Thực hiện chủ trương đưa các môn thể thao vào trường học, sau gần một năm triển khai đã có 5 môn được giảng dạy thí điểm, bước đầu ghi nhận có hiệu quả tích cực.
Đưa Karatedo vào trường học giúp cho giải trẻ của tỉnh có thêm nhiều vận động viên dự tranh. Ảnh: X.PHÚ |
Thí điểm 5 môn tại 11 trường
Cuối năm 2017, Trường THCS Phan Châu Trinh (Duy Xuyên) mở lớp dạy môn võ Karatedo cho học sinh (HS) theo chủ trương của ngành. Theo thầy Mã Phước Cần, nhà trường bố trí thời gian học hợp lý, không ảnh hưởng đến việc học văn hóa của các em nên đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo phụ huynh và HS. Qua sàng lọc, kiểm tra năng khiếu, 60 HS lớp 6 và 7 đã được lựa chọn để tham gia lớp học. “Mỗi tuần các em học 3 buổi sau giờ học chính khóa buổi chiều. Với điều kiện kinh tế của phụ huynh còn khó khăn, HS được miễn hoàn toàn học phí. Qua gần một năm thực hiện cho thấy việc đưa môn Karatedo vào giảng dạy đã đáp ứng nguyện vọng của cha mẹ HS, góp phần giúp các em hình thành thói quen tập luyện TD-TT, nâng cao thể trạng, tầm vóc, thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Ngoài Karatedo, nguyện vọng của HS là được học thêm môn bóng rổ” - thầy Cần nói.
Ngoài Trường THCS Phan Châu Trinh, cả tỉnh còn có 10 trường học triển khai thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về việc dạy thí điểm một số môn thể thao trong các trường THCS giai đoạn 2017 - 2020. Trong đó, Tam Kỳ là địa phương có số lượng trường học nhiều nhất với 4 trường, các địa phương Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh, Núi Thành, mỗi nơi 1 trường. Có 5 môn thể thao được lựa chọn đưa vào giảng dạy là Karatedo, Taekwondo, Võ cổ truyền, bóng đá và bóng rổ. Ngoại trừ bóng rổ, 4 môn còn lại đều khá phát triển tại các địa phương và là những môn chủ lực của thể thao thành tích cao Quảng Nam trong thời gian qua. Vì vậy, việc lựa chọn các môn này đưa vào giảng dạy tại các trường và nhận được sự hưởng ứng tích cực là điều dễ hiểu. Ông Bùi Tấn Nhã - Phó Phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ cho biết, địa phương đã tổ chức dạy thí điểm 4 môn Karatedo, Taekwondo, bóng đá, bóng rổ tại 4 trường THCS Lý Tự Trọng, Lê Hồng Phong, Lý Thường Kiệt và Nguyễn Khuyến. Bước đầu, kết quả được ghi nhận khá tốt.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Thanh - Phó phòng Nghiệp vụ TD-TT Sở VH-TT&DL, các trường học đều xây dựng kế hoạch, chương trình, giáo án huấn luyện và được Sở VH-TT&DL phê duyệt. Trên cơ sở đó, các trường, huấn luyện viên đã triển khai kế hoạch giảng dạy, huấn luyện đảm bảo theo quy định, góp phần nâng cao chất lượng. “Sau 8 tháng triển khai, có thể thấy HS tham gia đầy đủ các buổi tập với thái độ nghiêm túc, tiếp thu bài tập khá nhanh, nắm vững kiến thức cơ bản của môn học. Riêng môn Karatedo ở 2 trường THCS Lê Hồng Phong (Tam Kỳ) và Phan Châu Trinh (Duy Xuyên) qua đánh giá rất tốt, nhiều em thi lên đai xanh. Đáng chú ý, 2 em Nguyễn Thị Ngọc Quyên và Nguyễn Hoàng Bảo My có tố chất đã được tuyển chọn vào tập luyện tại Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT tỉnh” - ông Thanh nhận xét.
Mở rộng và nâng tầm
Hiện có 548 HS của 11 trường THCS tham gia học các lớp thể thao thí điểm do Sở GD-ĐT và VH-TT&DL tổ chức. Trong đó, đông nhất là Võ cổ truyền 180 em, Taekwondo, Karatedo (mỗi môn hơn 110 em), bóng rổ 95, và ít nhất là bóng đá 33. |
Theo ông Lê Văn Chính - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, công tác giáo dục thể chất, trong đó có việc đưa một số môn thể thao vào giảng dạy tại trường học, không chỉ giúp HS rèn luyện thể chất, phát triển năng lực mà còn góp phần hỗ trợ cho các em học văn hóa tốt hơn. Do đó, thời gian qua sở đã quan tâm chỉ đạo cho các trường, phòng GD-ĐT các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, theo đúng quy định về nội dung, chương trình. Thời gian tới, sở khuyến khích các đơn vị xây dựng kế hoạch dạy học theo sở trường của giáo viên, sở thích của HS để tạo điều kiện phát triển năng khiếu thể thao, tạo nguồn vận động viên tham gia giải thể thao hoặc hội khỏe Phù Đổng; đồng thời khuyến khích các trường đưa môn Võ cổ truyền vào phần thể thao tự chọn.
Ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, việc thí điểm đưa các môn thể thao vào trường học trong gần 1 năm qua từng bước xác lập, làm nền tảng phát triển phong trào, và góp phần thúc đẩy thể thao thành tích cao của tỉnh. Thời gian tới, 2 ngành VH-TT&DL và GD-ĐT cần tiếp tục tăng cường phối hợp trong công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác giáo dục thể chất, các hoạt động thể thao trường học nói chung, việc thí điểm các môn thể thao nói riêng, để đạt kết quả tốt. Theo ông Cường, thể thao học đường đóng góp vai trò quan trọng vào thể thao thành tích cao. Vì vậy, quan tâm phát triển thể thao học đường cũng là cách để nâng tầm thể thao của tỉnh.
Theo một đại diện của Hội Võ thuật cổ truyền Quảng Nam, từ năm học 2015-2016, Bộ GD-ĐT đã có chỉ đạo đưa Võ cổ truyền vào chương trình giáo dục thể chất trong các cấp học phổ thông. Rất mừng là thời gian qua ngành GD-ĐT tỉnh nhà đã thực hiện khá tốt việc này khi đưa vào giảng dạy ở tiết Thể dục. Và điều đáng mừng hơn, Võ cổ truyền cũng đã đưa vào giảng dạy thí điểm tại Trường THCS Quế Phú (Quế Sơn), Phan Tây Hồ (Phú Ninh) và Nguyễn Khuyến (Núi Thành). Thời gian tới, ngành GD-ĐT nên đưa Võ cổ truyền vào chương trình thi đấu của Hội khỏe Phù Đổng và giải thể thao HS nhằm động viên phong trào. Qua đó, phát hiện những em có năng khiếu để tuyển chọn bồi dưỡng, nâng cao trình độ.
XUÂN PHÚ