Kho báu về ký ức vùng đất

TÔN THẤT HƯỚNG 11/06/2023 11:30

(VHQN) - Quảng Nam là nơi hội tụ và kết tinh những giá trị độc đáo của các loại hình di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu; điển hình là hơn 200 mộc bản khắc các bộ kinh có niên đại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19. Đây được xem là kho báu về ký ức của một vùng đất.

Quan Công Miếu (Chùa Ông, Hội An). Ảnh tư liệu
Quan Công Miếu (Chùa Ông, Hội An). Ảnh tư liệu

Tư liệu ký ức

Hơn 200 mộc bản đang được lưu giữ tại chùa Chúc Thánh, chùa Vạn Đức (còn gọi là chùa Cây Cau) và chùa Phúc Lâm thuộc Thiền phái Lâm tế Chúc Thánh ở Hội An. Số lượng mộc bản trong các chùa này chắc chắn không nhiều như ở Huế, Đà Lạt và một số nơi khác, nhưng đây là những hiện vật quý giá bởi niên đại chế tác khá xưa cũng như có vai trò minh chứng sự du nhập và phát triển của Thiền phái Lâm tế Chúc Thành vào xứ Đàng Trong cách đây gần 400 năm.

 Trên dải đất miền Trung hiện nay, trong đối sánh, có thể nói Quảng Nam là vùng đất có bề dày lịch sử và từng được xem là một trung tâm văn hóa Phật giáo dày truyền thống, khi trong lịch sử, từng có nhiều vị tổ sư Phật giáo từ miền Bắc đến đây hành đạo, hay từ Trung Hoa sang khai tông lập phái, dựng xây chùa chiền.

Chính vì vậy, hệ thống mộc bản hiện còn ở Quảng Nam, có thể xem là một phần không thể thiếu của văn hóa Phật giáo xứ Quảng, là một phần minh chứng cho giai đoạn phồn thịnh, một di sản văn hóa độc đáo, mang trên mình nhiều giá trị trong việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa Phật giáo Quảng Nam nói riêng và miền Trung nói chung.

Một mặt mộc bản ở Tổ đình Phước Lâm, Hội An. Ảnh: An Dy
Một mặt mộc bản ở Tổ đình Phước Lâm, Hội An. Ảnh: An Dy

Ở Hội An, có một mộc bản nổi tiếng, liên quan đến Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm, thân phụ của đại thi hào Nguyễn Du. Vào tháng 5 năm Giáp Ngọ (1774), Chúa Trịnh sai Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc đem quân thủy bộ hơn ba vạn đánh chiếm thành Phú Xuân (Thuận Hóa).

Trước đó, tháng 10 năm Tân Mão (1771), Nguyễn Nghiễm đã về hưu nhưng đến tháng Giêng năm Nhâm Thìn (1772) lại được triệu ra làm quan Tham tụng. Trong cuộc nam chinh này, ông làm Tả tướng quân, chỉ huy một cánh quân.

Tháng 3 năm Ất Mùi (1775), Nguyễn Nghiễm và Hoàng Ngũ Phúc hợp quân tiến đánh Quảng Nam, quân Nguyễn thua to, phải nhờ Tây Sơn giúp đưa Đông Cung thế tử rút về Quy Nhơn.

Khi đem quân vào chiếm đóng Hội An, Nguyễn Nghiễm đã đến thăm miếu Quan Phu Tử (còn gọi là Chùa Ông, Hội An) và cảm khái làm bài thơ “Sư để Hội An phố đề Quan Phu Tử miếu” (Hành quân đến phố Hội An đề miếu Quan Phu tử) và bài tán “Quan Phu tử miếu” (Bài tán miếu Quan Công)”.

Hai vị tùy tướng là tiến sĩ Uông Sĩ Dư, tiến sĩ Nguyễn Lệnh Tân đã họa nguyên vận bài thơ “Sư để Hội An phố đề Quan Phu Tử miếu” và tự tay viết cả ba bài thơ và bài tán rồi sai thợ khắc chạm thành ba tấm hoành phi treo trên tiền điện ngôi miếu. Hai bài thơ khắc gỗ này có vị trí khá quan trọng đối với sự nghiệp lập ngôn của Nguyễn Nghiễm, bộc bạch tâm tình ẩn chứa đạo trung nghĩa của bậc danh thần thông qua lời thơ tán tụng công đức Quan Phu Tử.

Gìn giữ cho ngày sau

Những bộ mộc bản ở Quảng Nam được san khắc bằng chữ Hán, chữ Nôm, chứa đựng nhiều kiến thức mang giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ độc đáo. Tuy nhiên, với thăng trầm qua thời gian, rất nhiều di sản tư liệu đã bị biến mất và có nguy cơ bị biến mất. Đó là trường hợp của một ngôi nhà rường ở Hội An, được bán vào cuối năm 1946, rồi theo đường sông chở đến thôn Diêm Phổ, Tam Anh Nam, Núi Thành.

Bài thơ của Nguyễn Thuật được khắc gỗ ở ngôi nhà Lương y Phạm Tấn Tuấn, thôn Diêm Phổ, Tam Anh Nam, Núi Thành. Ảnh: Phú Bình
Bài thơ của Nguyễn Thuật được khắc gỗ ở ngôi nhà Lương y Phạm Tấn Tuấn, thôn Diêm Phổ, Tam Anh Nam, Núi Thành. Ảnh: Phú Bình

Ngôi nhà rường này đến nay thuộc sở hữu của ông Phạm Tấn Tuấn, vẫn còn nguyên trang trí nội thất ở ba gian chính, nhưng độc đáo là các tấm phên lụa khắc nổi các chữ Hán - Nôm. Đó là 8 tấm ván gỗ khắc 4 bài thơ trong tập “Mỗi hoài ngâm thảo” của Hà Đình Nguyễn Thuật được làm vào mùa đông, năm Thành Thái – 1895 do ông chép lại qua hai lần được vua Tự Đức phái đi sứ sang Trung Hoa (1881 và 1883).

Bốn bài thơ có nhan đề “Du Ngô khê”, “Đăng Nhạc Dương lâu”, “Đăng Hoàng Hạc lâu” và “Trùng đăng Tình Xuyên các” khắc trên vách phên lụa trong ngôi nhà rường hiện ở Diêm Phổ đều được Hà Đình viết trong hai chuyến đi sứ và đã được chép vào hai tập “Mỗi hoài ngâm thảo” được hậu duệ lưu tại nhà thờ ở Hà Lam - Thăng Bình.

Cũng giống như các di tích khác ở Quảng Nam, các mộc bản, tư liệu ký ức tuy mang nhiều giá trị và trải qua thử thách ác liệt của chiến tranh, sự tác động khắc nghiệt của môi trường và xu thế hiện đại hóa của con người đã làm cho các di sản tư liệu đứng trước tình trạng hư hại, xuống cấp, nhất là các cấu kiện gỗ bị mối mọt, trang trí bằng hợp chất bị gãy vỡ, mà chưa được bảo vệ, giữ gìn bằng những giải pháp phù hợp.

Qua trao đổi với các nhà nghiên cứu, họ đều thống nhất rằng cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, số hóa di sản, đánh giá đầy đủ, chuẩn xác hơn về giá trị của di sản độc đáo này.

Các nhà chuyên môn cũng đưa ra khuyến cáo cần tiến hành nghiên cứu về lịch sử hay nghiên cứu liên ngành nhằm cung cấp thêm những cứ liệu khoa học về lịch sử - văn hóa vùng đất, con người, giá trị tư liệu của di sản; đồng thời cần hướng dẫn cho người dân cách bảo quản các tư liệu quý của mình để gìn giữ được lâu dài.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kho báu về ký ức vùng đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO