Việc thi công đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, đoạn ngang qua huyện Thăng Bình, làm ảnh hưởng đến nhà cửa, đất đai của 2 hộ dân ở 2 xã Bình Quý và Bình Quế. Dù được xem xét đền bù nhưng cả 2 hộ dân đều không đồng ý vì các lý do khác nhau.
1.Trong đơn khiếu nại gửi Báo Quảng Nam, vợ chồng ông Võ Trung Thạnh - Nguyễn Thị Kỹ ở tổ 2a, thôn Quý Phước 2, xã Bình Quý phản ánh: Năm 1994, vợ chồng ông được UBND xã Bình Quý cấp thửa đất màu 500m2, thửa số 4, tờ bản đồ số 3, xứ đồng Thổ Trí. Thời điểm giao đất có đại diện của chính quyền địa phương là ông Trương Văn Nhân - Chủ tịch UBND xã Bình Quý, ông Dương Tình - cán bộ Hợp tác xã Xí nghiệp 2 Bình Quý... Nhận đất, vợ chồng ông canh tác lúa, đậu phụng. Năm 2003, vợ chồng ông cho hộ ông Trịnh Tấn Vân (thôn Quý Thạnh 1, xã Bình Quý) thuê để sản xuất và trả lại đất vào cuối năm 2009. Tháng 6.2010, ông bị tai nạn giao thông, sức khỏe giảm sút nên không thể canh tác được. Năm 2013, hộ ông Võ Trung Ngộ tự tiện canh tác. Khi diện tích đất này bị ảnh hưởng bởi dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, ông Ngộ được chính quyền xã Bình Quý xác nhận được hưởng tiền đền bù. Cho rằng UBND xã Bình Quý thực hiện bồi thường không đúng đối tượng nên vợ chồng ông gửi đơn khiếu nại đến các ngành chức năng đề nghị can thiệp.
Ông Lê Ngọc Đạo chỉ một vết nứt móng nhà đã được đơn vị bảo hiểm đo đạc, xác định giá trị bồi thường. |
Theo bà Nguyễn Thị Kỹ - vợ ông Thạnh, ngày 22.5.2014, Hội đồng tư vấn xã Bình Quý đã họp xét nguồn gốc đất và thống nhất cho ông Võ Trung Ngộ được nhận tiền đền bù diện tích đất nêu trên. Trong khi đó, hồ sơ và giấy tờ giao đất chứng minh chủ quản lý, sử dụng diện tích đất nêu trên lại thuộc về gia đình bà. Đáng nói là chính quyền địa phương chưa lập thủ tục giải tỏa đền bù và chưa có quyết định thu hồi đất. “Vụ việc tranh chấp đất đai giữa gia đình tôi với ông Võ Trung Ngộ kéo dài đã nhiều năm nhưng không được UBND xã Bình Quý giải quyết dứt điểm. Khi đơn vị thi công dự án tập trung máy móc về san lấp mặt bằng, tôi chạy lên xã hỏi: “Đất đang tranh chấp, chưa giải quyết xong tại sao lại cho xe đến san ủi?”. Lúc đó, ông Nguyễn Quý Ngọc - Chủ tịch UBND xã Bình Quý bảo rằng, cô yên tâm, tiền bồi thường, hỗ trợ diện tích đất nêu trên đã được xã nhận, ký gửi tại ngân hàng. Khi nào vụ việc tranh chấp giữa hai bên được giải quyết, xã mới cho nhận tiền. Lãnh đạo xã nói vậy, nhưng sau đó tôi biết ông Võ Trung Ngộ đã được xã cho nhận tiền. Vợ chồng tôi rất bức xúc và có đơn khiếu nại” - bà Kỹ nói.
Không thống nhất với kết quả giải quyết tranh chấp đất của UBND xã Bình Quý, gia đình bà Nguyễn Thị Kỹ gửi đơn khiếu nại đến cấp cao hơn. Ảnh: H.G |
Ngày 25.2.2016, Tổ công tác giải quyết đơn khiếu nại tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi của huyện Thăng Bình đã có cuộc làm việc với bà Nguyễn Thị Kỹ về nội dung đơn khiếu nại. Ngày 4.7.2016, UBND xã Bình Quý có Thông báo số 05/TB-UBND về kết quả giải quyết đơn khiếu nại của ông Võ Trung Thạnh. Theo thông báo, qua xác minh nguồn gốc đất, từ năm 2003 đến nay ông Thạnh không sản xuất tại thửa đất nêu trên. Hộ ông cũng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc thửa đất này. Hội đồng tư vấn xã Bình Quý đã họp xét nguồn gốc đất và thống nhất cho hộ ông Võ Trung Ngộ được nhận tiền đền bù và tiếp tục sử dụng phần đất còn lại. Thông báo cũng khẳng định: “Căn cứ vào Luật Đất đai năm 2003, trường hợp hộ ông Võ Trung Thạnh không sử dụng ổn định liên tục từ trước ngày 1.7.2004 đến nay. Do vậy, hộ ông Võ Trung Thạnh không được đền bù theo quy định pháp luật.” (Luật Đất đai 2003 được áp dụng để đền bù, hỗ trợ cho dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi).
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quý Ngọc - Chủ tịch UBND xã Bình Quý cho rằng, giấy xác nhận giao đất cho hộ ông Võ Trung Thạnh của UBND xã Bình Quý khi đó chỉ có giá trị tạm thời. Sau khi thực hiện giao đất theo Nghị định 64/CP thì nó không còn hiệu lực nữa. Hộ ông Thạnh cũng không được cấp thửa đất nêu trên vì gia đình ông đã được cấp đủ hạn mức theo quy định. “Diện tích đất trên thuộc đất 5% do xã quản lý. Vì đất xấu nên người dân không vào canh tác. Khi phát sinh tranh chấp đất giữa hai hộ, địa phương đã tổ chức nhiều cuộc làm việc để giải quyết nhưng đều bất thành. Chúng tôi cũng đã đề xuất là hai hộ chia đôi số tiền được đền bù nhưng gia đình ông Thạnh không thống nhất, tiếp tục có đơn khiếu nại đến cấp cao hơn. Chúng tôi cũng đã hướng dẫn hộ ông Thạnh làm thủ tục khởi kiện ra tòa án để được bảo vệ quyền lợi theo luật định nhưng chưa thấy ông có ý kiến gì” - ông Ngọc nói.
2.Hộ ông Lê Ngọc Đạo trú tổ 1, thôn Bình Hội, xã Bình Quế lại “kêu cứu” về việc thi công dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi làm nứt tường nhà của gia đình ông. Sau khi đến đo đạc, kiểm đếm các vết nứt, đơn vị bảo hiểm đã áp giá bồi thường 11,5 triệu đồng (sau đó nâng lên 35 triệu đồng). Theo ông, mức đền bù quá thấp, trong khi căn nhà bị nứt nẻ, hư hỏng nặng không thể sửa chữa được, phải đập bỏ, xây mới. Vì vậy, ông Đạo yêu cầu đơn vị thi công hỗ trợ 100 triệu đồng để gia đình xây căn nhà mới nhưng không được đơn vị thi công chấp nhận nên ông gửi đơn kêu cứu đến các ngành chức năng.
“Căn nhà là tài sản có giá trị nhất của vợ chồng tôi. Tiền vay mượn làm nhà vừa mới trả xong chưa kịp mừng thì phải đối mặt với nỗi lo nhà bị hư hỏng do ảnh hưởng của việc thi công đường cao tốc gây ra. Gia đình tôi nơm nớp lo sợ căn nhà sẽ sập bất cứ lúc nào. Vợ chồng tôi mong đơn vị thi công và các ngành chức năng xem xét, hỗ trợ tiền bồi thường thỏa đáng cho gia đình tôi” - ông Đạo nói.
Được biết, sau khi nhận đơn kiến nghị của ông Đạo, Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Ban điều hành gói thầu số 6 và nhà thầu thi công đã mời đơn vị bảo hiểm xây dựng đi thực địa kiểm đếm, đo đạc các vết nứt, lập biên bản có chữ ký xác nhận của chủ hộ và các bên liên quan. Sau đó đơn vị bảo hiểm lập giá trị dự toán bồi thường, khắc phục lại nhà do rung nứt. Tuy nhiên, ông Đạo không đồng ý và đề nghị được hỗ trợ một lần với số tiền 200 triệu đồng. Ngày 29.7.2016, ông Đạo gửi đơn kiến nghị không nhận tiền mà đề nghị nhà thầu cử người đến tu sửa lại nhà, đồng thời đề đạt được hỗ trợ để di dời nhà đi nơi khác.
Theo ông Phạm Phú Hòe - Phó Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình, việc dời nhà đi nơi khác theo quy định là không được, vì nhà ông Đạo nằm ngoài vệt giải phóng mặt bằng của dự án đường cao tốc. Còn việc thi công lu đầm gây rung lắc tại vị trí nhà ông Đạo chưa kết thúc, do vậy, nhà ông Đạo có thể còn tiếp tục bị nứt cho nên giá trị bảo hiểm khắc phục nứt nhà sẽ tăng thêm, nhưng chỉ được tính bảo hiểm một lần. Như vậy, nếu ông Đạo nhận tiền khi đường thi công chưa xong thì số tiền sẽ thấp. Do đó, ông lo sợ sập nhà nên có hành vi ngăn cản thi công. “Sắp tới, Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện sẽ mời Ban Quản lý dự án đường cao tốc và các bên liên quan đến nhà chủ hộ làm việc, để cùng thống nhất nội dung: nhà ở của ông Đạo đã nứt, không còn an toàn trong quá trình thi công từ nay đến 10.12.2016 (thời gian dự kiến hoàn thành lu rung tại vị trí gần nhà ông Đạo - PV) nên nhà thầu chi hỗ trợ kinh phí để chủ hộ đi thuê nhà ở nơi khác. Đến thời điểm hết lu đầm gây rung lắc, Ban Quản lý dự án đường cao tốc sẽ mời đơn vị bảo hiểm xây dựng đến kiểm tra, đo đếm các vết nứt, lập dự toán khắc phục nứt nhà, thông báo cho chủ hộ biết để đồng thuận nhận tiền bảo hiểm tự sửa chữa nhà ở như các hộ dân khác đã nhận tiền khắc phục nứt nhà vừa qua” - ông Phạm Phú Hòe nói.
HÀN GIANG