Khiếu nại đất đai ở bãi tắm Hà My, xã Điện Dương (Điện Bàn): Hệ lụy từ sự buông lỏng công tác quản lý

HỮU PHÚC 28/03/2014 11:29

Ông Hiển cầu cứu các cơ quan chức năng, cho rằng chính quyền địa phương đã “ngâm hồ sơ”, chậm giải quyết thủ tục pháp lý liên quan về đất đai, gây thiệt thòi quyền lợi cho nhà đầu tư.

Bức xúc vì… bị thu hồi đất

Trong đơn, ông Nguyễn Văn Hiển trình bày: Ngày 9.7.2003, vợ chồng ông là đại diện theo ủy quyền hợp pháp của ông Nguyễn Văn Hiền (trú tại 42 Mạc Thị Bưởi, phường Bến Nghé, quận 1, TP. Hồ Chí Minh) đã ký hợp đồng thuê đất 10 năm với UBND xã Điện Dương để kinh doanh ở khu vực bãi tắm Hà My với diện tích 900m2 (thửa số 530, tờ bản đồ số 7). Theo thỏa thuận, ông Hiển nộp trước 10 triệu đồng cho xã; sau đó lập các thủ tục thiết kế xây dựng trên phần đất đã thuê. Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn lúc bấy giờ là ông Thân Văn Lào thống nhất chủ trương đề xuất của chính quyền xã Điện Dương cho phép ông Hiển xây dựng khu du lịch trên đất. Ngày 11.8.2006 của UBND huyện Điện Bàn ra Thông báo số 113/TB-UBND (gọi tắt Thông báo 113) đồng ý giao đất thu tiền sử dụng đất một lần với ông Hiển và 2 trường hợp đầu tư du lịch khác là bà Nguyễn Kim Vinh (em gái ông Hiển) và ông Hồ Đắc Tuấn. Ông Hiển đã làm đầy đủ thủ tục hồ sơ giấy tờ mua đất gửi đến các ngành chức năng của huyện Điện Bàn nhưng rơi vào tình trạng im lặng. Năm 2007, ông bất ngờ phát hiện bà Vinh, ông Tuấn đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; còn hồ sơ của ông thì bị “ngâm” ở đâu đó không rõ!

Ông Hiển chỉ vào công trình nhà ở của ông đã xây dựng kiên cố hơn 10 năm nay. Ảnh: H.P
Ông Hiển chỉ vào công trình nhà ở của ông đã xây dựng kiên cố hơn 10 năm nay. Ảnh: H.P

Đối xử có công bằng?

Trong văn bản “Trả lời đơn xin mua đất trả tiền một lần của ông Nguyễn Văn Hiển” số 659/UBND do Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn Thân Văn Lào ký ngày 9.11.2007, khẳng định, theo Quyết định 2240/QĐ-UB của UBND tỉnh thì không được xây dựng kiên cố trong khu vực quy hoạch trồng cây xanh. Lý do không giải quyết cho ông Hiển mua đất vì ông không nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước đúng thời gian quy định. Tuy nhiên, ông Hiển khẳng định, từ sau khi có Thông báo 113, chưa có cơ quan chức năng nào của huyện đến nơi đo đạc, cắm vị trí mốc giới, lập thủ tục giao đất, làm cơ sở để ông hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. “Tại sao tôi phải đập phá công trình tiền tỷ để nhượng lại cho người đến sau, trong khi Thông báo 113 nêu rõ phần xây dựng phía nam của tôi sẽ được đơn vị sử dụng bồi thường xây dựng cơ bản” - ông Hiển bức xúc. Dẫn chúng tôi đi xem các cổng ngõ, lối đi cũ vào điểm xây dựng kinh doanh đã bị bít hết, ông Hiển cho biết, nhà đầu tư khác đến sau bỏ đất hoang nhiều năm, xây tường rào xung quanh chỉ để “xí phần” lại được ưu tiên giao đất. Ông nói: “Sự thật ai cũng biết, nếu tôi tháo dỡ đi thì người khác sẽ hưởng lợi vị trí kinh doanh thuận lợi này”.

Cần giải quyết thấu tình đạt lý

Chính quyền xã Điện Dương thừa nhận, ông Hiển đầu tư quy mô kiên cố trên khu đất đã thuê nên địa phương bỏ qua việc xây dựng không theo thỏa thuận. Xã chưa thu được tiền thuê đất mỗi năm 32 triệu đồng/4 lô, vì các thủ tục cho thuê đất của ông Hiển chưa hoàn tất. Theo đó, ông Hiển chậm hoàn thành nghĩa vụ tài chính là xuất phát từ nguyên do vướng thủ tục đất đai, hồ sơ giấy tờ. Việc ông xin đóng tiền mua đất một lần chậm so với thời gian quy định cũng cần được các cơ quan chức năng của huyện Điện Bàn xem xét khách quan, toàn diện.

Theo ông Trần Minh Hoàng - Chủ tịch UBND xã Điện Dương, xảy ra hệ lụy này có căn nguyên trước đây chính quyền địa phương ký hợp đồng sai quy định, buông lỏng quản lý và không giải quyết triệt để. Đến nay, xã đã tiến hành thanh lý hợp đồng với ông Hiển. Còn ông Đặng Hữu Lên - Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn nói, chính quyền xã sai đã rõ, còn ông Hiển không được giao đất có thời hạn là do ông không chịu đi làm thủ tục. Đề cập việc ông Hiển bị “ngâm hồ sơ”, ông Lên giải thích: “Lỗi thuộc về ông Hiển. Nhà đầu tư phải chủ động làm việc, phối hợp với cơ quan chức năng của huyện để hướng dẫn, lập thủ tục hồ sơ cấp đất, chứ không thể ngồi chờ cơ quan nhà nước được. Thời hạn thuê mặt bằng đã hết, chúng tôi sẽ tiến hành tháo dỡ cưỡng chế nhà ở xây dựng của ông Hiển cho phù hợp với quy hoạch”. Theo ông Lên, nếu ông Hiển có nhu cầu thuê đất ở vị trí khác tại bãi biển Hà My, địa phương sẽ tạo điều kiện, các bên ngồi lại thống nhất phương án hỗ trợ di dời…

Như vậy, nếu chính quyền xã Điện Dương và các cơ quan chức năng của huyện Điện Bàn can thiệp ngay từ đầu thì vụ việc sẽ không phức tạp, rắc rối như hiện nay. Bây giờ “gỡ rối” sao cho có tình có lý là điều mà chính quyền xã, huyện cần lưu tâm.

HỮU PHÚC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khiếu nại đất đai ở bãi tắm Hà My, xã Điện Dương (Điện Bàn): Hệ lụy từ sự buông lỏng công tác quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO