nông nghiệp Hiệp Đức triển khai mạnh mẽ phương pháp canh tác lúa nước cải tiến theo gói kỹ thuật SRI tại nhiều nơi trong huyện. Ông Nguyễn Văn Trình - cán bộ phụ trách hiện trường của dự án tại huyện Hiệp Đức cho biết, ban đầu mô hình chỉ thực hiện trên 9 sào ruộng của vài hộ dân ở các thôn Bắc An Sơn (xã Quế Thọ) và Nhứt Đông, Ngọc Lâm (xã Bình Lâm). Nhờ hiệu quả mang lại thiết thực, Tổ chức FIDR cùng ban quản lý dự án huyện Hiệp Đức nhân rộng mô hình nên số hộ dân và số diện tích tham gia sản xuất lúa theo hệ thống canh tác SRI ngày càng nhiều. Chỉ tính riêng vụ đông xuân vừa rồi, ban quản lý dự án hỗ trợ 280kg giống lúa thuần Xi23 và 943kg phân cho 161 hộ dân (90% là đồng bào dân tộc thiểu số) trên địa bàn 11 thôn của 5 xã gồm Bình Lâm, Quế Thọ, Sông Trà, Phước Gia, Phước Trà sản xuất lúa theo gói kỹ thuật SRI với tổng diện tích 14ha. Thống kê cho thấy, năng suất lúa bình quân đạt 66,2 tạ/ha, trong khi đó những ruộng lúa đối chứng áp dụng phương pháp canh tác truyền thống chỉ đạt 53,7 tạ/ha.
Theo ông Nguyễn Văn Trình, việc áp dụng hệ thống canh tác SRI không chỉ giúp năng suất lúa đạt khá cao mà còn tạo ra sản phẩm gạo chất lượng tốt nhờ trong quá trình sản xuất chủ yếu sử dụng phân hữu cơ vi sinh và không phun thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, cái được lớn nhất là giúp người dân, nhất là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất theo hướng chuyển từ quảng canh sang thâm canh nhằm đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ.
TƯ RUỘNG