Khó bình ổn thị trường thịt heo

VIỆT NGUYỄN – LÊ QUÂN 19/07/2020 04:43

Trong khi người dân hy vọng giá thịt heo sẽ “hạ nhiệt” thì tại các hệ thống siêu thị, chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh giá lại tăng mạnh. Chính phủ, Bộ Công Thương đã có giải pháp nhập khẩu thịt heo để tăng nguồn cung nhưng giá thịt heo vẫn liên tục “nhảy múa”. Vậy đâu là nguyên nhân và Quảng Nam có các động thái gì để bình ổn thị trường này?

Thịt heo nhập khẩu được bán ở siêu thị Co.opMart Tam Kỳ. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Thịt heo nhập khẩu được bán ở siêu thị Co.opMart Tam Kỳ. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

BẤT ỔN

Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cam kết đưa giá heo hơi  về mức 70 nghìn đồng/kg để bình ổn giá theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, thế nhưng tại các chợ, giá thịt heo không giảm, ngược lại còn tăng cao.

Giảm… ăn thịt heo

Chị Nguyễn Thị Thọ (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) cho biết, giá thịt heo tăng quá cao, nên năm nay, đám giỗ nhà mình chị quyết định… bớt lại các món dùng nguyên liệu từ thịt heo. Thay vào đó, ưu tiên sử dụng thịt bò, gà. Các bà nội trợ khá đau đầu khi tính toán bữa ăn cho gia đình trong thời buổi thịt heo đang ở mức ngất ngưởng.

Chị Cao Thị Thu Huệ (phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ) giật mình khi nghe tiểu thương tại chợ Tam Kỳ báo giá thịt ba rọi nay đã chạm mức 180.000 đồng/kg, sườn non dao động từ từ 200 - 240.000 đồng/kg. “Cũng biết thịt heo tăng giá do dịch bệnh và nhiều thứ, nhưng không nghĩ giá tăng cao như vậy. Cứ đà này, chắc phải tính toán tiêu dùng trở lại. Mấy năm trước thịt heo cũng có vài đợt sốt giá nhưng chưa bao giờ mức tăng cao như hiện tại” - chị Huệ nói. 

Giá thịt heo tăng cao khiến nhu cầu tiêu thụ thịt heo có xu hướng giảm, đặc biệt tại các chợ lẻ, lượng thịt heo bán ra được nhiều tiểu thương cho biết giảm 15 - 30% so với thời điểm giá thấp.

Chị Vũ Thị Thiên (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) cho biết bình thường mỗi ngày đi chợ chỉ chi khoảng 70 - 80 nghìn đồng cho một món từ thịt heo dành cho 3 người ăn, tuy nhiên, hiện nay với lượng thịt như vậy phải tốn 110 - 130 nghìn đồng, thậm chí ăn thịt ngon phải hơn 150 - 170 nghìn đồng.

Thịt heo tăng giá khiến các hàng quán cũng lao đao theo. Chủ quán cơm bình dân tại TP.Tam Kỳ cho biết, phải xoay xở để chia sẻ giá tốt cho thực khách, bởi nếu tăng giá theo giá thịt hiện nay thì còn gì là cơm bình dân. Giá thịt tăng không chỉ làm khó người tiêu dùng mà còn là nỗi lo của hộ kinh doanh.

“Là người kinh doanh thịt heo, nhưng nhìn giá thịt tăng chúng tôi lo nhiều hơn mừng, bởi giá cao thì mức tiêu thụ giảm. Nếu như trước đây mỗi ngày tôi bán 1 con heo khoảng 100kg thịt, thì nay giá cao, chỉ nửa con cũng bán không hết, nhiều hôm phải mang thịt ế về bán với giá rất rẻ coi như lỗ vốn” - chị Nguyễn Thị Cưng (tiểu thương chợ An Mỹ, TP.Tam Kỳ) chia sẻ.

Chưa quen thịt nhập khẩu

Hiện tại, giá heo hơi trên thị trường chưa thể xuống thấp là do nhiều yếu tố tác động, như nguồn cung khan hiếm, chi phí chăn nuôi cao, người dân không có thói quen sử dụng thịt lạnh nhập khẩu… Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ cho biết, siêu thị có nhiều lựa chọn về thịt heo dành cho người tiêu dùng, thịt heo nhà cho đến heo nhập khẩu, tuy nhiên, mức giá vẫn ở ngưỡng khá cao.

Thịt heo đang được tiểu thương bán với giá rất cao ở các chợ trên địa bàn tỉnh. Ảnh: LÊ QUÂN
Thịt heo đang được tiểu thương bán với giá rất cao ở các chợ trên địa bàn tỉnh. Ảnh: LÊ QUÂN

Tại Quảng Nam, mặc dù việc giảm nguồn cung thịt heo đã được bù đắp một phần từ các loại thực phẩm khác như thịt gà, thịt bò, thủy sản và nguồn nhập khẩu nhưng nhìn chung theo tập quán tiêu dùng, thịt heo vẫn là nguyên liệu chính cho các bữa ăn. Thời điểm này, giá heo hơi vẫn ở mức từ 70 - 95 nghìn đồng/kg. Giá heo thành phẩm tại các chợ truyền thống dao động từ 180 - 200 nghìn đồng/kg. Ông Võ Đại Sơn - Giám đốc HTX Duy Đại Sơn cho biết, dù giá heo tăng cao nhưng nguồn heo lại không đủ cung ứng cho nhu cầu thị trường. 

Việt Nam nhập khẩu được gần 50 nghìn tấn thịt heo nhưng vẫn không đủ để giảm giá heo trong nước. Nếu mua thịt heo nhập khẩu, mỗi ký thịt heo, người tiêu dùng sẽ tiết kiệm được khoảng 30 - 40 nghìn đồng. Cụ thể, giá chân giò chỉ từ 51 - 60 nghìn đồng/kg, nạc vai heo 77 nghìn đồng/kg, cốt lết 78 nghìn đồng/kg, nạc đùi heo 80 nghìn đồng/kg, sườn non 85 nghìn đồng/kg...

Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Như Lai, người tiêu dùng tại TP.Tam Kỳ lại chưa có thói quen sử dụng thịt heo nhập khẩu. Tại siêu thị Co.opMart có sẵn thịt heo ngoại nhập từ Ba Lan, Mỹ và nhiều nước khác, giá rẻ hơn thịt heo trong nước nhưng chất lượng vẫn đảm bảo, tuy nhiên người tiêu dùng lại chưa mặn mà với thịt heo đông lạnh dạng này. 

Việc thay đổi thói quen tiêu dùng và chuyển sang dùng thịt heo nhập khẩu vẫn còn cần có thời gian đối với người nội trợ Quảng Nam.

KHÓ TÁI ĐÀN

Tái đàn heo sẽ góp phần cân bằng cán cân cung - cầu thị trường thịt heo. Tuy nhiên, việc tài đàn heo gặp rất nhiều khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Nhâm cho biết, rất khó tái đàn heo vào thời điểm này. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Bà Nguyễn Thị Nhâm cho biết, rất khó tái đàn heo vào thời điểm này. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Rủi ro tiềm ẩn

Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi heo quy mô lớn đồng loạt không xuất hoặc hạn chế xuất bán heo thịt nên gia tăng hiệu ứng thiếu nguồn cung làm tăng giá thịt heo. Đáng nói, heo hơi xuất chuồng đến tay người tiêu dùng phải qua 2 - 5 khâu trung gian nên giá thịt heo tăng cao càng khó giảm giá. Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương nỗ lực tìm cách giúp nông hộ, doanh nghiệp tái đàn heo để dần ổn định nguồn cung thịt heo. 

Tuy vậy, tại Quảng Nam, đến nay dù cho dịch tả lợn châu Phi đã được khống chế, giá heo hơi cao nhưng nông hộ, doanh nghiệp nhỏ vẫn chưa dám tái đàn. Bà Nguyễn Thị Nhâm - hộ nuôi heo ở địa bàn thuộc xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ) cho biết, hiện tổng đàn của gia đình chỉ còn 12 con, bằng 1/6 so với trước đây. Do giá heo giống quá cao, lại không được kiểm dịch nên rủi ro lớn, bà không dám tái đàn.

“Đúng là dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát nhưng có thể tái phát bất kỳ lúc nào. Giá heo giống có giá đến 2,5 triệu đồng/con cỡ 5kg, nuôi 4 - 5 tháng trời bán tối đa được 8 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí nuôi mỗi con heo thương phẩm đã lên đến 5 triệu đồng/con. Khó thu lãi hoặc lãi thu được quá ít thì làm sao chúng tôi dám tái đàn heo” - bà Nhâm nói.

Ông Lê Văn Tại - cán bộ phụ trách thú y của UBND xã Tam Phú cho biết, tổng số hộ nuôi heo trên địa bàn là 1.500 hộ nhưng đến nay chỉ còn khoảng 100 hộ đang nuôi heo. “Trước đây, heo giống có giá chừng 500 nghìn/con nay tăng lên 2,5 triệu đồng. Trong khi đó, nông hộ sản xuất nhỏ lẻ, đầu tư kém nên nguy cơ dịch bệnh tàn phá là rất lớn. Vừa rồi, do dịch tả lợn châu Phi, toàn xã đã tiêu hủy hàng trăm tấn heo là bài học nhãn tiền” - ông Tại nói.

Nuôi heo là sinh kế chính của hộ ông Trần Văn Tôi (thôn Tú Trà, xã Bình Chánh, Thăng Bình) nhưng hiện nay, không có con heo nào được nuôi ở 2 dãy chuồng trại của gia đình. Ông Tôi cho biết, phải chuyển sinh kế sang làm phụ hồ từ đầu năm 2020 đến nay. “Không có gì chắc chắn nuôi heo sẽ thành công khi chúng tôi không có điều kiện để nuôi heo an toàn sinh học. Dù không muốn nhưng vẫn phải chuyển đổi sinh kế để sinh sống” - ông Tôi nói.

Ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y Quảng Nam cho biết, người dân lo sợ chất lượng giống heo là đúng bởi heo giống vận chuyển trên địa bàn tỉnh sẽ không được kiểm dịch. Ngành chức năng chỉ kiểm dịch khi heo giống được vận chuyển từ Quảng Nam đến tỉnh khác hoặc ngược lại. Trong khi đó, lượng heo giống từ tỉnh khác đến Quảng Nam hầu như không có.

Trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 doanh nghiệp lớn nuôi heo quy mô là C.P và Thái Việt với 77 trại nuôi heo. Còn lại hầu hết là nuôi heo theo kiểu manh mún, người dân không thể đầu tư nuôi heo an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh. Nguyên nhân là các hộ nuôi heo chủ yếu tận dụng hèm từ nấu rượu, rau trồng trong vườn nên không có khu cách ly. Nông hộ hầu như chỉ phun thuốc phòng bệnh và khử độc khi được ngành chức năng cấp phát. 

Cần hỗ trợ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay, dù cho tỉnh đã kiểm soát được dịch tả lợn châu Phi nhưng nhiều hộ dân vẫn còn chưa được nhận hỗ trợ thiệt hại khi heo chết do dịch trong năm 2020 này. Do chậm thanh toán tiền hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh nên người chăn nuôi không biết huy động vốn từ đâu để mua heo giống duy trì sản xuất. Hiện tại, người chăn nuôi và cả doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận chính sách về tín dụng, lãi suất ưu đãi để tái đàn, tăng đàn heo.

Từ năm 2019 đến nay, do cao điểm của dịch tả lợn châu Phi, các cơ sở chăn nuôi heo không cho phối hoặc hạn chế phối giống nên ảnh hưởng đến nguồn cung heo giống hiện nay. Bộ NN&PTNT dự báo phải đến quý IV mới bảo đảm cơ bản nhu cầu heo giống. Một nguyên nhân nữa là thời gian gần đây các doanh nghiệp lớn sản xuất heo giống chủ yếu phục vụ nhu cầu chăn nuôi của chính doanh nghiệp đồng thời phục vụ mạng lưới chăn nuôi heo gia công nên đã hạn chế bán heo giống ra ngoài. Khi nào heo giống còn thiếu hụt thì việc tái đàn của người chăn nuôi heo còn khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, đã giao Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Tài chính, các ngành, địa phương liên quan tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ người nông dân, doanh nghiệp tái đàn heo.

Về việc này, ông Lê Ngọc Trung - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đang giao Chi cục Chăn nuôi & thú y khảo sát thực tế chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh cũng như tìm hiểu cách hỗ trợ tái đàn heo ở nhiều địa phương khác trên phạm vi cả nước để tham mưu UBND tỉnh. Sở NN&PTNT yêu cầu UBND 18 huyện, thị xã, thành phố theo dõi quá trình tái đàn heo trên địa bàn quản lý, báo cáo khó khăn, vướng mắc, đề xuất Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật của tỉnh tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời.

“Chúng tôi đề nghị các địa phương kiểm tra việc tái đàn heo trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở hỗ trợ nông hộ nếu không may bị dịch bệnh” - ông Lê Ngọc Trung nói.

NUÔI HEO THẢO MỘC

Tận dụng lợi thế từ địa phương, trang trại nuôi heo thảo mộc của Công ty TNHH Trang trại Toàn Cầu (Global Farm Co.Ltm, đóng tại Phú Ninh) đang cho thấy hiệu quả kinh tế. 

Mô hình nuôi heo thảo mộc của Công ty TNHH Trang trại Toàn Cầu. Ảnh: LÊ QUÂN
Mô hình nuôi heo thảo mộc của Công ty TNHH Trang trại Toàn Cầu. Ảnh: LÊ QUÂN

Ông Huỳnh Đức Tường - Giám đốc Global Farm cho biết, hiện tại trang trại có khoảng 1.200 con heo nái, 1.000 heo thịt để cung ứng cho thị trường. Với diện tích hơn 3ha, trang trại heo của ông Tường khá hiện đại theo mô hình khép kín, có trang bị hệ thống loa phát âm thanh dành riêng cho heo đẻ để tránh giật mình, ảnh hưởng đến việc sinh sản.

Ban đầu, ông Tường phát triển trang trại theo hướng thực phẩm sạch đến các hộ gia đình và sau đó bao tiêu lại sản phẩm. Sau một thời gian, sản phẩm thịt heo sạch từ trang trại nhận được khá nhiều phản hồi tích cực và đơn đặt hàng vì vậy quy mô trang trại cũng tăng theo. Cùng với nuôi heo sạch, tận dụng các thảo mộc từ địa bàn các huyện vùng núi Quảng Nam, heo đen thảo mộc được nhân giống và xuất chuồng, cung ứng cho thị trường một dòng sản phẩm thịt thơm ngon. 

Theo ông Tường, để có được thực phẩm sạch cung cấp ra thị trường thì đầu tiên phải chọn nguồn giống con vật nuôi thật tốt, đảm bảo chất lượng. Những con giống được chọn phải được mua ở những công ty, trang trại giống uy tín, có tiêm chủng đàng hoàng. Nguồn thức ăn chăn nuôi cũng phải được kiểm định chất lượng sạch, an toàn; điều kiện chuồng trại đảm bảo vệ sinh, kiểm tra thường xuyên có đệm lót sinh học và hệ thống biogas xử lý phân giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.

Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm việc trong ngành chế biến thức ăn gia súc cũng như các kỹ thuật liên quan đến chăn nuôi, ông Huỳnh Đức Tường nói, khâu vệ sinh và tiêm chủng rất quan trọng đối với trang trại chăn nuôi heo an toàn. Việc đảm bảo an toàn và phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả luôn được Global Farm chú trọng, vậy nên trang trại chưa bao giờ xảy ra tình trạng dịch bệnh nào lớn. Chưa kể, dự án nuôi heo bằng thức ăn thảo mộc của ông nhận được sự hưởng ứng khá lớn từ các doanh nghiệp lớn của Đà Nẵng. Trước đó, để đủ nguồn thực phẩm cung cấp ra thị trường, ông đã chủ động liên kết với các hộ chăn nuôi trên địa bàn, cung cấp con giống và kiến thức chăn nuôi theo hướng thực phẩm sạch đến các hộ gia đình và sau đó bao tiêu lại sản phẩm.

Thị trường của sản phẩm heo thảo mộc vẫn chủ yếu tại TP.Đà Nẵng. Ông Huỳnh Đức Tường nói, sắp tới khi siêu thị Big C tại TP.Tam Kỳ khai trương, sản phẩm của ông sẽ được bày lên kệ của siêu thị này. Đây chính là bước quan trọng để người tiêu dùng Quảng Nam tiếp cận với sản phẩm heo sạch này.

TÌM GIẢI PHÁP LÂU DÀI

Bên cạnh các giải pháp cấp thiết để ổn định thị trường thịt heo, bảo vệ người tiêu dùng thì  các ngành chức năng cần tính đến phương án lâu dài để đảm bảo chuỗi thực phẩm quan trọng này.

Ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho rằng, bản chất của thị trường hiện nay là cán cân cung cầu quyết định giá cả. Vì vậy, để ổn định thị trường thịt heo, trước tiên phải bảo đảm nguồn cung. Để làm được điều này cần thực hiện song song việc tái đàn heo theo hướng bền vững và nhập khẩu thịt heo, đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm. Về nhập khẩu thịt heo, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương có kế hoạch từng tháng về nhu cầu thịt heo, số lượng thịt heo cung ứng trong nước được bao nhiêu và cần nhập khẩu bao nhiêu.

Đến nay, thịt heo nhập khẩu đã có mặt ở hầu khắp các chợ, siêu thị trên địa bàn tỉnh. Các nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể đã có nhu cầu rất lớn, đón nhận nguồn thịt heo này vì đảm bảo chất lượng mà giá cả phải chăng. Với giá thịt heo nhập khẩu thấp hơn thịt heo nội địa chừng 15 - 20 nghìn đồng/kg, các địa chỉ kinh doanh thức ăn nói trên thu lợi khá lớn.

Thịt heo tăng giá cao trên thị trường có nguyên nhân từ việc chi phí cho khâu trung gian quá lớn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tư thương mua heo hơi tại chuồng với giá 70 nghìn đồng/kg. Với mỗi con heo có trọng lượng 1 tạ, tư thương mua 7 triệu đồng. Sau khi giết mổ, chỉ riêng lượng thịt tư thương bán ra đã thu được đã xấp xỉ 11 triệu đồng. Ngoài ra, còn có xương, lòng, đầu... tư thương thu lợi thêm.

Để giảm tối đa khâu trung gian, ông Lê Ngọc Trung - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết đang tập trung các nguồn lực để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi heo theo hướng công nghệ cao, khép kín theo chuỗi từ chăn nuôi, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, từng bước giảm dần số lượng các cơ sở chăn nuôi heo và lò mổ nhỏ lẻ chuyển sang chăn nuôi quy mô lớn và giết mổ tập trung. 

Ông Đoàn Ngọc Sơn - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết, mặc dù chú trọng thanh tra nhưng chưa phát hiện các trường hợp giết mổ, vận chuyển, buôn bán thịt heo trái pháp luật. Để tiếp tục tạo ổn định thị trường thịt heo trên địa bàn tỉnh, các đội quản lý thị trường trực thuộc đang tăng cường công tác quản lý địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ để nắm bắt tình hình thị trường, diễn biến cung - cầu, giá bán của mặt hàng thịt heo và các sản phẩm từ heo.

Ngành quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn kiểm tra, kiểm soát các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho lạnh nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá mua, giá bán thịt heo bất hợp lý. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát khâu lưu thông, các tuyến đường lên khu vực biên giới, khu vực giáp cửa khẩu, đường mòn, lối mở nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, thu mua, buôn bán heo, thịt heo trái phép qua biên giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khó bình ổn thị trường thịt heo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO