Khí tiết người cán bộ tiền khởi nghĩa

TƯỜNG QUÂN 23/08/2019 14:19

Mặc dù đã gần 100 tuổi nhưng ông Trần Văn Tuyền vẫn còn rất khỏe, tinh thần lạc quan, minh mẫn đến lạ thường và ông vẫn nhớ từng câu chuyện từ thời cướp chính quyền năm 1945 đến những năm tháng đấu tranh chống Pháp, chống Mỹ. Khí tiết kiên trung của người cán bộ tiền khởi nghĩa, người chiến sĩ cách mạng ấy được thể hiện qua 3 bài thơ ông làm trong các giai đoạn chiến đấu của mình.

Mặc dù đã gần 100 tuổi nhưng ông Tuyền vẫn còn minh mẫn để kể lại những câu chuyện từ thời cướp chính quyền năm 1945. Ảnh: T.Q
Mặc dù đã gần 100 tuổi nhưng ông Tuyền vẫn còn minh mẫn để kể lại những câu chuyện từ thời cướp chính quyền năm 1945. Ảnh: T.Q

Ông Trần Văn Tuyền (hay còn gọi là ông Truyền) là một cán bộ lão thành cách mạng tiền khởi nghĩa hiếm hoi còn sống tại khối phố Hương Trà Đông, phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ. Ông tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền trong Cách mạng tháng 8.1945 tại Tam Kỳ, sau đó tham gia kháng chiến chống Pháp. Thời chống Mỹ, ông bị địch bắt năm 1957, qua các nhà giam An Trí, Chợ Cồn, Côn Lôn. Vào ngày 13.5.1957 khi địch dẫn độ từ Đà Nẵng ra Côn Lôn bắt đầu cho những ngày tháng tù đày gian khổ, ông sáng tác bài thơ “Đất mẹ quê hương”: “Đi đày ra đảo Côn Lôn/ Ngày đi còn hứa hẹn nhau ngày về/ Quảng Nam đất mẹ ân tình/ Bao nhiêu thương nhớ lòng ta bồi hồi/ Quảng Nam trăm nhớ ngàn thương/ Thân này còn có quê hương còn về/ Con xin gởi trọn lời thề/ Đá mòn mặc đá lời thề không phai”.

Tại nhà tù Côn Đảo, cùng với những bạn tù cách mạng, ông Tuyền tổ chức và tham gia tích cực nhiều cuộc đấu tranh trong tù. Vào ngày 8.1.1958, tại trại Cộng sản, trong một cuộc đấu tranh chống đàn áp khủng bố, ông Tuyền sáng tác bài thơ “Gìn giữ thế thanh cao”: “Quyết ngẩng cao đầu nâng chí cao/ Kiên trung giữ dạ lòng son sắc/ Kèm kẹp xiềng gông chẳng quản nao/ Xà lim ngục tối lòng không tối/ Dồi mài ý chí giữ thanh cao/ Thịt nát da bầm tim vẫn đỏ/ Sống thác thường tình dạ chẳng lay/ Giữ trọn thanh danh, khí tiết này”.

Sau hơn 8 năm dằng dặc chốn lao tù, tháng 10.1964, trên đường địch dẫn độ về Quảng Ngãi để xử án, ông trốn thoát rồi lần theo đường sắt về lại Quảng Nam móc nối cơ sở cách mạng. Và ông làm bài thơ “Vượt ngục”: “Thoát vòng thiết hỏa chân cao thấp/ Nhìn cảnh sơn hà bước nhặt khoan/ Về lại chiến khu cùng đồng đội/ Chung tay góp sức diệt bạo tàn/ Gian truân mấy độ thân bao quản/ Sóng gió bao phen dạ chẳng lay/ Chiến trường còn lắm điều gian khổ/ Nghĩa nước tình dân chút dạ này”.

Từ những năm 1970 đến năm 1972, ông Tuyền được đưa ra bắc chữa bệnh, học tập. Sau ngày đất nước thống nhất, ông về quê giữ cương vị Chủ tịch UBND thị xã Tam Kỳ giai đoạn 1976 - 1984. Ông Tuyền là một nhân chứng lịch sử và là tấm gương cao cả cho con cháu đời sau học tập, noi theo.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khí tiết người cán bộ tiền khởi nghĩa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO