(VHQN) - Rảo bước phố cổ mùa Giêng Hai, chợt thấy nao lòng khi bắt gặp những gốc tre “biết cười”. Dưới bàn tay tài hoa của người thợ phố Hội, những phế phẩm ấy hóa thân thành thứ khiến du khách say đắm.
Những nụ cười trên từng khuôn rễ tre đã thành hình càng khiến du khách tò mò dừng chân để khám phá. Chỉ cần tinh ý, mọi người có thể cảm nhận rõ hình tượng của các rễ tre đã được chế tác. Từ các ông Phúc - Lộc - Thọ, Thập bát la hán, Hải Thượng Lãn Ông đến Bùi Giáng…, các bộ rễ miễn có một điểm nhấn khác biệt là ông “Đỏ tre” có thể tạo hình.
Tre ở đâu cũng có, những người thợ mộc khéo tay ở làng Kim Bồng cũng không ít, nhưng ông Huỳnh Phương Đỏ (phường Minh An) lại là trường hợp hiếm hoi cần mẫn gắn bó, sống được với nghề tạc tượng rễ tre, bằng sự tinh xảo trong từng “tác phẩm nghệ thuật” qua thời gian.
Nghề “lấy công làm lời” vốn cũng lắm công phu, từng bộ rễ tre sẽ được làm sạch đất cho đến khi tinh tươm để giữ độ bền, tiếp đó cưa, đục tách ra từng trối, rửa ráy sạch sẽ để khô. Tùy theo kích cỡ của bộ rễ mà người thợ quyết định tạo hình nhân vật nào. Và làm sao để truyền tải thần thái mỗi bức tượng qua thời gian luôn có sự đổi mới chính là nét tinh tế của người nghệ sĩ.
Có lẽ không nơi đâu trên cả nước “gián tiếp” quảng bá hình ảnh cây tre mộc mạc - biểu trưng của làng quê Việt - đến bạn bè quốc tế hiệu quả như tại Hội An. Một thời khi Hội An “chập chững” mở cửa du lịch, sản phẩm điêu khắc chữ lên cây tre đã tạo ra sản phẩm mỹ nghệ độc đáo cho đô thị cổ, được du khách gần xa yêu mến.
Mấy năm gần đây, cơ sở Taboo Bamboo Workshop (Cẩm Thanh) cũng thiết kế hàng trăm sản phẩm từ bình dân đến cao cấp từ vật liệu tre. Và cả những bộ rễ tre được tạo hình tinh xảo. Sự tài hoa của những người thợ phố Hội đã và đang “đưa tre đi muôn nơi”…