Khi người ta già

VĨNH LỘC 17/01/2019 06:53

“Mô phật, chẳng nghĩ gì. Có chi mà nghĩ”. Bà vẫn trả lời vậy mỗi khi tôi hỏi bà đang suy nghĩ gì. Dường như tuổi già khiến người ta lười nói, chỉ có ánh mắt là vô định, nhìn mà chẳng biết trông ngóng gì.

Bà Huỳnh Thị Bày. Ảnh: V.L
Bà Huỳnh Thị Bày. Ảnh: V.L

1. Tôi có hai người bạn đều ly hôn chồng. Người tên Hoa, người  tên Kim cùng làm việc cho một tờ báo ở miền Nam. Hoa có 2 con, Kim không đứa nào. Cả hai xinh đẹp, khá giả và hiện đại theo kiểu làm hết mình và chơi cũng hết mình. Mỗi năm đi du lịch một vài chuyến. Kim 35 tuổi, trưởng ban kinh tế tờ báo. Một ngày của cô ngoài công việc cơ quan, 17 giờ chiều đi tập gym. 19 giờ tụ tập bạn bè ăn uống, 21 giờ về nhà đọc sách, nghe nhạc hoặc online trên mạng, 23 giờ ngủ; thứ Bảy, Chủ nhật đi chơi hoặc nhóm họp bạn bè cà phê, ăn uống. Gần 8 năm kể từ ngày ly hôn, cuộc sống Kim dường như mặc định vậy, ít thay đổi. Đối với Kim, lấy chồng lại là điều khó thể xảy ra lúc này. “Nhóm tụi em 4 đứa đều không chồng, theo nghĩa là bỏ chồng, chồng bỏ và không muốn lấy chồng, thích gì làm nấy chẳng phải lo nghĩ hoặc sợ ai cấm đoán. Cứ chơi và tận hưởng, già thì cùng rủ nhau vào viện dưỡng lão” - Kim nửa đùa nửa thật.

Không mạnh mẽ như Kim, nhưng Hoa lại có những suy nghĩ rất khác, thậm chí ích kỷ. Với Hoa, chồng con là duyên nợ từ kiếp trước, dù duyên đã hết nhưng nợ vẫn còn, đó là những đứa con mình đã trót sinh ra nên phải ráng nuôi đến đủ 18 tuổi, lúc đó xem như hoàn thành nhiệm vụ, con cái sẽ tự lực bước tiếp cuộc đời của chúng. “Lo chồng con bao năm vậy đủ rồi, bây giờ sợ, mình  phải sống cho bản thân. Cố làm tích cóp để mai này về già vô viện dưỡng lão mà không phải lo nghĩ gì” - Hoa tâm sự.

Tự do bản thân, thỏa mãn đam mê, không vướng bận, ràng buộc đã trở thành quan điểm sống của Kim và Hoa cũng như không ít phụ nữ trẻ mà tôi từng gặp. Cả hai đều cho rằng, quan trọng nhất là khi còn trẻ khỏe nên cố gắng “cày” kiếm tiền mua bảo hiểm, gửi ngân hàng hoặc đầu tư một cái gì đó theo kiểu để dành. Về già thì vào viện dưỡng lão. “Mình không thể biết chuyện gì xảy ra ngày mai, ngày kia, nhất là khi về già, nhưng em nghĩ tuổi già sợ nhất là sự cô đơn, nhưng nhóm tụi em có tới 4 đứa thì chắc không buồn rồi” - Hoa dí dỏm.

2. Bà tên đầy đủ là Huỳnh Thị Bày, sinh năm 1936, nhưng ở cái làng Triêm Đông (xã Điện Phương, Điện Bàn) người ta vẫn quen gọi là bà Bảy. Không chồng, không con, có 3 đứa cháu kêu bằng cô nhưng ở xa, tận Huế và Đăk Lăk. Lúc trẻ bà làm đủ nghề, khi làm thuê, lúc đi bán xoa xoa, mỳ xắt bên Hội An. Hơn 10 năm trước, bà nghỉ bán về nhà làm vườn, nhưng 3 năm nay sức yếu, mệt không làm được. Bây giờ, mỗi tháng bà nhận được 540 nghìn đồng tiền Nhà nước trợ cấp. Thi thoảng hàng xóm và các sư thầy ở chùa Đà Nẵng vào thăm cho đồ dùng, mỳ gạo.

Năm giờ sáng bà dậy, quẩn quanh trong nhà, hết đứng lại ngồi, trông ngóng nhưng cũng chẳng biết trông ngóng gì. Hơn 7 giờ bà pha sữa uống, bữa nào nhờ cậy được ai thì mua ổ bánh mỳ chấm sữa ăn. Mười giờ chụm nồi cơm củi, vậy là ăn đến tối. Thời gian với người già thật dài. Hôm tôi tới, bà ngồi bệt dưới nền nhà bóc từng con tôm ăn với cơm. “Hàng xóm cho. Ngon nhưng răng gãy hết rồi, ăn không cảm giác chi” - bà cười móm mém.

Ngày trước còn khỏe, bà ra vườn nhổ cỏ, lượm mấy nhánh củi chất lên giàn để dành lúc mưa. Chừ thì chịu, lưng khòm, đi vài bước là đau nhức khắp người. “Ở cái xóm ni nhà cửa ở xa, cả ngày không có một tiếng người. Vui với ai mà không buồn” - bà trả lời tôi mà như nói với chính mình. Buồn, nhưng bà không muốn xa nhà. Mỗi khi có ai vô tình nói đùa sẽ đưa bà vào viện dưỡng lão, gương mặt bà lộ vẻ lo sợ. Nếu còn nước mắt chắc bà đã khóc. Trận lũ năm ngoái, nước ngập vào nhà, bà leo lên gác nhìn xuống thấy bàn ghế nổi lềnh bềnh mới lo. Nghe kể, mấy sư thầy ngoài Đà Nẵng vào cho cái điện thoại và cái đèn pin để đêm hôm có gì liên lạc, cầu cứu, nhưng bà chưa dùng bao giờ. Chuông điện thoại reo bà chẳng biết mở thế nào nên mặc kệ.

“Khi nào rảnh thì qua chơi cho vui nghe con, đừng mua quà cáp chi cả” - bà nói khi tôi ra về. Hạnh phúc tuổi già đôi khi cũng giản đơn vậy. Được nghe tiếng người. Chợt nhớ lời Hoa và Kim: “Già vô viện dưỡng lão, còn bây giờ cứ sống vui tận hưởng, lo gì cho mệt”. Tuổi già làm sao biết được, nhất là khi người ta chưa già. Một khoảng thời gian rất dài và chông chênh chưa thể chắc chắn được điều gì.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khi người ta già
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO