Kho báu ẩn giấu

TRẦN KỲ PHƯƠNG 10/07/2016 11:02

Ngày nay, đến thăm Phật viện Đồng Dương, chỉ thấy một phế tích còn sót lại khung cửa lớn bằng sa thạch của ngôi tháp - cổng. Nhưng phế tích này đã từng là chứng nhân lịch sử của một vương quốc hùng mạnh vào bậc nhất ở vùng Đông Nam Á đương thời; và, trong lòng đất của nó hẳn vẫn còn tiềm ẩn nhiều vật chứng của một thời quá khứ vàng son.

Vào cuối thế kỷ thứ 9, từ năm 875-899, là thời kỳ đức vua Jaya Indravarman II trị vì vương quốc Chiêm Thành, trong thời gian này ngài đã cho xây dựng Phật viện Đồng Dương vào năm 875. Đây là một phức hợp kiến trúc đền-tháp đồ sộ bao gồm những tác phẩm điêu khắc mang vẻ đẹp độc đáo duy nhất trong nghệ thuật Chàm; ngoài ra nó cũng cung cấp những bi ký quan trọng góp phần tìm hiểu lịch sử và văn hóa Chiêm Thành trong các thế kỷ 9-10.

Trong cơn binh biến

Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, Lê Hoàn đã đem quân tiến chiếm kinh đô Chiêm Thành vào năm 892, “Vua thân [chinh] đi đánh Chiêm Thành, thắng được. Trước đó vua sai Từ Mục, Ngô Tử Canh sang sứ Chiêm Thành, bị người Chiêm bắt giữ. Vua giận, sai đóng chiến thuyền, sửa binh khí, tự làm tướng đi đánh, chém Bê Mi Thuế [Paramesvaravarman?] tại trận. Chiêm Thành thua to. Bắt sống được quân sĩ của chúng nhiều vô kể, cùng với kỹ nữ trong cung trăm người và một nhà sư người Thiên Trúc, lấy các đồ quý đem về, thu được vàng bạc của báu kể hàng vạn; san phẳng thành trì, phá hủy tông miếu, vừa một năm thì trở về kinh đô”. Sau khi Lê Hoàn rút quân về Hoa Lư, một vị quản giáp của ông tên là Lưu Kế Tông/Lưu Kỳ Tông đã trốn ở lại Chiêm Thành và tự xưng vương để cai trị vương quốc; người mà một năm sau (984?) Lê Hoàn đã sai con nuôi của mình giết chết.

Pho tượng Phật bằng đồng, cao 119cm, phát hiện tại Phật viện Đồng Dương năm 1911(?). Thế kỷ 8-9. Được công nhận là Bảo vật Quốc gia, đợt I, năm 2012. Hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.  Ảnh: Musée Guimet
Pho tượng Phật bằng đồng, cao 119cm, phát hiện tại Phật viện Đồng Dương năm 1911(?). Thế kỷ 8-9. Được công nhận là Bảo vật Quốc gia, đợt I, năm 2012. Hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Musée Guimet

Dù chỉ cướp ngôi có một năm (?!) nhưng Lưu Kế Tông/Kỳ Tông đã thống trị Chiêm Thành bằng một chính sách cực kỳ hà khắc, các nhân chứng đương thời là các thương nhân Ả Rập đã kể lại rằng, “Abu Dulaf nói rằng: vào thời kỳ đó, tôi đang ở Ấn Độ (khoảng giữa thế kỷ thứ 10), vị vua cai trị Champa tên là Lagin. Nhà sư Nadjran nói với tôi rằng, trong thời kỳ này (từ 980 đến 986), vua [của Champa] là một vị vua xưng là Quốc vương Lukin [Lưu Kỳ], kẻ đã chiếm cứ Champa, cướp phá vương quốc và nô dịch tất cả thần dân”. Niên đại và danh xưng của vị vua và những biến cố lịch sử mà các nhà du hành Ả Rập đã ghi chép hoàn toàn phù hợp với các dữ kiện lịch sử mà sử sách Đại Việt đã nêu lên.

Pho tượng đồng Laksmindra-Lokesvara phát hiện năm 1978, cao 114cm. Được công nhận là Bảo vật Quốc gia, đợt I, năm 2013. Hiện bảo quản tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm - Đà Nẵng .  Ảnh: Musée Guimet
Pho tượng đồng Laksmindra-Lokesvara phát hiện năm 1978, cao 114cm. Được công nhận là Bảo vật Quốc gia, đợt I, năm 2013. Hiện bảo quản tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm - Đà Nẵng . Ảnh: Musée Guimet

Biến cố lịch sử quan trọng này cũng được ghi rõ trong Tống Hội Yếu của sử liệu Trung Hoa, sách này cho biết rằng vào những năm đầu 980, có chiến tranh giữa Chiêm Thành và Đại Cồ Việt; vua Đại Cồ Việt là Lê Hoàn muốn dâng cho triều Tống 93 tù nhân Chiêm Thành. Vào năm 985, sứ thần Chiêm Thành đã ta thán rằng lãnh thổ của họ bị xâm chiếm bởi Giao Châu (Đại Cồ Việt) đồng thời với sự bỏ chạy của người Chàm vào lãnh thổ của nhà Tống để tránh sự chiếm cứ của Đại Việt. Vào cuối năm 986, một đơn vị hành chính của nhà Tống ở Hải Nam ghi chép khoảng một trăm người Chàm chạy trốn đến đảo này. Cuộc trốn chạy của người Chàm được ghi vào năm 986 cùng năm với sự cướp ngôi của Lưu Kỳ Tông [?]. Vì ghi chép của Tống Hội Yếu về thời điểm cướp ngôi của Lưu Kỳ Tông có sai biệt với Đại Việt Sử ký toàn thư nên vẫn chưa thể xác minh được chính xác là việc cướp ngôi của Lưu Kỳ Tông xảy ra vào năm 983 hay vào những năm sau đó; nhưng chắc là chỉ trong khoảng thời gian từ 983 - 986.

Vàng son một thuở

Chính sách cai trị hà khắc của Kỳ Tông tại vùng Amaravati cũng có thể được minh chứng qua một số lượng lớn văn bia của Mỹ Sơn, có niên đại từ thế kỷ thứ 8 đến thứ 10, bị đục xóa một cách cẩn thận dưới thời cai trị của ông. Các chứng cứ lịch sử đã xác định cuộc khởi binh tiến chiếm Chiêm Thành của Lê Hoàn, năm 982, khởi đầu cho những cuộc chiến tranh giữa Đại Việt và Chiêm Thành sau này, đã xảy ra ngay tại vùng Quảng Nam và chính Phật viện Đồng Dương đã bị tàn phá trong cuộc giao tranh ấy. Như vậy Phật viện này đã được thành lập và phát triển liên tục ít nhất trong hơn một thế kỷ, từ năm 875 đến năm 982.

Theo sử gia Hoàng Xuân Hãn, nguyên nhân chính của các cuộc chinh phạt Chiêm Thành dưới thời Tiền Lê và Lý là do nhà Tống Trung Hoa đã lôi kéo Chiêm Thành vào các cuộc chiến với Đại Việt; vì vậy mà Lê Hoàn (982) và Lý Thường Kiệt (1044, 1069) phải khởi binh chinh phạt Chiêm Thành trước vì lo rằng người Chàm cấu kết với quân Tống đánh bọc hậu Đại Việt từ phương Nam.

Dấu vết của cuộc giao tranh khủng khiếp năm 982 còn lưu tích rất rõ tại di tích Đồng Dương, nó đã được các nhà khảo cổ học người Pháp làm sáng tỏ khi tiến hành cuộc khai quật khảo cổ học quy mô tại đây vào năm 1902. Cuộc khai quật này được chủ trì bởi Henri Parmentier, kéo dài từ ngày 7.9 đến ngày 26.11.1902. Một khu vực rộng hơn 6.500 mét vuông đã được khai quang bao gồm 22 di tích đền-tháp và một số vết tích khảo cổ học được phát hiện; chúng đã được đo đạc, lập bản vẽ thiết kế, chụp ảnh, kiểm kê.

Qua cuộc khai quật này, Parmentier xác nhận rằng Phật đường hoàng gia đã bị cướp phá một cách hệ thống, và nó đã bị phá hủy bởi một trận hỏa hoạn dữ dội. Ông phát hiện các bức tường của Phật đường đã bị cháy sập, những lanh-tô/mi cửa bằng đá bị gãy đổ vì lửa cao, và một số pho tượng hoặc đã bị cháy đen hoặc bị hủy hại vì lửa. Theo Parmentier mục đích của những kẻ phá hoại dường như muốn hủy diệt toàn bộ Phật viện; và ông đã kết luận ngay sau cuộc khai quật rằng Phật viện này đã bị bỏ phế sau khi nó hoàn toàn bị tàn phá. Vết tích của cuộc tàn phá này hiện nay vẫn còn có thể nhận ra trên nhiều phần của đài thờ lớn bằng sa thạch của Phật đường chính (hiện trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm-Đà Nẵng), trên đó còn lưu tích rất rõ những vết thâm đen của khói khi Phật đường này bị đốt phá.

Mặc dầu các kiến trúc đền-tháp đều đã bị tàn phá nặng nề, nhưng những tác phẩm điêu khắc của Phật viện Đồng Dương lại được sưu tầm và bảo quản rất tốt tại các bảo tàng trong nước và quốc tế. Những bộ sưu tập phong phú về nền điêu khắc Đồng Dương đã giúp cho giới thức giả nhận thức rõ tầm vóc bề thế của Phật viện này.

Và, một dịp may lớn đã đến với nghệ thuật Chàm vào năm 1978 khi nhân dân trong làng Đồng Dương tình cờ phát hiện một pho tượng đồng lớn đã được chôn giấu cẩn thận ngay tại phế tích. Việc phát hiện pho tượng này tại một vị trí cách tháp-cổng của khu Phật đường chính khoảng 50 mét về phía nam đã góp thêm phần khẳng định rằng Phật viện Đồng Dương đã bị cướp phá trong cuộc chiến với Lê Hoàn vào năm 982 như kết quả khảo cổ học trước đây đã chứng minh. Chúng ta có thể suy luận rằng, pho tượng báu bồ tát bằng đồng này đã được chôn giấu trước khi Phật đường chính bị cướp phá trong cuộc tấn công vào Đồng Dương, nó phù hợp với những gì mà Parmentier đã tường thuật qua cuộc khai quật của ông. Các nhà nghiên cứu đã liên hệ pho tượng quý này với danh hiệu của Phật viện được đề cập trong văn bia của vua Jaya Indravarman II, nên gọi tên tượng là Laksmindra-Lokesvara.

Những kho báu còn ẩn giấu

Trước kia, Parmentier đã thừa nhận do những hạn chế về thời gian nên ông và các đồng nghiệp đã phải kết thúc cuộc khai quật tại Đồng Dương trước khi mùa mưa đến vào tháng 11.1902; vì vậy, ông không thể ghi chép được tất cả công trình đã tạo nên khu đền-tháp quan trọng này, điều đó giải thích vì sao ngày nay chúng ta chỉ biết sơ lược về Phật viện Đồng Dương.

Mặc dù Phật viện Đồng Dương đã bị tàn phá nặng nề, tuy nhiên trong lòng đất của phế tích này hẳn còn ẩn chứa nhiều tác phẩm nghệ thuật khác, mà, việc phát hiện hai pho tượng đồng là Laksmindra-Lokesvara cao 114cm vào năm 1978 (lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm - Đà Nẵng); và pho tượng Phật cao 119cm vào năm 1911 (lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TP. Hồ Chí Minh) là những bằng chứng thuyết phục cho dự đoán về nhiều tác phẩm nghệ thuật còn đang bị vùi lấp trong lòng đất của phế tích này.

Hy vọng trong tương lai, khi hội đủ điều kiện, các nhà khoa học có thể tiến hành một cuộc khai quật khảo cổ học toàn diện và quy mô trên phạm vi di tích đã được xác lập hiện nay. Cuộc khai quật đó chắc chắn sẽ phát lộ phần chân tháp của toàn bộ khu phế tích, và có khả năng làm xuất lộ các tác phẩm điêu khắc bị vùi lấp trong lòng đất. Những phát hiện mới đó sẽ góp phần nới rộng giới hạn hiểu biết hiện nay về một nền nghệ thuật độc đáo và phong phú nhất của Chiêm Thành trong mối liên hệ mật thiết với các vương quốc đương thời ở Đông Nam Á, Nam Ấn và Hoa Nam. Và, thiết thực hơn, dựa trên kết quả của những cuộc khai quật trong tương lai, chúng ta có khả năng phục dựng Phật viện này trở thành một địa điểm hành hương lý tưởng cho các Phật tử vì đây là một trong vài Phật viện hiếm hoi có niên đại sớm nhất của văn hóa Phật giáo Việt Nam.

TRẦN KỲ PHƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kho báu ẩn giấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO