(QNO) - Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng, trong cuộc đời mình sẽ có lúc phải một vài lần nữa… vào lớp 1. Đó là một hành trình rất lạ mà tôi tưởng như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã tiên tri viết riêng để dành tặng cho mình trong nhạc phẩm “Ru đời đi nhé”: hành trình cùng “chân đi nằng nặng hoang mang” xuống khe im lìm.
Sách giáo khoa, sách tham khảo lớp 1. Ảnh: C.N |
Không hoang mang sao được khi mùa hè tới, con gái vừa học xong cấp ở mẫu giáo nên chúng tôi quyết định nên đi mua sách giáo khoa để xem con sẽ học những gì khi bắt đầu vào lớp 1.
Tôi tới nhà sách Fahasa và ngỏ ý muốn mua một bộ sách giao khoa thì được nhân viên hướng dẫn tới thẳng dãy kệ sách dành cho lớp 1. Và trước mặt tôi là không dưới 50 quyển sách với rất nhiều loại khác nhau từ sách học, sách bài tập cho đến sách tham khảo.
Tôi gần như tuyệt vọng khi nhân viên nhà sách tư vấn thêm mẹ phải biết bé học ở trường nào vì mỗi trường sẽ có một sự lựa chọn riêng cho việc dạy và học!
Tôi làm sao có thể hình dung nổi cái nguyện vọng đơn giản ban đầu “một bộ sách giáo khoa” của tôi lại trở nên phức tạp đến như thế. Trong ký ức mơ hồ về lớp 1 của tôi cách đây hơn 30 năm thì sách chỉ cần 2 cuốn Toán và Tiếng Việt, vở cũng không nhiều hơn 2 cuốn tập viết vẽ thủ công và tập toán mà bạn bè ai học cũng ráng gìn giữ để sang năm còn dành cho đứa nhỏ.
Cuối cùng, chúng tôi mua một bộ sách bằng hướng dẫn tại bìa 4 của một cuốn giáo khoa từ nhà xuất bản giáo dục mà hoàn toàn không có chút chắc chắn cho sự lựa chọn của mình.
Đến đầu mùa thu, con gái tập trung đến trường để làm quen với môi trường mới. Cũng như bao nhiêu phụ huynh khác, lòng chúng tôi đan xen những cảm giác âu lo, hồi hộp, thương yêu khi nhìn đứa con bé bỏng dường như chưa kịp hiểu mình sẽ làm gì trong phòng học toàn những bàn ghế này.
Mặc dù bé đã từng được làm quen khi còn học mẫu giáo và được ba mẹ hỗ trợ một số hình dung khi vào lớp 1 nhưng nhìn trong ánh mắt ngơ ngác của con và các bạn, chúng tôi vẫn nhận ra những nỗi âu lo phấp phỏng. Và trong rất nhiều nội dung của buổi tề tựu này, nhà trường đã phát cho mỗi phụ huynh một tờ A4 với danh sách ghi đầy đủ tên các đồ dùng cho học sinh lớp 1 gồm 4 quyển sách, 15 vở bài tập các loại và 13 đồ dùng học tập.
Cầm theo cẩm nang A4 này, tôi phải đi đến 5 cửa hàng sách và thiết bị lớn nhỏ khác nhau trong thành phố mới gọi là tạm đủ. Và dường như tôi chưa từng biết rằng xứ Quảng nơi tôi sống hơn nửa đời người lại có một loại vở riêng để “luyện viết cho học sinh Quảng Nam”.
Vở này do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cấp phép, in tại… Công ty CP In và sản xuất bao bì Huế! Băn khoăn khôn xiết khi chạy khắp nơi mà vẫn tìm chưa ra loại vở in sẵn này, tôi vào mạng thử tìm vở luyện viết chữ đẹp dành cho học sinh Hà Nội, Huế, Đà Nẵng… đều không cho ra kết quả. Vậy là học trò xứ Quảng quê tôi được tinh luyện riêng theo chuẩn chữ đẹp mà chắc là có một không hai trong cả nước!
Sau khi loại ra khá nhiều sách và vở các loại tự tiện mua sẵn, thêm kinh nghiệm của nhiều phụ huynh đi trước là riêng với vở bài tập phải mua 2 - 3 quyển dự phòng thì tủ sách ấu nhi của tôi đã ngấp nghé con số 60. Con gái tôi làm gì với mớ vật phẩm đó trong 9 tháng tới trường, tôi hoàn toàn không hình dung nổi!
Nhưng phụ huynh vào lớp 1 nào đã hết bổn phận của mình: bao vở, bọc sách, ghi tên, dán nhãn. Tưởng công việc đó chẳng mấy chốc mà xong, ngờ đâu riêng việc ghi tên vào gần 200 chi tiết hộp đồ dùng học Toán và Tiếng Việt trên những thanh nhựa, thẻ giấy trơn láng đã gần mất hết một ngày vẫn không chút khả quan.
Cuối cùng bằng nhiều tin nhắn qua lại học hỏi với anh chị phụ huynh khác, chúng tôi cũng hoàn thành xong cơ bản với tiên liệu là sẽ phải mua không ít dụng cụ này trong tầm quản lý đồ dùng của một đứa trẻ lên 7!
Khi con vào lớp 1 thì phụ huynh nhất định phải là những người đồng hành tin cậy cùng con lớn lên trong một môi trường hoàn toàn mới. Đã qua rồi thời những phụ huynh là “bạn đồng hành biết tuốt” thuở xa xưa.
Bạn đồng hành ấy, giờ đây lòng càng nặng trĩu hoang mang khi khắp nơi trong cả nước đang hình thành một trận tuyến giữa việc lựa chọn dạy tiếng Việt theo truyền thống và công nghệ giáo dục. Và, một quyết định sắp đưa ra của nhà lãnh đạo giáo dục địa phương rất có thể khiến phụ huynh nhất định, chắc chắn phải vào phòng học của con để... xin một chỗ ngồi.
CHÂU THANH