Văn phòng Chính phủ vừa phát đi công văn yêu cầu xử lý vướng mắc phát sinh trong triển khai thi hành một số luật ở lĩnh vực đầu tư, kinh doanh. Qua rà soát, thống kê bước đầu khi thi hành các luật này trong thực tiễn cho thấy đã bộc lộ một số mâu thuẫn, vướng mắc, thiếu đồng bộ vì những quy định “chỏi” nhau giữa các luật.
Đó là sự không thống nhất trong khái niệm “nhà đầu tư”, “chủ đầu tư” giữa các Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng; quy định chồng chéo về xác định nhu cầu sử dụng đất và giới thiệu địa điểm đầu tư giữa Luật Đầu tư và Luật Xây dựng; quy định không thống nhất, thiếu đồng bộ giữa Luật Đầu tư, Luật Đất đai và Luật Đấu thầu trong lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư; quy định không đồng bộ giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai về thời hạn chấm dứt dự án đầu tư và thu hồi đất do chậm tiến độ sử dụng đất...
Đơn cử, theo Điều 48 của Luật Đầu tư, dự án đầu tư bị chấm dứt hoạt động khi bị Nhà nước thu hồi đất và nhà đầu tư không tự thanh lý tài sản gắn liền với đất trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày bị thu hồi đất (trừ trường hợp được gia hạn). Trong khi đó, Điều 63 Luật Đất đai quy định, nếu vi phạm liên quan đến việc chậm tiến độ thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án. Nếu hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước mới thu hồi đất.
Liên quan đến những vướng mắc, mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu đồng bộ của các luật nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan, các ủy ban của Quốc hội tiếp tục rà soát, nghiên cứu, bổ sung quy định xử lý các mâu thuẫn, vướng mắc, thiếu đồng bộ của các luật vào các dự án luật sắp trình Quốc hội. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi xử lý dứt điểm các mâu thuẫn, vướng mắc giữa các luật thì những quy định thiếu đồng bộ, thậm chí “đá” nhau như vậy đã gây không ít khó khăn cho địa phương trong việc giải quyết thủ tục cho người dân, doanh nghiệp. Ví như trong xử lý vi phạm hành chính, Quảng Nam đã nhiều lần kiến nghị về những bất cập, vướng mắc khi triển khai thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính nên rất khó xử lý dứt điểm các vụ việc vì sự thiếu thống nhất, không đồng bộ giữa luật này với các văn bản khác có liên quan, thậm chí là mâu thuẫn trong cùng một văn bản luật. Chẳng hạn, Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần. Trong khi đó tại Điều 10, luật này lại quy định vi phạm hành chính nhiều lần, tái phạm là tình tiết tăng nặng. Một cán bộ làm công tác tư pháp cho biết, quy định không rõ ràng như vậy khiến cơ sở khá lúng túng khi triển khai thực hiện.
Ngoài những quy định “chỏi” nhau, một số luật cũng thiếu tính khả thi khi áp dụng vào thực tiễn. Quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng là một ví dụ. Luật đã cấm, người vi phạm vẫn cứ vi phạm nhưng chưa thấy ai bị xử phạt. Bên cạnh nguyên nhân khách quan là thiếu lực lượng thực thi pháp luật hoặc thực thi chưa nghiêm, tình trạng người dân chưa chấp hành nghiêm chỉnh theo quy định của pháp luật cũng còn khá phổ biến thì với những quy định “chỏi” nhau hoặc xa rời thực tế như thế, quả là rất khó để đưa pháp luật đi vào cuộc sống.