Khi sáng tạo đi đôi với hủy diệt

VĂN SANH 31/10/2018 02:24

“Trận chiến” của taxi truyền thống Vinasun với Uber/Grab tại Việt Nam đang lên tới cao trào.

Thời gian qua, các hãng taxi truyền thống Việt Nam liên tục khuấy đảo truyền thông và công kích taxi công nghệ Uber/Grab. Từ nỗ lực muốn đưa taxi công nghệ phải tuân thủ quy định của taxi truyền thống, đến việc tố cáo các hãng taxi công nghệ không đóng thuế đầy đủ, thậm chí kêu gọi cả lòng yêu nước của người dân bằng cách… đi taxi truyền thống. Điều này, vô hình trung đi ngược quy trình tiến hóa của kinh tế và công nghệ, đi ngược lại lợi ích trực tiếp của người đi taxi. Người dân cần hãng taxi nào tiện lợi, giá rẻ là gọi đi. Về nguyên tắc, khi thị trường phát triển về mặt năng lực, mở ra một phương thức kinh doanh mới thì năng lực quản lý nhà nước cũng phải được nâng lên để thích ứng với tình hình thực tiễn. Vì vậy, các cơ quan quản lý rất thận trọng, nói đây là mô hình kinh doanh mới, chỉ thí điểm ở một số thành phố lớn, cần một quy chế riêng, v.v. Cuộc chiến taxi chưa đến hồi kết, nhưng cũng cho thấy các hãng taxi truyền thống đang tuyệt vọng trước áp lực ngày càng tăng của mô hình kinh doanh ưu việt hơn.

Nhìn ra thế giới, đỉnh cao của nghề taxi là London (Anh). Người ta bảo lấy giấy phép lái taxi London khó hơn tốt nghiệp đại học. Bạn phải nhớ nằm lòng khoảng 25.000 đường phố và khoảng 100.000 địa điểm khác nhau. Quá trình học có thể mất vài năm và tỷ lệ bỏ cuộc và thi rớt cộng lại là 70%. Taxi London vẫn là niềm kiêu hãnh của người Anh, cho đến khi một công ty Mỹ nộp thuế ở Hà Lan đến và biến tất cả kiến thức trên trở thành ứng dụng điện thoại. Đó là Uber. Uber đơn giản hóa mọi thứ. Chỉ trong vài năm, Uber có 40.000 xe vượt xa con số 21.000 taxi truyền thống. Các taxi truyền thống đã gây sức ép lên chính quyền London, từ việc cáo buộc Uber trốn thuế đến các cuộc biểu tình của tài xế taxi truyền thống. Năm ngoái, London đã từ chối gia hạn giấy phép đăng ký kinh doanh của Uber, vốn hết hạn vào ngày 30.9.2017. Trong diễn biến gần đây nhất, Tây Ban Nha cũng vừa quyết định hạn chế số lượng taxi công nghệ hoạt động, nhằm bảo vệ taxi truyền thống gặp nhiều khó khăn… Công cụ pháp lý có thể ảnh hưởng mạnh đến quá trình tiến hóa của kinh tế và công nghệ, mà yếu tố quan trọng nhất là tính khách quan của cơ quan quản lý.

Đáng kể, taxi truyền thống của Singapore đã chọn phản ứng theo một hướng khác, tiêu biểu là ComfortDelGro. Thay vì lao đầu vào cuộc kiện tụng pháp lý “đến cùng” như taxi truyền thống Vinasun, ComfortDelGro đã nhanh chóng nhận ra các nhược điểm ban đầu của taxi công nghệ, cũng như ưu - nhược điểm của mình và bắt tay vào hành động. Bước đầu tiên, để chống lại một đối thủ sáng tạo, chính là… bắt chước họ. ComfortDelGro cho ra đời một ứng dụng gần giống với Uber, cho phép người dùng gọi taxi từ ứng dụng. Điều này sẽ giúp khách hàng đạt được sự tiện lợi bước đầu giống như Uber. Ngoài ra, Uber ở thời kỳ đầu chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng thì ComfortDelGro cho phép người dùng trả tiền mặt. Đây là một lợi ích cộng thêm rất lớn nếu biết rằng một trong những trở ngại cho taxi công nghệ và thương mại điện tử chính là việc không cho phép thanh toán bằng tiền mặt.
Mặt khác, Uber thời gian đầu tính cước theo lộ trình đi thực tế, tới lúc xong hành trình người dùng mới biết mình trả bao nhiêu thì ComfortDelGro mở thêm lựa chọn mức giá cố định cho việc đi từ A đến B. Cuối cùng, giờ cao điểm Uber tăng tiền cước, ít thì 1,3 lần, nhiều thì 2 - 3 lần, còn ComfortDelGro áp dụng một mức cước cố định không chênh lệch theo thời gian. Những thay đổi này, vừa hóa giải được những lợi thế của đối thủ, vừa tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho mình trên cơ sở đem lại lợi ích vượt trội cho khách hàng, sẽ giúp hãng xe đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với taxi công nghệ.

Và biết đâu đó, trong tương lai không xa, khi mà xe tự lái ra đời, cả taxi truyền thống lẫn taxi Uber/Grab sẽ chỉ còn là hoài niệm.

VĂN SANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khi sáng tạo đi đôi với hủy diệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO