Khí phách của nhà trí thức cách mạng

ANH TRÂM 26/04/2013 07:51

Chính khách đầy nghĩa tình, nhà trí thức cách mạng giàu thực tiễn Hồ Nghinh (nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, Phó Trưởng ban Kinh tế trung ương) đã để lại nhiều ấn tượng cho hậu thế và cả với những người đương thời. Những câu chuyện từ ký ức của những người từng làm việc, chiến đấu với Hồ Nghinh được ghi chép cẩn thận, có giá trị như một khảo cứu lịch sử… được công bố tại hội thảo do Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng tổ chức.

Tự do và sống

Ngày 30.3.1975, ngày thứ hai sau khi Đà Nẵng giải phóng, chuyện cứu đói là ưu tiên hàng đầu. Khi ấy, Hồ Nghinh đang là Bí thư Tỉnh ủy ra lệnh xuất gạo thu được trong kho để cứu tế, cứu đói cho dân, hỗ trợ mọi điều kiện để người dân trở về quê cũ làm ăn. Theo số liệu thống kê, kho tiếp quản gạo tại Đà Nẵng lên đến trên 40.000 tấn. Ông trực tiếp căn dặn những người thực hiện chủ trương này không được phân biệt tầng lớp, giai cấp hay đối tượng nào cả, bất kể họ là cán bộ, đảng viên, cơ sở quần chúng cách mạng hay vợ con, binh lính, sĩ quan của chế độ cũ…, hễ đói kém đều được cứu! Sau đợt này, chính quyền cách mạng đã xuất hơn 400 tấn gạo cứu tế, 240 tấn gạo cứu đói, bán chịu 1.500 tấn cho dân.

Tại Hội An, những ngày đầu giải phóng, câu nói của đồng chí Hồ Nghinh được chính quyền thị xã lúc ấy ghi nhớ: “Các anh đừng chia nhau thì tốt rồi, cứu dân là đúng”. Triết lý “tự do và sống” gắn liền với chủ trương cứu dân lúc bấy giờ. Sống hòa bình và nhân ái giữa đồng bào… Chính chủ trương bao dung ấy đã góp phần ổn định nhanh chóng tình hình địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng. Cũng không có “cuộc tắm máu” nào diễn ra tại Đà Nẵng như người ta lo lắng.  Cuộc sống của người dân xứ Quảng ngay từ điểm mốc này bắt đầu cho một hành trình mới: độc lập, tự do.

Ngay sau khi ổn định tình hình, Hồ Nghinh tiếp tục bàn thảo xây dựng công trình đại thủy nông Phú Ninh. Nói về Phú Ninh, văn kiện Tỉnh ủy viết: “Công trình thủy lợi Phú Ninh là một cuộc vận động sức người, sức của lớn chưa từng có của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh sau ngày quê hương giải phóng. Công trình có một ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc khẳng định quyết tâm xây dựng đời sống mới của quân và dân Quảng Nam – Đà Nẵng”.

Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng Hồ Nghinh trong ngày vui đại thắng mùa xuân 1975 (ảnh tư liệu).
Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng Hồ Nghinh trong ngày vui đại thắng mùa xuân 1975 (ảnh tư liệu).

Thạc sĩ Võ Công Trí đánh giá: “Khi đưa ra những chủ trương cụ thể này, dường như ông còn nghĩ đến điều gì sâu xa hơn. Thắng lợi này là thắng lợi chung của cả dân tộc, làm sao để ai cũng nhận ra điều này, không mặc cảm, không hận thù, cùng nhau góp sức dựng xây lại đất nước. Đó là cơ sở để thực hiện hòa hợp dân tộc, để vực dậy và phát huy tiềm năng vô hạn trong các tầng lớp nhân dân, động viên sự đóng góp của mọi giai tầng trong công cuộc kiến thiết vĩ đại sau ngày toàn thắng”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An cũng nhắc lại: “Hồi còn chống gậy đi lại trên núi Hòn Tàu, ông nói với tôi rằng, khi giải phóng Đà Nẵng phải có kế hoạch bảo vệ Musée Cham (Bảo tàng Chăm - PV). Rồi sau ngày về tiếp quản Đà Nẵng không lâu, ông cũng có những chính sách can thiệp để giữ lại đô thị cổ Hội An, Mỹ Sơn không trở thành phế tích”.

Ảnh tư liệu về đồng chí Hồ Nghinh.
Ảnh tư liệu về đồng chí Hồ Nghinh.

Ngay cả khi đang đánh giặc trong thế giằng co nhất, Hồ Nghinh đã nghĩ đến chuyện xây dựng đất nước. Ông mường tượng sự nghiệp ấy lớn lao lắm, vĩ đại lắm, nếu không thu phục nhân tâm, không dựa vào sức mạnh của toàn dân thì không dễ gì thắng được…

Trái tim soi đường

Nhiều câu chuyện hiện thực nhưng mang màu giai thoại được ghi chép thận trọng về cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Nghinh. Ông Hà Phước Mai (Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp TP.Đà Nẵng) đề dẫn: “Câu chuyện tôi kể về ông Hồ Nghinh có nhiều chi tiết đã được báo chí và sử sách ghi lại. Nhưng với tư cách là người có mặt công tác ở Hội An ngay từ những ngày đầu giải phóng, trực tiếp chứng kiến các sự việc và qua những nhân chứng, tôi ghi lại có đầu có đuôi những mẩu chuyện và chắc chắn một điều: Không có người dẫn đầu như ông Hồ Nghinh, Hội An đã không là di sản của ngày hôm nay”.

“Tôi là Bí thư Tỉnh ủy, tôi đứng ngay giữa Gò Nổi thì ác liệt tới mấy cũng không bí thư huyện, bí thư xã nào dám bỏ đất mình mà chạy. Bí thư còn bám tại xã, thì không đảng viên nào bỏ dân ở từng thôn xóm. Đảng viên trong từng thôn xóm còn trụ lại thì dân sẽ trụ lại, địa bàn sẽ còn, phong trào sẽ còn. Đấy là việc quan trọng nhất cần làm lúc này”
(Lời Hồ Nghinh khi nói về chủ trương bám trụ tại Gò Nổi)

Một buổi chiều đầu năm 1976, khi chính quyền Hội An huy động hơn 500 người dân phát động ra quân bài trừ mê tín, dị đoan, phân công thành từng nhóm, chuẩn bị đến từng đình miếu để phá hủy, bất ngờ có “ông già” ăn mặc như một thường dân xuất hiện, yêu cầu người đứng đầu ra lệnh giải tán đám đông. Ngay lúc đó, “ông già” Hồ Nghinh tập hợp các vị đứng đầu chính quyền thị xã, hỏi: “Các anh định làm cách mạng văn hóa đấy à? Nên nhớ rằng, phải giữ gìn nguyên vẹn đình chùa, miếu mạo, bi ký, các sách vở văn tự cha ông để lại. Huy động cả trăm người với khí thế hừng hực thế này thì làm gì còn di tích đình, chùa nữa”. Rồi ông nhỏ nhẹ: “Các anh biết không, sau này đất nước phát triển, mở cửa giao thương thế giới, khách du lịch nước ngoài đến đây, các đình, chùa, miếu mạo và các cổ tích, nhà xưa kia sẽ lạ lẫm, hấp dẫn đối với du khách và là nguồn sinh lợi cho dân Hội An”.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nghinh thời kỳ ở Hòn Tàu.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nghinh thời kỳ ở Hòn Tàu.

“Di sản” của Hồ Nghinh nằm giữa lòng nhân dân, gắn liền với từng vùng, từng địa phương không chỉ trong chiến đấu mà cả những ngày tháng hòa bình sau này. Từ Duy Xuyên, nơi chôn nhau cắt rốn đến Điện Phong – Điện Bàn, Hội An, Hòn Tàu, Đà Nẵng, Tam Kỳ… mỗi nơi đều in dấu ấn Hồ Nghinh. Nhà văn Nguyên Ngọc, người gắn bó nhiều với Hồ Nghinh, đến bây giờ khi nhắc lại vẫn còn cái cảm xúc ngỡ ngàng trước những quyết định, chủ trương của ông. Khi Đảng chủ trương phải bám trụ cho được trong lòng dân,  Hồ Nghinh đã đặt ra yêu cầu đưa bộ phận thường trực của Thường vụ Tỉnh ủy và chính bản thân ông về đứng ngay giữa Gò Nổi. Khi đó, Gò Nổi đang bị địch cày trắng, đánh phá khốc liệt ngày đêm. Theo nhà văn Nguyên Ngọc, lúc đó Hồ Nghinh đã nói: “Hiệu quả nhất lúc này là sự có mặt của mình tại chỗ. Tôi là Bí thư Tỉnh ủy, tôi đứng ngay giữa Gò Nổi thì ác liệt tới mấy cũng không bí thư huyện, bí thư xã nào dám bỏ đất mình mà chạy. Bí thư còn bám tại xã, thì không đảng viên nào bỏ dân ở từng thôn xóm. Đảng viên trong từng thôn xóm còn trụ lại thì dân sẽ trụ lại, địa bàn sẽ còn, phong trào sẽ còn. Đấy là việc quan trọng nhất cần làm lúc này”.

Hồ Nghinh sinh ngày 15.2.1915 tại Duy Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam. Ông tham gia cách mạng từ năm 1929, tháng 2.1946 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, là bạn học cùng thời với Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Trường Quốc học Huế, do tham gia cách mạng nên bị đuổi học và bắt bỏ tù. Năm 1932 ra tù, ông về quê lập trường học Tân Tân ở Duy Trinh, dạy học theo một chương trình rất mới, nổi tiếng thời đó.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ở quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng và khu V, Hồ Nghinh giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy, Thường vụ Khu ủy. Hòa bình thống nhất đất nước, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV, Ủy viên chính thức khóa V, giữ chức Phó ban Kinh tế Trung ương cho đến lúc nghỉ hưu.
Ông đã được Đảng và Nhà nước trao tặng các phần thưởng cao quý: Huy hiệu 40, 50, 60 năm tuổi Đảng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Giải phóng hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Thành đồng hạng Nhì, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất.
Ngày 15.3.2007, ông từ trần do bệnh nặng, hưởng thọ 92 tuổi.

Trước đó, có chuyện Hồ Nghinh đề nghị cho nhà văn Nguyên Ngọc về Quảng Đà, thì Bí thư Khu ủy Võ Chí Công dứt khoát: “Xin ai thì được, có thể xin cả tiểu đoàn tăng cường, tuy khó đấy nhưng cũng có thể. Quảng Đà đang khó khăn ác liệt, để Nguyên Ngọc về đó sẽ bị nó “lượm” mất!”. Nhưng Hồ Nghinh cũng dứt khoát không kém: “Hồ Nghinh còn, Nguyên Ngọc còn”. Chính câu nói này đã theo nhà văn Nguyên Ngọc cho đến tận bây giờ. Nhà văn nói: “Có dịp gần anh qua suốt cuộc chiến tranh, và cùng tham gia làm đại biểu Quốc hội, mình càng thấm thía tấm lòng của anh Nghinh đối với trí thức – văn nghệ sĩ. Quý lắm, tình nghĩa lắm!”. Và không phải ngẫu nhiên mà chiến trường Quảng Đà khốc liệt nhất khu V lại là nơi có nhiều trí thức, văn nghệ sĩ tình nguyện xông pha trực tiếp tay bút tay súng. Trong số họ, nhiều người đã ngã xuống như Dương Thị Xuân Quý, Chu Cẩm Phong…

Những câu chuyện thấm đẫm tình người và khí phách của Hồ Nghinh, theo thời gian, đã đưa ông trở thành một “di sản tinh thần” giữa lòng nhân dân và đồng chí, đồng đội.

Gần gũi, không “đao to búa lớn”

“Ở chiến trường hồi đó, mưa bom bão đạn và nhiều phen đói và sốt rét, nhưng chúng tôi vẫn học nhiều thứ lắm. Học thư Đảng, học Nghị quyết, rồi tổng kết chiến dịch. Tôi thấy ở các sinh hoạt ấy, anh Nghinh không có cách giảng giải theo sách vở kinh điển nhấn mạnh điều A, điều B, rồi A lớn, B nhỏ. Anh cũng không nói lại những danh ngôn “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” của Mạnh Tử, “Đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân” của Nguyễn Trãi hay gì khác nữa.
Anh có lối nói của riêng anh.
Anh cứ như là bà mẹ vừa đi ra từ hàng rào ấp chiến lược, bà về vườn cũ, cắt róc mấy xấp lá chuối, kín đáo đem theo một đùm bánh tráng cuốn thịt heo có đủ rau sống tươi ngon và một bịch mắm nêm nhỏ. Bà biết chắc sẽ gặp anh em nhà mình và nếu không gặp bà sẽ để ở một chỗ mà nhất định anh em mình biết. Lời anh nói như là cuộc sống như lẽ đời phải thế, vốn vậy.
Anh cho chúng tôi biết dân là như thế, là tình cảm chứa chan, là sức mạnh gan thép, là những thông tin kiến thức cần có trong cuộc chiến, là những phương thức tổ chức đấu tranh không sách vở nào quy định để khi thì né tránh khi thì xáp vào, cuối cùng đi tới thắng lợi. Đứng bên các anh trong chiến hào, chúng tôi thấy dân mình thật lớn lao và luôn tự nhắc đó là nguồn sức mạnh vô tận chớ bao giờ, không một phút nào được lãng quên. Đó là bài học cho đến bây giờ với tôi điều lo lắng nhất là làm sao giữ được trọn vẹn cách nhìn đó, lối nghĩ đó, tâm tình đó”.

                                                             (Nhà nghiên cứu NGUYỄN ĐÌNH AN)
Thong dong và hóm hỉnh

“Nhiều lúc tôi nghĩ, dường như anh đi qua cuộc chiến tranh này vừa như một chiến sĩ cộng sản hiện đại, lại vừa như một nhà hiền triết phương Đông, và một tấm lòng có điều gì đó rất lắng đọng của những truyền thống đạo đức dân tộc, không ồn ào mà thật sâu sắc. Ngay những ngày chiến tranh, gặp anh đâu đó trên những nẻo đường công tác, trông anh vẫn như một bậc lão Nho thong dong, và rất nhiều hóm hỉnh, cái hóm hỉnh rất Quảng Nam.
Anh Nghinh là một con người như vậy. Ngay cả những ngày ác liệt nhất, khi hận thù do quân thù gây nên đang lên cao ngút trời, anh đã nghĩ đến những ngày đất nước sẽ yên bình mai sau, đến ngày các thế hệ con cháu của tất cả những người Việt Nam, lẫn con cháu của những người đối địch, sẽ cùng nhau sống trong hòa hợp dân tộc, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới. Anh không muốn để lại những vết hằn trong lòng các thế hệ mai sau…”
                                                                               (Nhà văn NGUYÊN NGỌC)
Người tạo cú hích Đổi mới

“Người giữ vai trò kiến trúc sư trưởng của công cuộc Đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo hồi ấy là Trường Chinh, điều này đã được lịch sử thừa nhận. Tuy nhiên, có không ít thông tin cho thấy dường như ông Phó ban Kinh tế Trung ương thân quý của chúng ta (tức Hồ Nghinh – PV) đã có tác động đáng kể đến quá trình đổi mới tư duy của Tổng Bí thư Trường Chinh ngay đêm trước của Đổi mới. Chắc chỉ là nhàn đàm trà dư tửu hậu giữa hai bậc tiền bối cách mạng thôi chứ không phải họp hành làm việc chính thức gì cả, nhưng những gì ông Hồ Nghinh trao đổi bộc bạch lúc này - bằng tất cả sự trải nghiệm thực tế hơn sáu mươi năm, bằng tâm huyết của một người từng vào sinh ra tử một lòng trung thành với Đảng với dân và bằng cả chất giọng Quảng Nam hay cãi - có lẽ đã góp phần tạo nên trong ông Trường Chinh một ấn tượng sâu đậm. Thậm chí, tạo nên một cú hích tư duy, đủ để người 2 lần giữ chức Tổng Bí thư có thể từ bỏ những cách nghĩ cách nhìn quen thuộc song đã lỗi thời”.
(ThS. BÙI VĂN TIẾNG – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng)
TÂM AN (lược ghi từ hội thảo)

ANH TRÂM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khí phách của nhà trí thức cách mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO