Thời gian qua, được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, nông dân trên địa bàn tỉnh có điều kiện đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp.
Cơ chế thoáng
Theo thống kê, bình quân mỗi vụ nông dân Quảng Nam canh tác 45 nghìn héc ta lúa, 30 nghìn héc ta cây trồng cạn, rau đậu các loại. Giai đoạn 2006 - 2010, mặc dù Chính phủ và UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhưng tiến độ cơ giới hóa một số khâu trong sản xuất nông nghiệp vẫn diễn ra rất chậm. Đơn cử, đến cuối năm 2010, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất bình quân cả nước là 75% diện tích, thế nhưng ở Quảng Nam chỉ đạt 61%. Tương tự, tỷ lệ cơ giới hóa khâu thu hoạch (nhất là lúa) cũng thấp hơn so với mức “sàn” toàn quốc 10 - 20%. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là khả năng tài chính của các hợp tác xã, tổ hợp tác và đại bộ phận nông dân còn quá eo hẹp. Trong khi đó, việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi gặp khó khăn.
Nhiều HTX nông nghiệp chú trọng đầu tư mua máy sấy lúa giống. Ảnh: V.SỰ |
Nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động ở khu vực nông thôn, giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, ngày 17.11.2011 UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 33/2011/QĐ-UBND quy định cơ chế hỗ trợ đẩy mạnh cơ giới hóa một số khâu trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2011-2015. Theo đó, kể từ ngày 17.11.2011 đến ngày 31.12.2015, ngân sách tỉnh sẽ bố trí kinh phí để hỗ trợ 20 - 25% giá trị cho các gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác có nhu cầu mua máy móc, thiết bị, gồm: máy làm đất 4 bánh công suất từ 18 CV trở lên, máy gặt đập liên hợp, máy sấy hạt giống đối với những địa phương thuộc khu vực đồng bằng và các huyện Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn; những loại máy làm đất nhỏ, máy gặt xếp hàng đối với các huyện miền núi cao được buôn bán hợp pháp ở thị trường trong nước, phù hợp với việc áp dụng theo điều kiện ruộng đất từng vùng. Ngoài ra, UBND tỉnh sử dụng nguồn kinh phí từ chương trình đào tạo nghề để hỗ trợ đào tạo cho chủ sử dụng máy móc, thiết bị về cơ khí nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/2011/NQ-HĐND ngày 19.7.2011 của HĐND tỉnh. Dự kiến, từ cuối năm 2011 đến hết năm 2015, bằng nhiều nguồn vốn huy động các đơn vị và cá nhân trên toàn tỉnh sẽ đầu tư hơn 200 tỷ đồng để mua các loại máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, trong đó ngân sách tỉnh sẽ chi không dưới 20 tỷ đồng để hỗ trợ một phần kinh phí.
Nhiều ý kiến cho rằng, so với các cơ chế cũ thì những quy định trong Quyết định số 33 (gọi là cơ chế 33) thoáng hơn rất nhiều. Nếu trước đây bắt buộc nông dân phải mua các loại máy nội địa mới được hỗ trợ 75% lãi suất vay trên 80% tổng giá trị máy, còn nay cơ chế 33 không buộc như vậy, nông dân có thể mua máy phù hợp với quy mô sản xuất và trình độ sử dụng. Thêm nữa, do thời gian qua nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp khó tiếp cận với nguồn vốn vay nên cơ chế mới này không hỗ trợ lãi suất mà hỗ trợ trực tiếp 20 - 25% tổng giá trị máy theo hóa đơn bán hàng...
Kết quả bước đầu
Cần điều chỉnh cơ chế cho phù hợp với miền núi Theo quy định của cơ chế 33, tại Nông Sơn, Tiên Phước, Hiệp Đức và một số huyện đồng bằng có xã miền núi chỉ được hỗ trợ mua máy cày 4 bánh, trong khi đó ở những nơi này ruộng đất chủ yếu là bậc thang, diện tích nhỏ lẻ, không phù hợp với máy cày 4 bánh. Ông Mai Đình Lợi đề nghị: “UBND tỉnh cần sớm xem xét điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 33 theo hướng cho phép các địa phương trên được mua các loại máy làm đất nhỏ, máy gặt xếp hàng để phù hợp với điều kiện sản xuất”. |
Thấy người dân trong vùng có ruộng rất nhiều nhưng lại thiếu sức lao động nên gần đến kỳ thu hoạch lúa vụ đông xuân 2012, ông Huỳnh Tấn Dũng (ở thôn Triều Châu, xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên) quyết định mua một máy gặt đập liên hợp để cắt thuê. Chiếc máy này có giá trị 200 triệu đồng. Sau khi hoàn tất các thủ tục, ông Dũng được ngân sách tỉnh hỗ trợ 40 triệu đồng theo cơ chế 33. Từ ngày có máy gặt đập liên hợp, không chỉ ruộng lúa của gia đình được thu hoạch một cách nhanh gọn mà bình quân mỗi vụ ông Dũng còn thu không dưới 15 triệu đồng từ dịch vụ cắt thuê. Ông Lê Trung Nam - Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất & kinh doanh tổng hợp Duy Phước nói: “Trong vòng 1 năm trở lại đây, được hưởng cơ chế 33, nhiều hộ dân ở địa phương mạnh dạn đầu tư mua máy gặt đập liên hợp và máy làm đất, nhờ vậy việc sản xuất của nhà nông rất thuận lợi, đáp ứng tính khẩn trương của thời vụ”.
Ông Mai Đình Lợi - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam cho biết, thời gian qua có rất nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ theo cơ chế 33. Riêng năm 2012 tại Điện Bàn, Hiệp Đức, Núi Thành, Đại Lộc, Thăng Bình, Hội An, Tam Kỳ, các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân đã chi gần 20 tỷ đồng mua 63 máy cày 4 bánh, 43 máy gặt đập liên hợp để phục vụ các khâu trong sản xuất nông nghiệp. Ngành liên quan và chính quyền các địa phương đã giải ngân 5 tỷ đồng hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân theo cơ chế 33.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại. Theo ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, thời gian qua mặc dù công tác tuyên truyền, vận động đã được nhiều địa phương triển khai nhưng thực tế cho thấy việc phổ biến, giải thích cho nhân dân nắm rõ các trình tự, thủ tục liên quan đến cơ chế 33 còn hạn chế nên nhiều người mua sắm máy móc không lấy hóa đơn bán hàng, dẫn đến trở ngại trong quá trình lập hồ sơ hỗ trợ. Đặc biệt, do kinh phí hỗ trợ của tỉnh còn thấp nên không thể đáp ứng nhu cầu của người dân. Ông Muộn nói: “Số lượng người dân đăng ký mua máy nhiều nhưng nguồn vốn phân bổ ít khiến các địa phương gặp khó khăn trong việc xét chọn để hỗ trợ. Năm 2012, tại Điện Bàn, Đại Lộc, Thăng Bình còn thiếu gần 1,5 tỷ đồng để thực hiện việc hỗ trợ cho nông dân theo cơ chế 33”...
VĂN SỰ