(QNO) - Thế giới lãng phí gần 10 tỷ USD mỗi năm đối với kim loại quý có trong rác điện tử. Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị áp dụng quy định mới liên quan đến việc giảm rác thải này.
Cấp thiết tái chế rác điện tử
Ngày 12/10/2023, Liên hiệp quốc cho biết, người tiêu dùng trên khắp thế giới vứt bỏ hoặc tích trữ các thiết bị điện tử mà không sử dụng có chứa nguyên liệu thô cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, trị giá gần 10 tỷ USD mỗi năm.
Những nguyên liệu có trong rác điện tử bao gồm lithium, vàng, bạc và đồng... rất cần thiết để sản xuất các công nghệ xanh như pin xe điện, với nhu cầu dự kiến sẽ tăng vọt trong những năm tới khi ngành công nghiệp xanh tiếp tục phát triển nhanh chóng.
Vì vậy, việc xử lý và tái chế thiết bị chứa các kim loại quý trên được đánh giá là cấp thiết.
Tuy nhiên, thay vì tái chế, nhiều thiết bị điện tử cũ như đồ chơi, dây cáp, thuốc lá điện tử, các loại dụng cụ, bàn chải điện, máy cạo râu, tai nghe và nhiều đồ dùng gia đình khác... lại bị vứt bỏ lãng phí ra môi trường, hoặc người tiêu dùng giữ lại không sử dụng mà không nhận ra giá trị tiềm năng trong rác thải này.
Viện Đào tạo và nghiên cứu Liên hiệp quốc (Unitar) ước tính con số đáng kinh ngạc là có hơn 9 tỷ kilogram kim loại quý trong rác điện tử mỗi năm trên thế giới, với nguyên liệu thô trị giá 9,5 tỷ USD.
Chỉ riêng năm ngoái, 950 triệu kilogram dây cáp chứa đồng có thể tái chế lại bị loại bỏ, tương đương với việc quay quanh trái đất 107 vòng. Do đó, cải thiện việc tái chế rác điện tử có thể góp phần đáng kể vào sự phát triển bền vững và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Liên hiệp quốc cho biết, ở châu Âu, 55% rác thải điện tử được tái chế. Nhưng trên toàn cầu, tỷ lệ tái chế trung bình giảm xuống chỉ còn hơn 17%. Ở một số khu vực ở Nam Mỹ, châu Á và châu Phi, tỷ lệ tái chế gần như bằng 0.
Nỗ lực của EU
Trong cuộc chiến góp phần giảm rác điện tử, năm ngoái, EU phê chuẩn sử dụng cổng sạc chung cho điện thoại di động kể từ mua thu năm 2024.
Theo đó, mọi thiết bị điện tử tiêu dùng như điện thoại di động, máy tính bảng, máy ảnh được bán tại thị trường EU phải dùng cổng sạc chuẩn chung là USB-C. Đến mùa xuân năm 2026, mọi laptop cũng phải dùng chuẩn sạc chung.
EU kỳ vọng quy định trên không chỉ giúp thuận lợi hay đơn giản hóa trải nghiệm cho người tiêu dùng mà có thể cắt giảm khoảng 11 nghìn tấn rác điện tử, bảo vệ môi trường và tiết kiệm cho người dùng khu vực khoảng 250 triệu euro (270 triệu USD) mỗi năm.
Rác điện tử bao gồm các sản phẩm điện hoặc điện tử là một vấn đề toàn cầu đang gia tăng. Với sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ, các thiết bị tiện ích nhanh chóng trở nên lỗi thời, dẫn đến lượng hàng điện tử bị thải bỏ ngày càng tăng. Khi không được xử lý đúng cách, rác điện tử gây ô nhiễm môi trường và lãng phí các nguồn tài nguyên quý giá.