Từ những con vật linh thiêng như long, lân, quy, phụng đến hình ảnh các con thú được biến đổi mang ý nghĩa thần linh với niềm ước nguyện của con người như hình tượng cá chép hóa rồng đến ngựa có cánh… đã được người thợ gốm ngày xưa mô tả khá nhiều. Chúng là hình tượng được tô vẽ, hay đắp nổi đến các kiểu dáng như đồ đựng dành cho việc dâng cúng hay cho vua chúa đến dân dã như đồ gia dụng. Đồ gốm có tráng men của người Việt xưa được giới chuyên môn dành sự quan tâm và cả sự ngạc nhiên khi hầu như mọi thứ của nước Đại Việt thời Lê sơ đã được tái hiện ở các sản phẩm gốm có tráng men này. Đó là dòng gốm Chu Đậu được phát hiện và khai quật vào những năm 90 của thế kỷ XX, lấy tên thôn Chu Đậu (xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) cho loại gốm mang đậm phong cách gốm Việt.
Những năm 1997 về sau, khi con tàu đắm cổ ở Cù Lao Chàm, Hội An được phát hiện và khai quật với hơn 200 ngàn hiện vật được tìm thấy. Số đồ gốm này được xếp hạng có nguồn gốc từ lò gốm Chu Đậu. Số lượng đồ gốm khổng lồ thu vớt được đủ loại từ đồ đựng như chén, bát, đĩa, bình, lọ, chum, âu, liễn đủ kích cỡ đã mô tả, trang trí tô vẽ hình ảnh đất nước Việt xưa. Từ phong cảnh, con người, cây cỏ, chim chóc, hoa bướm, côn trùng; cả loài thủy sinh dưới nước như cá tôm, cua; cả sinh hoạt trên nhà, dưới thuyền hài hòa với những con thú rừng, thú nhà.
Trên hàng ngàn hiện vật gốm cổ này, đáng chú ý là, trong những biểu tượng về 12 con giáp tượng trưng cho 12 con vật là thú thiêng và thú thường thì thân - khỉ xuất hiện hiếm hoi. Khi tham gia cuộc khai quật con tàu đắm Cù Lao Chàm trong những năm 1997 - 2000, người viết bài này trực tiếp đo vẽ các hiện vật với những hoa văn và cả kiểu dáng đồ đựng thì chỉ gặp 2 tiêu bản có hình tượng con khỉ. Trong khi các hiện vật trang trí là các con thú có liên quan đến 12 con giáp thì khá nhiều, nhất là thú thiêng: thìn - long, và thú thường như ngọ - ngựa, sửu - trâu.
Để có thể hình dung con khỉ được thể hiện như thế nào với người thợ gốm xưa, chúng ta xem 2 tiêu bản được trục vớt này. Trên cái bình nhỏ (hình 1) cao chừng 5,7cm có dáng khỉ mẹ âu yếm khỉ con như kiểu dáng tạo hình truyền thống: “Lân mẫu xuất lân nhi”, được vẽ lam (xanh côban) dưới men thêm các chi tiết để lộ rõ mắt, mũi, miệng, tay chân. Và một tiêu bản là con khỉ được trang trí trên nắp hộp nhỏ (hình 2) có đường kính 6,7cm; cũng vẽ lam với tư thế như là ở trên cây nhảy xuống, thêm chi tiết với một con khỉ khác ở góc trái đưa tay ra… khèo, có vẻ đang đùa giỡn. Nét vẽ sinh động phản ánh tính cách của loài khỉ.
Với hình tượng con khỉ hiếm hoi này, tôi dự đoán: Dẫu chỉ là sự trang trí trên gốm mậu dịch - xuất khẩu nhưng tinh thần Nho giáo và Phật giáo là ảnh hưởng sâu sắc trong giai đoạn của Đại Việt vào thế kỷ XV-XVI.
NGUYỄN THƯỢNG HỶ