Khi nhân dân đồng thuận

CÔNG TÚ 29/12/2015 09:10

Chăm lo nông nghiệp, nông dân và nông thôn bằng nhiều nguồn lực, đó là thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đại An gặt hái được để hoàn thành tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2015, và lễ công bố được tổ chức vào ngày mai 30.12.

Đường về Đại An hôm nay. Ảnh: C.TÚ
Đường về Đại An hôm nay. Ảnh: C.TÚ

Đúng vào dịp sinh nhật Bác, ngày 19.5.2012, sân vận động xã Đại An đã đón chào hơn 1.500 người dân về dự lễ phát động xây dựng NTM với mục tiêu đạt chuẩn vào năm 2015. Bước vào hành trình, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đại An ý thức được rằng, chặng đường đến đích NTM còn xa và lắm chông gai, bởi ở thời điểm phát động địa phương mới chỉ đạt 8/19 tiêu chí. “Thành công nào cũng phải trải qua khó khăn, gian khổ và chúng tôi xác định đây là thời cơ để phát triển về mọi mặt. Toàn xã quyết tâm huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, chỉ đạo sát thực với từng thời điểm nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Đến năm 2015 này, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 23,6 triệu đồng, hộ nghèo giảm còn 4,48% có sự góp công không nhỏ từ nông nghiệp.” - Bí thư Đảng ủy Trịnh Minh, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Đại An bày tỏ.

Nâng tầm nông nghiệp

Về xã Đại An những ngày này, hệ thống giao thông nội đồng dẫn chúng tôi ra những cánh đồng rộng ngút tầm mắt nhờ hoàn thành dồn điền đổi thửa ở cả 10 thôn. Xa xa, xuất hiện nhiều đám ruộng nhuộm màu xanh biếc và vươn cao bất thường so với mùa vụ khiến chúng tôi không khỏi lấy làm lạ. Hỏi ra mới hay, đó là diện tích nông dân địa phương chuyên trồng cỏ nuôi trâu bò với số lượng lên đến hàng nghìn con. Kết nối tuyến ĐH3.ĐL là hệ thống đường bê tông chạy dọc - ngang trong lòng thôn Bàu Tròn, khu vực rộng 47ha (tiêu chuẩn VietGAP chiếm 23ha) được thiên nhiên ưu đãi phù sa màu mỡ, con đất phù hợp xây dựng vùng chuyên canh rau nổi tiếng. Chăm chút dây khổ qua đang ra quả non, lão nông Nguyễn Ngọc Anh cho hay, ông xuống giống loại cây trồng này giữa tháng 10 âm lịch, bây giờ nó sinh trưởng nhanh và khoảng nửa tháng sau sẽ thu hoạch, một sào có thể cho lãi ròng 5 triệu đồng. Gia đình ông còn canh tác đậu cô ve choái, dưa leo, ớt ở 4 sào đất khác. “Kết thúc vụ khổ qua, vợ chồng tôi sẽ trồng bắp nếp. Nước tưới cho mùa khô chẳng lo, vì điện thủy lợi hóa đất màu đã kéo khắp vùng chuyên canh này” - ông Anh cho hay.

Qua cánh đồng nằm phía bên phải cầu Quảng Huế (thuộc vùng Bàu Tròn), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những ruộng dưa leo, khổ qua, đậu cô ve trĩu quả đã có thể “mang tiền” về cho nông dân. Xen lẫn là ruộng ớt, đu đủ, bắp nếp, đậu phụng… xanh mơn mởn. Vừa thu hoạch đậu cô ve, bà Nguyễn Thị Huệ phấn khởi kể, gia đình đã “liều” xuống giống từ tháng 9 âm lịch và đến nay đã bắt đầu thu hoạch rộ. Để nguồn thu liên tục xoay vòng, trên cùng một diện tích, người nông dân trồng ớt, lúc cây ớt vươn lên khỏi đầu gối thì đậu cô ve choái cũng đã cao bằng 2 gang tay. Khi đậu cô ve choái ra trái thì nông dân ở đây đã trồng đu đủ xen giữa hai hàng. Còn dưới giàn khổ qua đang hái rộ, những luống cải xanh chỉ còn trơ gốc khi mới được bẻ bán cho tư thương… Cũng như hộ bà Huệ, phần lớn nông dân xã Đại An gắn bó lâu đời với vùng đất Bàu Tròn, thu nhập từ gieo trồng rau củ quả giúp cải thiện rõ rệt đời sống, nhiều thế hệ con em học hành đến nơi đến chốn cũng nhờ vào “bầu sữa” sản xuất nông nghiệp.

Đổi mới nông thôn

Chủ tịch UBND xã Đại An - Huỳnh Sáu nói rằng, để hoàn thành 11 tiêu chí chưa đạt qua hơn 3 năm phát động là nỗ lực không ngừng, với quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị ở địa phương. Trong quá trình xây dựng NTM, bài học “lấy dân làm gốc” tiếp tục chứng minh chân giá trị. Nếu không có sự đồng thuận từ chủ thể này, diện mạo nông thôn đâu dễ “thay da đổi thịt” như hôm nay. Không chỉ phát huy vai trò trong các chương trình phát triển kinh tế, hoạt động phong trào, người dân địa phương còn tự nguyện góp công, góp của, hiến đất xây dựng hạ tầng nông thôn. Trên cơ sở đó, nguồn vốn lồng ghép đã được đầu tư kiên cố hóa các tuyến đường đất lầy lội, bộ mặt “điện, đường, trường, trạm” được sửa chữa và xây dựng khang trang. Nằm gần khu trung tâm hành chính xã, chợ Quảng Huế sau khi nâng cấp đã đảm bảo cho việc trao đổi, giao lưu hàng hóa của nhân dân trong và ngoài địa phương. Về thôn Quảng Huế hôm nay, hình ảnh của một thị tứ giàu sức sống dần hiện hữu ở vùng nông thôn với nhiều hộ kinh doanh thương mại - dịch vụ; sau này cầu Giao Thủy đưa sử dụng, hoạt động giao thương sẽ thêm phần sôi động.

Nổi bật với “phần cứng”, vấn đề vệ sinh môi trường ở Đại An cũng được đảm bảo khi triển khai hợp đồng với doanh nghiệp và thành lập các tổ thu gom rác thải. Trên địa bàn, số hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh chiếm 92,6%. Cũng theo ông Huỳnh Sáu, đâu chỉ cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn ổn định và giữ vững với nhiều mô hình hay như “Diễn đàn công an cơ sở lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân”; “Tổ an ninh tự quản”, “Tiếng kẻng an ninh” triển khai hoạt động hiệu quả ở 10/10 thôn. Cộng đồng trách nhiệm, từng ngành, mặt trận và các đoàn thể ở xã Đại An đều có các phong trào, mô hình cụ thể, thiết thực. Như, MTTQ với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM”, “Con đường xanh - sạch- đẹp”; Đoàn thanh niên với mô hình “Giáo dục thanh, thiếu niên bỏ học, có dấu hiệu vi phạm pháp luật”;  Hội Phụ nữ với “Phong trào thu gom rác thải, sạch từ nhà ra đường”, Hội Cựu chiến binh phát động “Tổ an ninh tự quản đảm bảo trật tự thôn xóm”; Hội Người cao tuổi chăm lo “Xây dựng gia đình ăn ở ngăn nắp hợp vệ sinh”… góp phần đưa mục tiêu đạt chuẩn xã NTM về đích thành công.

Chặng đường mới trong quá trình phát triển đi lên đã mở ra. Mục tiêu có một nền sản xuất phát triển, nhân dân có đời sống sung túc, làng xã văn minh, sạch đẹp, quản lý xã hội dân chủ ở Đại An ngày càng sát thực.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khi nhân dân đồng thuận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO