Khi rác nhựa là tiền

QUỐC HƯNG 12/11/2019 10:42

Nhiều nơi trên thế giới đang nỗ lực thực hiện các sáng kiến, trong đó rác nhựa được giao dịch như tiền mặt để giảm dần việc đổ rác thải độc hại này ra môi trường.

Học sinh tại bang Assam (Ấn Độ) mang rác nhựa đến trường để được miễn học phí. Ảnh: anandabazar
Học sinh tại bang Assam (Ấn Độ) mang rác nhựa đến trường để được miễn học phí. Ảnh: anandabazar

Những người sử dụng phương tiện giao thông công cộng ở thành phố Rome của Italia có thể trao đổi chai nhựa đã qua sử dụng để lấy vé tàu điện ngầm. Bằng cách bỏ chai nhựa vào chiếc máy tái chế tự động được lắp đặt tại 3 nhà ga chính của thành phố, người đó sẽ nhận được vé tàu điện ngầm có mã số được hiện trên điện thoại thông minh thông qua một ứng dụng. Chương trình “+ Ricicli + Viaggi” (tái chế và đi lại) tại Rome được khởi xướng từ tháng 7 năm nay: Cứ mỗi chai nhựa tương đương với 5 cent. Như vậy hành khách sẽ cần khoảng 30 chai nhựa để đổi được một vé tàu trị giá 1,50 Euro (gần 40.000 đồng). Một tháng sau khi khởi động chương trình, hàng trăm nghìn chai đã được thu gom và tái chế.

Thị trưởng Rome - Virginia Raggi cho biết, đây là thủ đô đầu tiên của châu Âu thúc đẩy sáng kiến thân thiện với môi trường như trên, được hành khách ủng hộ tích cực. Nhiều năm trở lại đây, Rome - thành phố thủ đô của Italia, trung tâm văn hóa lịch sử hình thành và phát triển hơn 2.500 năm và là điểm đến du lịch nổi tiếng thế giới, phải đối mặt với những thách thức kinh niên về xử lý rác thải, trong đó có rác nhựa. Sáng kiến này sẽ sớm được mở rộng ra khắp mạng lưới tàu điện ngầm tại Italia.

Chính phủ Indonesia đang điều hành một mạng lưới được gọi là các “ngân hàng rác”. Đó là những trung tâm tái chế rác thải, không chỉ trả cho người thu gom bằng tiền mặt tương ứng với số rác nhựa họ mang tới mà có thể cho những khách hàng này vay tiền mặt và có thể trả tiền vay bằng rác nhựa quy đổi tương ứng. Hay người dân tại Surabaya - thành phố lớn thứ hai của Indonesia có thể mua vé xe buýt bằng chai hoặc cốc nhựa đã qua sử dụng. Mỗi vé xe buýt 2 giờ tương đương từ 5 chai đến 10 cốc nhựa, tùy theo kích cỡ. Một chiếc xe buýt có thể thu thập tới 250kg chai nhựa mỗi ngày, tương đương 7,5 tấn trong một tháng. Đây là sáng kiến của nữ thị trưởng đầu tiên của thành phố, bà Tri Rismaharini, người đặt tham vọng hướng tới Surabaya không rác nhựa đổ ra môi trường vào năm 2020. Khi đó, tất cả rác nhựa sẽ được thu gom, xử lý và tái chế. Thậm chí ở miền bắc Indonesia, người dân cũng đang nô nức đổi rác thải có thể tái chế để... lấy vàng.

Một số nơi trên thế giới thực hiện thu học phí bằng rác nhựa. Mỗi tuần, mỗi em học sinh trường Akshar, bang Assam (Ấn Độ) chỉ cần mang theo 25 mẩu rác nhựa bao gồm chai nhựa, túi ni lông nộp cho văn phòng thu gom tái chế rác thải ở trường là được xem như đã đủ tiền học phí. Hai vợ chồng giáo viên Mazin Mukhtar và Parmita, những người sáng lập ngôi trường đặc biệt này vào tháng 6.2016 cho biết, sáng kiến độc đáo này không chỉ giúp các em nhận thức được tác hại của rác nhựa đối với môi trường, sức khỏe con người mà các em ngay từ nhỏ đã có thể hành động để bảo vệ môi trường, đồng thời mang lại lợi ích thiết thực cho các em.

Trường quốc tế Morit, một trường tư thục ở Nigeria phối hợp với tổ chức phi chính phủ về Sáng kiến dọn dẹp châu Phi (ACI) để thực hiện chương trình đổi chai nhựa rác thải lấy học phí mang tên RecyclesPay, đặc biệt tạo điều kiện cho người lao động thu nhập thấp có cách để tạo học phí cho con em của họ. Ông Alexander Akhigbe, người sáng lập ACI cho biết dự án RecyclesPay đến nay đã được thực hiện tại 5 trường học ở Lagos và có hơn 1.000 học sinh tham gia.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khi rác nhựa là tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO