Tây Giang là huyện miền núi với diện tích rừng trên 80%, do đó công tác bảo vệ rừng gặp khó khăn về nhân lực. Nhằm giải quyết điều đó, Tây Giang đã cho xây dựng quy ước bảo vệ và phát triển rừng tại thôn, bản và trở thành điểm sáng trong công tác này.
Xây dựng quy ước
Nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng, huy động nguồn nhân lực cộng đồng dân cư thôn, bản để bảo vệ và phát triển rừng, huyện Tây giang cho xây dựng quy ước bảo vệ rừng tại thôn, bản, đây là cách làm mới đem lại hiệu quả cao. Có mặt tại gươl làng thôn Tà Vàng, chúng tôi được chứng kiến buổi thảo luận quy ước bảo vệ rừng của thôn. Trưởng thôn triệu tập hội nghị toàn thể nhân dân, đại diện lãnh đạo thôn, bản trình bày các nội dung cần thể hiện trong quy ước bảo vệ và phát triển rừng để nhân dân thảo luận, biểu quyết, xây dựng quy ước, dưới sự giám sát của cán bộ kiểm lâm. Buổi họp dân diễn ra trong không khí hết sức nghiêm túc, sôi nổi, các vấn đề liên quan đến rừng được bà con bàn bạc, thảo luận kỹ để phù hợp với điều kiện cuộc sống của họ. Anh Zơrâm Cân, một công an viên của thôn chia sẻ: “Chúng tôi cùng tham gia ý kiến trao đổi với cán bộ kiểm lâm để có thể thực hiện bảo vệ rừng một cách tốt nhất, một khi chúng tôi đã tham gia góp ý, có nghĩa là chúng tôi có trách nhiệm phải thực hiện theo bản quy ước”.
Người dân thôn Tà Vàng đóng góp ý kiến sửa đổi bản quy ước. Ảnh: H.Y |
Ông Pơloong Nhóp - Trưởng thôn Tà Vàng cho biết, trước khi tổ chức xây dựng quy ước bảo vệ và phát triển rừng của cộng đồng thôn, bản, kiểm lâm địa bàn tham mưu cho UBND xã, trao đổi và thống nhất với trưởng thôn, bản chúng tôi những nội dung cần đưa ra trước hội nghị thôn, bản để bàn bạc, thảo luận, biểu quyết nhất trí và cam kết thực hiện. Từ đó, thôn, bản cử ra tổ bảo vệ và phát triển rừng, ủy viên thanh tra nhân dân để tổ chức, giám sát việc thực hiện quy ước đó. Khi có những tranh chấp, vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng, nếu thuộc nội bộ của cộng đồng đã được quy định trong quy ước thôn, bản sẽ được nhắc nhở, giải quyết trên tinh thần thương lượng, hòa giải trong cộng đồng. Với trường hợp hành vi và mức độ vi phạm đã được pháp luật quy định cần phải xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự thì trưởng thôn, bản lập biên bản báo cáo UBND xã, đồng thời báo cho kiểm lâm địa bàn để xử lý. “Khi quy ước ra đời, ý thức của người dân bản, làng cũng tăng lên. Người dân không còn tự ý phá rừng già, rừng đầu nguồn để lấy đất sản xuất, làm nhà ở hoặc dùng vào các việc khác khi chưa được sự cho phép của các cấp có thẩm quyền. Người dân bắt đầu có trách nhiệm ngăn chặn và báo với tổ quản lý bảo vệ rừng thôn, UBND xã, các cơ quan chức năng như kiểm lâm, công an về hành vi vi phạm đến rừng, đồng thời còn có trách nhiệm đẩy đuổi người ngoài thôn vào khu vực rừng của thôn. Người dân trong thôn luôn cùng nhau kiểm tra, theo dõi nếu phát hiện các hành vi vi phạm các điều khoản đã được quy định trong quy ước, ngăn chặn và báo kịp thời với tổ quản lý bảo vệ rừng của thôn” - ông Nhóp nói.
Hiệu quả cao
Qua hơn 1 năm thực hiện, nhờ có bản quy ước mà công tác bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm được thực hiện tốt hơn. Việc phát rừng già, rừng đầu nguồn để làm rẫy ít xảy ra, tình trạng khai thác rừng trái phép đã giảm đáng kể. Chính nhờ thông tin kịp thời từ nhân dân, lực lượng chức năng thu thập và xác minh được nguồn tin về các hoạt động phạm pháp đã và đang xảy ra trên địa bàn, ngăn chặn hàng trăm vụ phá rừng nghiêm trọng nhằm giữ sự bình yên cho rừng. Người dân dần có nhận thức về bảo vệ rừng, biết rừng có ý nghĩa đặc biệt đối với cuộc sống của họ, chính vì thế không còn bị một số đối tượng lợi dụng khai thác rừng trái phép. Người dân tự động nộp cưa lốc cho xã. Hiện tại, các xã đang quản lý 110 cái máy cưa lốc trong tổng số 160 cái có trên địa bàn, số còn lại đang tiếp tục vận động nhân dân giao nộp. Cán bộ kiểm lâm và tổ quản lý bảo vệ rừng của thôn, bản đã tổ chức đo đếm nhiều loại cây gỗ quý như pơmu, lim..., ngăn chặn được sự tàn phá của giới lâm tặc.
Ông Tăng Tấn Lộc - cán bộ Ban quản lý bảo vệ rừng (Hạt Kiểm lâm Tây Giang) cho biết, trước đây tình trạng phá rừng thường xuyên xảy ra, chính nhờ những bản quy ước này mà người dân có trách nhiệm hơn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Hiện, ở tất cả thôn, bản của huyện Tây Giang đã có bản quy ước và người dân tham gia rất nhiệt tình, đẩy đuổi được hàng chục vụ xâm hại rừng. Cái hay của việc làm này là nhằm thu hút người dân cùng bảo vệ, bởi người dân là lực lượng nòng cốt để những cánh rừng mãi xanh. Huyện Tây Giang đang tập trung khai hoang mở rộng diện tích lúa nước để người dân sản xuất lúa nước, giảm áp lực vào rừng tự nhiên, đời sống của người dân địa phương được nâng lên rõ rệt.
HOÀNG YÊN