Khi nhắc đến con khỉ, chúng ta thường liên tưởng đến những đặc tính của chúng như sự tinh nghịch, lém lỉnh, nhanh nhẹn gần gũi với con người. Trong văn học và nghệ thuật cổ của châu Á, hình tượng khỉ rất được phổ biến, chẳng hạn, tướng khỉ Hanuman trong sử thi Ramayana của Bà-la-môn giáo (Hindu); hay hình tượng Tôn Ngộ Không trong tác phẩm văn học cổ Trung Hoa; và trong các tác phẩm văn học cổ điển của Đông Nam Á tiếp biến văn hóa Ấn Độ như Ramakien (Kampuchia), Pram Dit Pram Lak (Chăm), Ramayana Kakawin (Indonesia), Phra Lak Phra Lam (Lào), Hikayat Seri Rama (Mã Lai), Manaraw (Philippines), Ramakian (Thái Lan), Dạ Xoa Vương (Việt Nam).
Khả năng phi thường
Theo truyền thuyết, sử thi Ramayana được viết bởi đạo sư Valmiki vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Khỉ thần Hanuman được ngưỡng mộ trong sử thi Ramayana trong vai người bảo vệ mối tình đầy sóng gió của công chúa Sita và hoàng tử Rama.
Khỉ thần Hanuman (?) - Phế tích Phú Hưng, sa thạch, thế kỷ XI-XII (Bảo tàng Điêu khắc Chăm - Đà Nẵng). |
Trải qua nhiều thế hệ kế thừa và phát triển, Ramayana đã có rất nhiều biến thể nhưng hình tượng Hanuman luôn nổi bật với đức tính thông minh, đảm lược và trung thành. Hanuman, là con trai thần Gió Vayu và mẹ là Anjana, một thiên nữ apsara, cho nên Hanuman còn được gọi là Pavan-suta (con trai của gió). Vì thế, mặc nhiên Hanuman sở hữu được 8 món thần thông, đó là: Anima: khả năng thu nhỏ kích thước của vạn vật; Mahima: khả năng tăng kích cỡ vạn vật; Lagima: khả năng biến vạn vật trở nên không trọng lượng; Garima: khả năng tăng trọng lượng của vạn vật; Brapti: khả năng đi đến bất cứ nơi nào và có được bất cứ điều gì; Parakamya: khả năng điều khiển ý chí mà vật khác không thể cưỡng lại; Vastiva: khả năng làm chủ vạn vật; Istiva: khả năng biến hình thành một vị thần với sức mạnh sáng tạo và hủy diệt.
Với những khả năng phi thường đó, Hanuman đóng vai trò quyết định trong chiến thắng của Rama đánh bại Quỷ vương Ravana mười đầu; là người tham gia bảo vệ mối tình của Rama và Sita. Vì thế hình tượng khỉ Hanuman đã nổi bật trong Ramayana cùng với Rama và Sita trở thành ba nhân vật chính của bộ sử thi này.
Một trong những chương hấp dẫn nhất trong Ramayana là cảnh Hanuman chỉ huy đoàn quân khỉ xây một cây cầu bằng đá nối liền đại lục Ấn Độ với đảo Lanka (Sri Lanka) để đánh bại Ravana, cứu được Sita về cho Rama.
Cảnh công chúa Sita chống đối Quỷ vương Ravana - mười đầu tại vườn Ashoka. Di tích Khương Mỹ, thế kỷ XI-XII (Bảo tàng Quảng Nam). Ảnh: Nguyễn Hồng Kiên |
Ấn tượng trên đá
Trong nghệ thuật điêu khắc Chàm, chủ đề "Lễ cưới Công chúa Sita và Hoàng tử Rama" đã được thể hiện trên một đài thờ phát hiện tại Trà Kiệu hay Kinh thành Sư tử (Simhapura) vào nửa sau thế kỷ thứ 7 (657-687). Bằng một thủ pháp tạo hình sinh động và tài hoa các nghệ sĩ Champa đương thời đã thể hiện bốn cảnh của đài thờ này với sự miêu tả 61 nhân vật xuất hiện trong các phân cảnh của một đám cưới hoàng gia. Tất cả nhân vật này đều được trang điểm bằng đồ trang sức và y phục lộng lẫy và sống động trong từng tư thế và cử điệu riêng biệt. Trong đó, nổi bật với cảnh Rama kéo gãy cây cung của thần Pinika trước mặt đức vua Janaka và cưới được Sita. Với vẻ đẹp hiếm có và nội dung độc đáo, Đài thờ Trà Kiệu đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia đợt 1 vào năm 2012. (Hiện trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm - Đà Nẵng).
Đoàn quân khỉ của Hanuman khiêng đá xây cầu qua đảo Lanka. Di tích Khương Mỹ, sa thạch, thế kỷ XI-XII. Ảnh: Trần Kỳ Phương |
Tuy nhiên, hình tượng khỉ của Ramayana trong điêu khắc Chàm chỉ được thể hiện sinh động tại nhóm ba tháp Khương Mỹ thuộc xã Tam Xuân (huyện Núi Thành). Qua các cuộc khai quật tại đây vào năm 2001 và 2007, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được một hệ thống đế - tháp (foundation-base) bằng sa thạch chạm trổ các chủ đề thuộc Ramayana thiên về các cảnh "Con nai vàng quyến rũ Sita", "Sita bị bắt cóc và bị lưu đày trên đảo Lanka"; đoàn quân khỉ của Hanuman tổ chức xây cầu đá bắc qua đảo Lanka để đánh bại Ravana - mười đầu và cứu được Sita.
Những bức phù điêu hoàn chỉnh của nhóm tháp Khương Mỹ đã góp một tiếng nói riêng vào nền điêu khắc Hindu của châu Á bằng việc chọn những chủ đề sáng tạo độc đáo và bằng một thủ pháp điêu khắc ấn tượng đã thể hiện hình tượng Hanuman và đoàn quân khỉ sống động trong ngôn ngữ tạo hình đầy cá tính của nghệ thuật Champa. Một phần các bức chạm ở đế - tháp của nhóm Khương Mỹ hiện được bảo quản và trưng bày tại chỗ. |
Riêng cảnh Sita chống đối Ravana tại vườn Ashoka, trong quyển thứ năm tựa đề Sundarakanda của bộ sử thi, thể hiện tại nhóm tháp Khương Mỹ, đã được các nhà lịch sử nghệ thuật chuyên nghiên cứu về Ramayana cho rằng đây là tác phẩm điêu khắc duy nhất thể hiện chủ đề này trong toàn bộ các nền nghệ thuật tạo hình ở Đông Nam Á cũng như Nam Á. Những bức chạm này đã chỉ ra mối quan hệ nghệ thuật sâu sắc giữa nghệ thuật Champa với nghệ thuật Java ở Indonesia, và, đặc biệt với nghệ thuật Chola ở Nam Ấn. Niên đại của các bức chạm Khương Mỹ được xác định vào khoảng thế kỷ 10 -12, chúng được chế tác trong những lần trùng tu nhóm đền tháp này bởi các vương triều Champa.
Hình tượng khỉ trên các phù điêu đế - tháp của Khương Mỹ được diễn tả bằng một thủ pháp linh hoạt, hài hước, đầy kịch tính; sinh động và tinh nghịch trong các kiểu dáng đa đạng. Đó là các chú khỉ vác đá trĩu nặng trên vai, sử dụng các loại nhạc khí như trống, xập xỏa, kèn… động viên nhau trong công việc nặng nề và khẩn cấp để xây cho được cây cầu đá bắc qua eo biển. Đặc biệt, tác giả của các bức chạm này đã nhấn mạnh đến tính hài hước của chủ đề khỉ tinh nghịch thể hiện hình tượng các chú khỉ bị rùa cắn vào dương vật trong lúc vượt biển xây cầu đến Lanka.
Hình tượng Hanuman có trái tim nóng bỏng nhiệt tình, khát vọng chiến thắng cái ác, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân; câu chuyện tình bi tráng của Sita và Rama thu hút hàng triệu trái tim qua bao thế hệ. Vì thế, những nhân vật trong Ramayana đã được các nghệ sĩ khắc họa sinh động trong từng chi tiết trên những đền đài lộng lẫy của Ấn Độ giáo được xây dựng qua nhiều thế kỷ từ Nam Á cho đến Đông Nam Á.
TRẦN KỲ PHƯƠNG