Cứ đến mùa tuyển sinh, việc chọn ngành, chọn trường khiến thí sinh và phụ huynh băn khoăn bởi chọn một hướng đi phù hợp cho tương lai là điều không dễ.
Theo lịch của Bộ GD-ĐT, thời gian nhận hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia bắt đầu từ ngày 1.4 đến ngày 30.4.2016. Sau ngày đó, thí sinh không được phép điều chỉnh cụm thi, môn thi đã đăng ký. Như vậy, tính đến nay, thí sinh còn nửa tháng nữa để hoàn tất việc nộp hồ sơ đăng ký dự thi, nói cách khác là hoàn thành việc chọn ngành, chọn trường cho tương lai của mình. Đây là năm thứ hai Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa làm căn cứ để xét tuyển đại học, cao đẳng. Kỳ thi năm nay có nhiều điểm mới với hy vọng sẽ ít áp lực hơn cho thí sinh so với năm 2015 - năm đầu tiên tổ chức kỳ thi “2 trong 1”. Nhưng dù phương án tuyển sinh có thay đổi thế nào thì việc chọn trường, chọn ngành, chọn nghề trước mỗi mùa tuyển sinh luôn khiến thí sinh và phụ huynh “đau đầu”, nhất là hiện nay, khi họ được tiếp cận quá nhiều kênh thông tin tư vấn tuyển sinh từ phương tiện truyền thông đại chúng, các trường đại học, cao đẳng đến mạng xã hội.
Nhiều thí sinh chọn trường theo bạn bè, có thí sinh chọn ngành đang “hot”, có em học trung bình nhưng thích chọn ngành ở tốp trên, có em chọn trường theo nguyện vọng của gia đình, có em chọn trường theo phong trào... mà không quan tâm đến năng lực học tập của mình. Ngược lại, cũng có những thí sinh chọn ngành dựa trên số liệu cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp do Bộ LĐ-TB&XH công bố để tránh đăng ký những ngành học ít có cơ hội tìm được việc làm hoặc đang thừa nhân lực trong thời gian tới. Trong khi đó, có nhiều thí sinh tự xác định hoặc được gia đình định hướng nghề nghiệp ngay từ khi mới bước vào năm học đầu tiên của cấp THPT, thậm chí khi còn học THCS.
Quảng Nam hiện có 3 trường đại học, 7 trường cao đẳng chuyên nghiệp, 2 trường cao đẳng nghề, 3 trường trung cấp chuyên nghiệp. Đến nay, đã có một số trường công bố chỉ tiêu tuyển sinh. Cụ thể, Trường Đại học Quảng Nam tuyển tổng cộng 2.200 chỉ tiêu; trong đó có 1.200 chỉ tiêu đại học với 12 ngành, 400 chỉ tiêu cao đẳng với 8 ngành, 600 chỉ tiêu trung cấp với 2 ngành. Trường Đại học Phan Châu Trinh tuyển 800 chi tiêu đại học, 200 chỉ tiêu cao đẳng; Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung (Hội An) được Bộ GD-ĐT giao tuyển 1.500 chỉ tiêu cao đẳng với 6 ngành và 400 chỉ tiêu trung cấp chuyên nghiệp với 5 ngành… |
Bên cạnh việc nhà trường, thầy cô các trường THPT tổ chức tư vấn cho học sinh chọn môn thi phù hợp năng lực và ngành nghề yêu thích, thời gian qua, tại Quảng Nam còn có nhiều buổi tư vấn mùa thi do một số cơ quan báo chí phối hợp với Bộ GD-ĐT và các trường đại học, cao đẳng tổ chức, thu hút hàng nghìn học sinh (và cả phụ huynh) tham gia. Qua các buổi tư vấn cho thấy, mối quan tâm lớn nhất của học sinh và phụ huynh vẫn là chọn ngành nào để sau này dễ tìm việc làm; làm thế nào để chọn ngành, chọn trường phù hợp; sau đó là nhờ tư vấn cách ôn tập, cách làm bài thi để đạt điểm cao... Những thắc mắc này đã được các chuyên gia, lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng tư vấn; hầu hết thí sinh và phụ huynh đều bày tỏ hài lòng khi được tư vấn cụ thể, kỹ càng. Tuy nhiên, có trường hợp sau khi cùng con tham gia một buổi tư vấn tuyển sinh, một vị phụ huynh ở Đại Lộc (xin được giấu tên) băn khoăn vì không biết đây có phải là buổi tư vấn tuyển sinh đúng nghĩa hay không, bởi cách thức “tư vấn” của các trường lại nghiêng về quảng cáo các ngành học của trường mình để thu hút thí sinh đăng ký dự thi!
Hiện nay, học sinh được tiếp cận khá nhiều kênh thông tin tuyển sinh nên dễ bối rối trong việc chọn cho mình một con đường phù hợp trước quá nhiều lối đi, nhiều ngả rẽ. Do vậy, học sinh và phụ huynh cần chọn lọc thông tin, tỉnh táo để chọn trường, chọn ngành phù hợp năng lực, sở trường của bản thân, nhu cầu lao động của xã hội hiện tại và trong tương lai... để tránh chọn nhầm trường.
CHÂU NỮ