Quốc lộ 14E lên miền núi Hiệp Đức đẫm đặc hơi sương trong một sớm mùa đông. Quế Thọ rồi đến thị trấn Tân An ngày mới bắt đầu từ dòng người ùn ùn kéo nhau về làm việc ở các nhà máy công nghiệp.
Sáng sớm, lao động ở xã miền núi Quế Thọ vào nhà máy làm việc.Ảnh: HỮU PHÚC |
Từ 10 năm trước, khi những vựa cao su bắt đầu ứa mủ, dân bản địa ở các xã vùng cao của huyện Hiệp Đức đã tập tễnh làm công nhân cho các nông trường cao su. Từ lao động thuần nông chuyển qua làm công nhân, họ dần dà thay đổi tư duy làm ăn. Và bây giờ, giữa bạt ngàn màu xanh của rừng cao su và keo nguyên liệu, mọc lên các xí nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp quy mô, làm dịch chuyển ngoạn mục cơ cấu lao động địa phương.
Nụ cười công nhân
Chuyện đổi thay từ ngành may. Cách thị trấn Tân An hơn 6km, trung tâm xã Quế Thọ - nơi đóng chân của Cụm công nghiệp Nam An Sơn hối hả nhịp sống công nghiệp. Hai bên đường quán xá mọc lên đông vui. Bữa ăn sáng của công nhân trước cổng nhà máy may diễn ra vội vã. Điện bỗng mất đột ngột, từng tốp công nhân ra ngồi chiếm hết chỗ ở các quán cà phê ven đường. Đời sống thị dân đã len lỏi lên tận vùng đồi núi nhấp nhô này. Chị Trần Thị Kiều Đạt, công nhân may chuyền 5 của Công ty TNHH MTV May Hiệp Đức trở về quê nhà làm việc sau nhiều năm mưu sinh trên đất phương Nam. Chị bảo, thu nhập bình quân hơn 5 triệu đồng mỗi tháng, thấp hơn lao động may ở TP.Hồ Chí Minh; bù lại xưởng may nằm sát nhà, tiện lợi trong di chuyển đi lại, chi phí không đắt đỏ như thành phố lớn. “Những phụ nữ từng ly hương như tụi em đều khát khao trở về làm việc ở quê nhà, có điều kiện vun vén cho tổ ấm hạnh phúc gia đình hơn” – Đạt bộc bạch.
Bén duyên với đất Quế Thọ hơn 3 năm nay, xưởng may của Công ty TNHH MTV May Hiệp Đức hút gần 400 lao động địa phương. Đây cũng là “ngôi nhà” trở về cho các cặp gia đình từng lặn lội mưu sinh trên đất phương Nam. Hai vợ chồng anh chị Nguyễn Công Phú – Nguyễn Thị Trâm (quê ở Quế Thọ) làm việc ở xưởng may này từ những ngày đầu mới hoạt động. Với mức lương mỗi tháng hơn 10 triệu đồng, đôi vợ chồng này chắt chiu xây được nhà, có điều kiện chăm lo cho con. Ước tính có hơn 10 đôi vợ chồng và cả trăm công nhân làm việc cho nhà máy trở về sau những tháng năm bươn bã trên đất khách. Sau giờ tan ca, quanh cây ATM đặt bên cạnh cổng vào nhà máy may rôm rả tiếng nói cười của người lao động khi chờ rút tiền lương. Ông Trương Văn Thạnh – Giám đốc Công ty TNHH MTV May Hiệp Đức cho biết, dù doanh nghiệp trải qua các mô hình hoạt động từ công ty cổ phần sang công ty một thành viên, nhưng tiền lương của công nhân thì không ngừng tăng lên, bình quân hơn 5 triệu đồng/tháng. Thợ may tay nghề giỏi có khi lên 10 triệu đồng mỗi tháng. Lãnh đạo doanh nghiệp còn tạo điều kiện cho công nhân mua đất với giá rẻ, để có chỗ ở, gắn bó lâu dài hơn với ngành may. “Hiện tại công ty có 370 lao động song dự kiến ra Tết Mậu Tuất sẽ thu hút 500 lao động, do công nhân may ở khắp nơi đăng ký về nhà máy làm việc” - ông Thạnh thông tin. Vào chuyền may của nhà máy, tôi đã bắt gặp nhiều ánh mắt, nụ cười thân thiện của công nhân, khác xa với tiếng thở dài vất vả mưu sinh của người dân miền núi bao đời nay.
Đưa công nghiệp lên núi
Cuối năm, vùng đồi núi Quế Thọ càng rộn rã. Xe tải lớn nhỏ nối đuôi nhau vận chuyển gỗ và các sản phẩm ván ép ra vào nhà máy chế biến ván ép của Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam. Dây chuyền sản xuất vừa mới chạy thử nhưng thu hút 140 lao động phổ thông. Bên trong xưởng sản xuất, cứ tưởng công việc bốc xếp, chuyển gỗ chỉ dành cho giới mày râu, không ngờ lại chiếm nhiều lao động nữ. Gần như máy móc hiện đại đã giải phóng lao động cơ bắp. Giữa vùng nguyên liệu rộng lớn, nhà máy ván ép hình thành, khi đưa vào vận hành chính thức sẽ hút 300 lao động. Người trồng rừng sẽ có thêm cơ hội vào làm việc lâu dài cho nhà máy này. Ông Đoàn Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam cho rằng, đầu tư nhà máy tiêu thụ gỗ kéo theo ngành kinh tế lâm nghiệp phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng chỉ số về công nghiệp cho địa phương. Công ty đang tổ chức hình thức sản xuất hiện đại liên kết làm ăn, bằng cách người dân góp đất, công lao động, công ty cam kết tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng tại địa phương. Doanh nghiệp xây dựng thành công chuỗi sản phẩm và dịch vụ đẳng cấp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, nâng tầm ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam trên trường quốc tế. Nhà máy sản xuất chế biến ván MDF quy mô lớn nhất tỉnh có mặt tại Hiệp Đức đã giúp đầu ra ổn định cho cánh rừng gỗ lớn. Theo Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Hiệp Đức, chỉ riêng nhà máy chế biến gỗ, năm 2017 có 4 dự án nhà máy chế biến gỗ triển khai xây dựng tại 2 Cụm công nghiệp Nam An Sơn và Quế Thọ 3. Còn tại Cụm công nghiệp Tân An, nhà máy băm dăm gỗ rừng trồng của Công ty TNHH Nhất Hưng Hiệp Đức với doanh thu gần 180 tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 50 lao động.
Sự có mặt của nhà máy chế biến ván MDF tại Hiệp Đức giải quyết hàng trăm lao động tại địa phương. Ảnh: HỮU PHÚC |
Một vệt đất công nghiệp hình thành nhiều nhà máy sản xuất kéo dài từ xã Quế Thọ, Bình Lâm, thị trấn Tân An lên xã Quế Lưu. Trong khi nhiều huyện miền núi “đỏ mắt” tìm không ra nhà máy sản xuất quy mô, thì nhiều năm nay, chính quyền huyện Hiệp Đức bằng nhiều cách khác nhau đã phát triển đa dạng các ngành nghề, loại hình sản xuất, góp phần thay đổi cơ cấu giá trị kinh tế lẫn dịch chuyển đáng kể cơ cấu lao động. Các lĩnh vực sản xuất tập trung như khai thác khoáng sản, chế biến các sản phẩm từ gỗ rừng trồng, sản xuất giấy và bột giấy, hàng may mặc, chế biến mủ cao su, viên nén gỗ năng lượng và các dự án sản xuất rau củ quả công nghệ cao. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cả huyện đạt 150 tỷ đồng năm 2017, cho thấy tuy mới vào giai đoạn “thai nghén” nhưng kinh tế công nghiệp sẽ còn nhiều triển vọng ở đất nghèo Hiệp Đức. Từ chỗ trắng doanh nghiệp đến làm ăn thì nay địa phương có 4 cụm công nghiệp với 6 nhà đầu tư giải quyết việc làm cho cả nghìn lao động. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức Nguyễn Như Công, địa phương đã “đón đầu”, kêu gọi các loại hình sản xuất sử dụng nguồn nguyên liệu hiện có và thu hút lao động nông thôn, hạn chế danh mục ảnh hưởng đến môi trường. “Ưu tiên hàng đầu của chính quyền là lĩnh vực khai thác, chế biến, tiêu thụ hàng nông sản, nông nghiệp xanh - sạch. Sắp đến sẽ tiếp tục mời gọi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp còn lại, lấp đầy diện tích các cụm công nghiệp hiện có” - ông Công nói.
Giữa núi đồi nhấp nhô, tọa lọa các cơ sở, nhà máy sản xuất công nghiệp. Công nhân hối hả đi vào xưởng máy lúc trời còn hơi sương. Hình ảnh này trở nên thân thuộc trên đất Hiệp Đức những ngày cuối đông.
Ghi chép TRẦN HỮU PHÚC