Khó chữa được "bệnh" chậm giải ngân

NHẬT PHONG 08/06/2016 08:37

Tại phiên họp thường kỳ ngày 30.5.2016, khi nhìn con số giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chỉ khoảng 1.213 tỷ đồng kế hoạch năm 2016, chỉ đạt 28%, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đã phải than phiền là con số này quá thấp.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu thắc mắc vì sao dự án đã được giao, vướng gì mà chủ đầu tư không chịu trách nhiệm về tỷ lệ giải ngân quá thấp? Không lẽ các chủ đầu tư cứ mãi một điệp khúc là dự án không triển khai được là do vướng giải phóng mặt bằng mà không có cách gì thay đổi? Bốn ngày sau (ngày 3.6.2016), một công văn đã được phát đi yêu cầu các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư tăng cường tiến độ giải ngân. Công văn nêu rõ các bên liên quan thường xuyên theo dõi, báo cáo tiến độ dự án, tiến độ thanh toán vốn các dự án để xác định rõ nguyên nhân, vướng mắc trong quản lý vốn, kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, xử lý các vướng mắc phát sinh, tổ chức kiểm tra, giám sát các dự án chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân thấp, đề xuất xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan...

Không phải đến bây giờ chuyện không đạt tiến độ giải ngân hay xài không hết vốn đầu tư mới xảy ra. Nếu những chương trình, dự án mới được cho là chưa đủ thời gian và kinh nghiệm để hấp thụ vốn và triển khai chương trình thì những biện giải của các chủ đầu tư (giải phóng mặt bằng yếu, chưa thể nghiệm thu khối lượng hoàn thành…) dẫn tới tỷ lệ giải ngân thấp vốn vẫn là chuyện đã cũ, không thay đổi được, là tại điều gì? Cơ chế hay năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu? Không ít công văn công bố sẽ xem xét, quyết định hình thức xử lý trách nhiệm đối với chủ đầu tư dự án bị cắt giảm vốn do không giải ngân hết kế hoạch vốn. Thế nhưng, đó cũng chỉ là lý thuyết. Không thể hiểu rằng ở đâu cũng cần, ai cũng muốn có những dự án đầu tư để tạo động lực phát triển thì tại sao có dự án phê duyệt, có nguồn phân bổ mà lại không chịu “tiêu tiền”?

Năm nào chính quyền và cơ quan quản lý cũng đã phải kêu gọi, thậm chí chế tài các dự án tạm ứng quá hạn, nhưng kết quả vẫn không có gì thay đổi. Không thể hiểu được rằng chính quyền luôn tuyên bố là sẽ gắt gao kiểm tra, kiểm soát khối lượng thực hiện của các nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Xác định rõ nguyên nhân các bên liên quan trong việc chậm trễ hợp đồng để kéo dài nhiều năm và quy trách nhiệm cho các chủ dự án không chịu giải ngân vốn đầu tư. Lần nào chính quyền cũng nói là ai để thất thoát vốn nhà nước thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhưng tình trạng không xài hết vốn đầu tư, thậm chí có dự án không thể giải ngân được vẫn cứ xảy ra, mất vốn hoặc bị điều chuyển thường xuyên xảy ra mà công luận chưa thấy ai bị kỷ luật. Có phải là do cơ chế trách nhiệm tập thể, rốt cuộc không ai chịu trách nhiệm cụ thể nên nghịch lý “không xài hết vốn đầu tư” trở thành tình trạng như một con bệnh đã lờn thuốc không có thuốc đặc trị? Nếu chỉ khuyến cáo, thiếu sự răn đe, chế tài, kỷ luật một ai đó làm gương thì kiểu quản lý không rõ ràng như vậy tồn tại làm vốn ngân sách “mất đi” mà không ai chịu trách nhiệm sẽ tiếp tục xảy ra, và mất cả lòng tin của dân chúng về năng lực điều hành của các cơ quan công quyền!

NHẬT PHONG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khó chữa được "bệnh" chậm giải ngân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO