Khó chịu với bệnh nhiệt miệng

TÂM AN 09/09/2014 12:43

Bệnh nhiệt miệng không loại trừ bất kỳ lứa tuổi nào. Tuy không phải là bệnh nặng nhưng nhiệt miệng trở đi trở lại rất nhiều lần, gây khó chịu cho người mắc phải.

Dùng nước ép hoa quả là biện pháp chữa trị nhiệt miệng hiệu quả.
Dùng nước ép hoa quả là biện pháp chữa trị nhiệt miệng hiệu quả.

Nhiệt miệng là tên gọi dân gian, đây là bệnh viêm loét niêm mạc miệng do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Theo bác sĩ Tây y, nguyên nhân gây bệnh nhiệt miệng tùy thuộc vào cơ địa và thời tiết. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sinh bệnh như: áp lực tinh thần lớn, công việc căng thẳng (stress) khiến cho chức năng miễn dịch bị suy giảm; các rối loạn bài tiết bên trong, phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt; dị ứng với thuốc hoặc thực phẩm… trong đó suy giảm miễn dịch được xem là nguyên nhân quan trọng dẫn đến nhiệt miệng. Các trường hợp suy giảm chức năng khử độc của gan, các chất độc (chủ yếu là kim loại nặng như asen, chì …) tích tụ lại ở niêm mạc đường tiêu hóa (chủ yếu là niêm mạc miệng) khi lượng chất độc đủ lớn tạo nên ổ hoại tử rồi vỡ ra tạo thành vết loét (nhiệt miệng). Bệnh có nhiều liên quan đến hệ thống miễn dịch của cơ thể, bệnh mang tính chất tự miễn, tức là tự cơ thể hình thành dị nguyên, rồi cơ thể lại phải tự sinh ra kháng thể để dung giải chất độc đó đi, phản ứng này sinh ra ổ hoại tử, từ đó vỡ ra hình thành nên vết loét, đồng thời vết loét lại thường xuyên bị ướt do nước bọt cộng với dịch thức ăn phức tạp cho nên rất lâu lành. Còn theo Đông y, càng nóng càng dễ gây ra bệnh nhiệt miệng. Phần lớn là do dùng thực phẩm cay, nóng dẫn đến nhiệt người gây lở miệng. Các bác sĩ cũng khuyến cáo, bệnh lở miệng và loét miệng hoàn toàn khác nhau. Cần tìm hiểu rõ nguyên nhân cụ thể của từng căn bệnh để có cách phòng cũng như chữa trị cần thiết.

Một số cách chữa nhiệt miệng tại gia

- Uống bột sắn dây ngày 2 lần sẽ giúp bạn giảm đau rát và mau khỏi trong trường hợp bị bệnh nhiệt miệng độ nhẹ.
- Để điều trị, bạn cần uống vitamin C liều cao, B2. Vitamin A cũng rất tốt vì giúp cơ thể tái tạo niêm mạc nên chóng khỏi bệnh.
- Ăn nhiều rau cải xanh hoặc cải bắp, uống nước cam, chanh.
- Nấu nước rau má, rau bắp uống hằng ngày thay cho nước lọc và phải uống đủ 1,5 - 2l/ngày.
- Kiêng đặc biệt nước đá lạnh.
- Khi ăn xong súc miệng ngậm nước muối ấm pha loãng.
- Uống nhiều nước hơn bình thường một chút.
- Hạn chế ăn các loại gia vị cay nóng như ớt, tỏi, gừng, tiêu… nên ăn nhạt. Các loại thịt nên ăn như cá nước ngọt, ba ba, vịt, ngan… Hạn chế ăn thịt chó, các loại mắm.

Bác sĩ Đông y Lê Thân nói: “Nhiệt miệng là chứng bệnh thường xảy ra vào mùa hè. Nguyên nhân là nắng nóng kéo dài, nhiệt tích lại ở tỳ vị, âm dương mất cân bằng, sức đề kháng bị suy giảm; do chế độ dinh dưỡng thiếu hụt vitamin, khoáng chất từ đó sinh ra bệnh. Phương pháp điều trị theo Đông y là phải thanh nhiệt ở tỳ vị, chống viêm, bổ sung vitamin và khoáng chất, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể”. Dù không thể chữa khỏi, việc điều trị vẫn có thể giúp giảm bớt triệu chứng, giảm khả năng tái phát và kéo dài thời gian không bị bệnh. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, ai cũng từng mắc bệnh nhiệt miệng, nhưng cần phân biệt với những chứng bệnh tương tự. Có những lưu ý, bệnh nhân cần đi khám bệnh ngay nếu: đó là đợt phát bệnh đầu tiên và chưa chắc chắn về mặt chẩn đoán; đau ngày càng nhiều và không kiểm soát được; bệnh nhân có tiêu chảy (có thể người bệnh đã mắc một bệnh hệ thống như bệnh Crohn hoặc bệnh viêm loét đại tràng); có những ổ loét ở vị trí khác ngoài miệng (có thể bệnh nhân đã mắc một bệnh hệ thống như hội chứng Behcet hoặc một bệnh lây truyền qua đường tình dục); đối với các vết loét kéo dài trên 3 tuần. Và khi mắc bệnh thì nên tránh tất cả những nguyên nhân có thể gây chấn thương, dù rất nhẹ ở miệng như dùng bàn chải đánh răng hoặc các loại thức ăn cứng; tránh stress; không dùng kem đánh răng có chứa sodium lauryl sulfate nếu thường xuyên bị loét miệng; không nên nói chuyện khi đang nhai; sửa chữa lại các bề mặt răng không đều; các yếu tố nội tiết đôi khi có thể kích hoạt một đợt bùng phát loét miệng ở giai đoạn trước khi có kinh ở phụ nữ. Và thường cứ ba người mắc bệnh loét miệng thì có một người bị do di truyền. Hầu như mọi người viêm loét miệng tự lành sau 1 - 2 tuần. Tuy nhiên, nếu thấy liên tục bị viêm loét thì đây là những dấu hiệu cảnh báo liên quan đến gan hoặc chứng bệnh do vi rút HPV gây nên, thậm chí là mắc chứng bệnh ung thư khoang miệng. Hiện nay người ta còn nhận thấy những người bị stress nặng và liên tục thì mức độ loét miệng cũng xảy ra nhiều hơn.

Bác sĩ Lê Thân cho biết: “Với trẻ em, có thể dùng phương pháp lể một huyệt ở lưỡi khi điều trị bệnh nhiệt miệng. Người lớn cũng có thể dùng phương pháp này. Để điều trị, trước hết phải chú ý đến việc dùng thức ăn, nước hoa quả. Càng nóng sẽ càng sinh bệnh, do vậy bệnh nhân hết sức chú trọng đến khâu chăm sóc sức khỏe”. Cũng có thể kết hợp nhiều vị thuốc đông y để giải quyết nhanh tình trạng này. Các vị thuốc đông y thường được sử dụng như dư cam tử (quả trám) có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, sinh tân, kháng viêm, tăng miễn dịch; địa hoàng có tác dụng bổ âm, dụng thanh nhiệt lương huyết, sinh tân; xích thược có tác dụng giảm đau, chống phù nề; mạch môn đông có tác dụng giảm đau, lương huyết, sinh tân; cam thảo có tác dụng giải độc, điều hòa các vị thuốc khác…

TÂM AN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khó chịu với bệnh nhiệt miệng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO