Từng có hình ảnh bông bạc trắng muốt ở vùng đất phía nam Quảng Nam “nhắc mãi một lời hứa nào đó rất xưa trong tiếng suối thầm thì” trong trang viết của nhà văn Phan Tứ. Nhân vật của ông, một nguyên mẫu có nhiều câu chuyện đời thường xúc động, cũng vừa theo ông vào thiên cổ…
Nguyên mẫu đặc biệt
Mới đó mà đã 7 năm kể từ ngày tôi tìm đến nhà bà Võ Thị Phận (nguyên mẫu Út Mẫn trong tiểu thuyết “Mẫn và tôi” của nhà văn Phan Tứ) ở thôn 8, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành. Người dẫn đường là nhà văn Phạm Thông. Lúc đó, bà Út Mẫn bước sang tuổi 74. Hôm đầu tuần, cũng chính trên trang Facebook cá nhân của anh Phạm Thông, tôi biết tin buồn bà Phận qua đời.
Chuyện Út Mẫn ngoài đời thường chắc nhiều người biết, tưởng không cần nhắc lại. Nguyên mẫu càng được biết đến nhiều, một phần do tác phẩm khá nổi tiếng của nhà văn được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 2 (năm 2000) như Phan Tứ, một phần nữa do những “uẩn khúc” khi nguyên mẫu trở về với đời thường.
Nhớ lại lần tìm gặp bà Phận, tôi may mắn gặp một “người thân của nguyên mẫu” khác: ông Nguyễn Tám, người giữ chức Bí thư Chi bộ thôn Tứ Mỹ giai đoạn 1962 – 1965. Ông Tám từng sống chung với nhà văn Phan Tứ trong 2 năm 1961 – 1962. Nhà văn Phan Tứ cũng mang dáng dấp của nhân vật đại đội phó Thiêm (ngôi thứ nhất trong “Mẫn và tôi”), người yêu của Út Mẫn. Ông Nguyễn Tám cho hay ông là người dựng lán trại để nhà văn Phan Tứ ngồi viết truyện, trong đó có tiểu thuyết “Gia đình má Bảy”. Càng bất ngờ hơn khi nhân vật “má Bảy” của Phan Tứ cũng lấy nguyên mẫu từ chính mẹ ông Tám, bà Trần Thị Chỉ, tức Bảy Chỉ… Lần ấy, tôi gặp ông Nguyễn Tám để ghi nhận thông tin rằng Út Mẫn khi trở lại với đời thường đã chịu nỗi oan khiên suốt mấy chục năm.
Nhưng bài viết này không có chủ ý đề cập lại nỗi oan Út Mẫn. Mà chỉ muốn nhắc chi tiết thú vị: nguyên mẫu chỉ được “đọc” thấy thông tin về mình qua trang tiểu thuyết được photocoppy, do một nữ sinh viên mang đến tặng.
Nhà văn Phan Tứ viết xong “Mẫn và tôi” hồi tháng 10.1971. Nhưng theo lời bà Phận kể, phải hơn 10 năm sau, bà mới biết mình đã hóa thân vào Út Mẫn. Và mãi đến năm 2003, tức hơn 30 năm kể từ ngày “Mẫn và tôi” ra đời, nguyên mẫu Võ Thị Phận mới chính thức “gặp” được mình qua nhân vật Út Mẫn, thông qua phiên bản do một sinh viên… photo, mang đến tặng. Từ đó, bà đọc kỹ bản photo này, chỗ nào có viết về mình là bà ghi chú, đọc kỹ. Chắc hẳn bà nhận ra mình được nhắc đến quá nhiều trong truyện, bởi tôi thấy bà đánh dấu chi chít bên lề cuốn sách photo.
Thân phận đời thường
Nếu ai từng say mê “Mẫn và tôi”, sẽ không thể quên những dòng ngắn trong “Lời người viết” cuối sách. Nhà văn Phan Tứ viết: “Cuối sách, tôi xin đề gửi lòng biết ơn không bờ bến tới đồng bào đồng chí ở Tam Kỳ và Bình Sơn - hai huyện bao quanh căn cứ Chu-lai – đã nuôi, dạy và che chở tôi suốt những năm tôi công tác tại đấy. Tôi cũng xin nhắc rằng tất cả những tên người, tên đất, tên sự kiện lịch sử trong tiểu thuyết này đều là mượn tạm hoặc do tôi đặt ra”.
Và như tôi từng có lần đề cập, nhà văn Phan Tứ “cẩn thận” viết lời cuối sách về chuyện “mượn tạm” hoặc “đặt ra” tên đất, tên người, cho dù như vậy thì những địa danh Tam Sa, Tam Trân, Lộc Chánh, làng Cá... đều in đậm hình ảnh vùng đất Tứ Mỹ, Tam Mỹ Tây và khu vực giáp ranh Chu Lai. Tất nhiên, cả nhân vật Út Mẫn - người chỉ huy đơn vị du kích tại vành đai diệt Mỹ khu vực Chu Lai – cũng có quá nhiều chi tiết được hư cấu từ nguyên mẫu Võ Thị Phận.
Câu chuyện về nhân vật Út Mẫn khép lại từ năm 1971, mối tình thời chiến Mẫn - Thiêm khiến nhiều thế hệ bạn đọc say mê cũng dừng ngang đó. Nhưng như nhiều người biết, nguyên mẫu Võ Thị Phận thì tiếp tục trải qua rất nhiều sóng gió đời thường… Mới thấy, trong cuộc kháng chiến trường kỳ và khốc liệt để có ngày độc lập toàn vẹn hôm nay, quá nhiều “thân phận tình yêu” đã khuất lấp theo thời gian. Hoặc qua thời gian, nguyên mẫu nếu gặp uẩn khúc cũng sẽ được trả lại sự thật.
Đọng lại trong tôi là hình ảnh khá đắt ở cuối tiểu thuyết, như một sự tiên tri: bông bạc. Bông bạc sớm xuất hiện trong sách, khi nhân vật Thiêm vẫn còn chưa yêu Út Mẫn, “chỉ thương và trọng thôi”. Lúc đó, Thiêm ngắm Út Mẫn đang ngồi cạnh suối. Xuống suối rửa mặt, Thiêm chợt thấy thấp thoáng những chấm trắng nhấp nhô gần bờ. Ấy là bông bạc, nằm chìm dưới nước, rễ xòa bám đá, duỗi những lá mỏng và dài quẫy mãi theo dòng nước như một chùm dải lụa xanh. Chỉ có bông hoa nhô khỏi mặt nước. “Trên đầu cái cuống xanh mềm, hai ngón tay tháp bút xòa ra trắng muốt, nhè nhẹ vẫy mãi, nhắc mãi một lời hứa nào đó rất xưa trong tiếng suối thầm thì”, nhà văn Phan Tứ viết những dòng đầy hình ảnh, thậm chí đầy ám ảnh, về lời hứa mang vóc dáng bông bạc.
Lời hứa từ trang sách thứ 58 ấy, được nhà văn cho nhân vật Thiêm nhắc lại ở trang cuối cùng, trang thứ 642, khi nhớ đến Út Phận: “Hai đứa mình là bông bạc vẫy hai ngón giữa dòng?”. Giờ đây, chỉ còn lại nhân vật, bởi hai nguyên mẫu đều đã trôi theo dòng suối thời gian vào vô cùng…