Khi ngành thuế "bó tay"...

NHẬT PHONG 13/01/2016 08:56

Cục Thuế Quảng Nam cho biết đã thực hiện đồng bộ các biện pháp thu nợ đúng quy định như ban hành thông báo tiền thuế nợ và tiền phạt chậm nộp, trích tài khoản ngân hàng, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, mời làm việc… Nỗ lực này cũng đã thu về ngân sách (tính đến ngày 30.11.2015) khoảng 732 tỷ đồng. Trong đó, số thu nợ năm trước chuyển sang 184,8 tỷ đồng, thu nợ mới phát sinh 547,2 tỷ đồng. Tính đến ngày 30.11.2015, tổng nợ thuế là 959,7 tỷ đồng, tăng 18,4% so với đầu năm. Trong đó nợ khó thu 496,9 tỷ đồng, nợ chờ xử lý 37,5 tỷ đồng, nợ đến 90 ngày 135,3 tỷ đồng, nợ trên 90 ngày 289,9 tỷ đồng.

Nợ thuế ưu đãi vượt trội, nợ khó thu lưu cữu nhiều năm của các doanh nghiệp một lần nữa lại được các chi cục thuế địa phương xới lên tại cuộc họp gần đây với lời than phiền là không thể thu được. Các chi cục thuế mong muốn có cơ chế xử lý để lành mạnh hóa nền tài chính địa phương và để doanh nghiệp thôi ám ảnh nợ đọng. Không thể để kiểm toán phê bình, nhắc nhở, truy thu nhưng làm cách gì để thu thì cơ quan hành thu không thể trả lời được vì nhiều doanh nghiệp đã bỏ trốn, phá sản từ lâu không thể tìm ra địa chỉ. Theo các chi cục thuế địa phương, nếu các cấp thẩm quyền không đứng ra giải quyết thì ngành thuế cũng sẽ chẳng làm gì được với số nợ đọng kéo dài ấy. Không chỉ vậy, nợ cứ treo, không thể thu được thì tiền phạt chậm nộp tiếp tục gia tăng và tỷ lệ nợ thuế lại tăng cao. Cần giải quyết, thậm chí loại số nợ thuế này ra ngoài danh sách để các địa phương nghiên ứu tiêu chí phù hợp chứ nợ đọng vẫn cứ nằm trong chỉ tiêu thì khó có thể thay đổi, khó có thể một bản báo cáo sạch sẽ và tốt đẹp về nợ thuế được. Điều này đã ảnh hưởng đến chỉ tiêu thi đua của nhiều chi cục thuế địa phương. Hiện chỉ có 4/19 đơn vị hoàn thành chỉ tiêu thu nợ do Tổng cục Thuế giao. Tổng nợ vẫn tiếp tục có xu hướng gia tăng.

Lịch sử đầu tư đã để lại hệ lụy khó giải quyết cũng nên cần một hành động cụ thể, dứt khoát để xử lý số nợ này khi cơ quan thuế tuyên bố “bó tay”, cần một biện pháp ứng xử cấp bách để làm sạch nợ (nhất là nợ thuế của doanh nghiệp bỏ trốn, phá sản và nợ thuế ưu đãi vượt trội). Không thể để treo mãi trên các báo cáo và cuộc họp nào cũng đem ra mổ xẻ mà không đi đến kết quả cuối cùng. Cơ quan thuế nói sẽ thường xuyên phân tích chi tiết khoản nợ, xác minh thông tin, theo dõi tình hình sản xuất kinh doanh để áp dụng biện pháp thu nợ phù hợp. Các khoản nợ khó thu, báo cáo UBND tỉnh, tiếp tục kiến nghị với lãnh đạo địa phương để hỗ trợ giải quyết nợ thuế ưu đãi đầu tư vượt trội từ các năm trước và nợ thu tiền sử dụng đất… Tất cả điều này đã nhiều lần kiến nghị, trình lên các cấp thẩm quyền với nhiều lời hứa hẹn sẽ giải quyết rốt ráo và ổn thỏa, nhưng thực tế đã không có nghị quyết hay quyết định phê chuẩn, ý kiến từ cấp trên về việc khoanh số nợ thuế này lại mà vẫn tiếp tục để treo trên sổ sách thuế, gây khó về áp lực thu nợ, khó để đạt chỉ tiêu thi đua của từng cơ quan thuế địa phương. Liệu điều này có trở thành hiện thực? Ai sẽ là người tháo gỡ khó khăn này vẫn là câu hỏi đang để ngỏ!

NHẬT PHONG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khi ngành thuế "bó tay"...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO