Điều kiện kinh tế của nhiều gia đình vẫn còn nghèo khó, nhưng địa phương được công nhận thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn nên học sinh không còn được hưởng chính sách hỗ trợ học sinh bán trú.
Theo Nghị định 116, học sinh có hộ khẩu thường trú ở địa bàn đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ 520 nghìn đồng/tháng và 15kg gạo/tháng. Nhưng khi địa phương nơi học sinh thường trú thoát nghèo, thì các em không được nhận nguồn hỗ trợ này.
Như xã Trà Tân của huyện Bắc Trà My, khi đạt chuẩn nông thôn mới thì học sinh các cấp học không nhận được chế độ hỗ trợ bán trú.
Ông Nguyễn Thanh Tú – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bắc Trà My cho biết, tại xã Trà Tân trong năm học vừa qua có 40 học sinh đồng bào dân tộc thiểu số bậc mầm non và 40 học sinh bậc THCS không được hỗ trợ chế độ bán trú.
Các trường phối hợp với phụ huynh học sinh cùng nhau hỗ trợ kinh phí, gạo, thuê cấp dưỡng để lo bữa ăn bán trú cho học sinh mầm non. Học sinh bậc THCS thì cha mẹ đưa đón hoặc tự đi học nhưng không thực hiện bán trú nữa.
Tương tự, số học sinh thuộc diện hỗ trợ học tập theo Nghị định 116 ở huyện Nam Trà My giảm xuống khi xã Trà Mai không còn là xã đặc biệt khó khăn. Nguyên nhân chính khiến nhiều học sinh bị “cắt” chế độ hỗ trợ học tập là địa bàn các em sinh sống đã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Ông Nguyễn Đình Bình – Chủ tịch UBND xã Trà Mai cho biết: “Các thôn bản, xã trên địa bàn xã (trừ thôn 4) tuy đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, nhưng điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.
Việc không được hưởng chế độ hỗ trợ bán trú đã tác động đến việc học tập, huy động học sinh ra lớp, đặc biệt nhóm học sinh có nhà ở các thôn bản xa, đi học chương trình học cả ngày nhưng các em không có chế độ bán trú nên việc ở lại trường sẽ không có tiền ăn.
Trong khi đó cha mẹ các em nghèo, khó khăn nên không lo được. Có những điểm khu dân cư xa trường học đến 17km, việc đi và về trong ngày đã khó chứ chưa nói đi và về từng buổi học”.
Theo ông Bình, nếu phụ huynh có nộp được kinh phí lo bữa ăn, thì các điều kiện đi theo như giáo viên trực trưa, cấp dưỡng nấu ăn không có thì cũng không thể nấu ăn trưa cho học sinh.
Ở một số điểm trường, các tổ chức, cá nhân huy động lo bữa ăn bán trú cho học sinh để các em được học trọn vẹn, nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời. Các tổ chức thiện nguyện không thể lo việc này lâu dài. Địa phương mong muốn có chính sách nào đó của trung ương hoặc tỉnh chăm lo cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số.