Khó chuyển nghề ven bờ

LÊ HIỀN 18/03/2015 08:26

Việc chuyển từ nghề đánh bắt ven bờ truyền thống bằng giã cào sang các nghề xa khơi là rất cần thiết, phù hợp với chủ trương của Nhà nước trong việc giúp ngư dân tiếp cận được nguồn vốn để nâng cấp phương tiện, vừa bảo vệ nguồn lợi hải sản. Song hiện tại, việc chuyển nghề của ngư dân ở nhiều địa phương lại không phải là chuyện dễ dàng, đơn cử như tại phường Cẩm Nam (TP.Hội An).

Chủ yếu phương tiện công suất nhỏ

Là địa phương có gần 400 lao động trực tiếp khai thác hải sản với hơn 1.000 nhân khẩu sống phụ thuộc vào kinh tế biển, thời gian qua, thủy sản là ngành kinh tế chủ lực của phường Cẩm Nam bằng nghề đánh bắt chủ yếu là giã cào. Để phát triển lĩnh vực này, địa phương đã rà soát lại lượng tàu thuyền và lao động, từ đó từng bước vận động ngư dân đầu tư vốn nâng công suất khai thác. Năm năm trở lại đây, nghề cá Cẩm Nam tăng trưởng rõ rệt cả về sản lượng và chất lượng sản phẩm, nhất là các mặt hàng xuất khẩu. Được Chính phủ trợ giá xăng dầu, trong 2 năm 2008 và 2009, nhiều ngư dân Cẩm Nam đã đầu tư nâng công suất tàu thuyền, mua sắm trang bị ngư cụ hiện đại hơn, đáp ứng nhu cầu bám biển khai thác. Đến nay, công suất tàu thuyền bình quân đạt gần 47CV; riêng loại tàu, thuyền từ 51CV trở lên khai thác đạt khoảng 40 - 50 tấn/năm. Từ năm 2008 đến nay, địa phương đã duy trì 2 tổ đoàn kết sản xuất trên biển với 60 chiếc tàu từ 45CV trở lên và mới đây đã hình thành thêm một tổ hợp tác đánh bắt trên biển, qua đó tăng tính tương trợ giữa các ngư dân trong quá trình sản xuất.

Phương tiện khai thác hải sản ở Cẩm Nam chủ yếu có công suất nhỏ. Ảnh: L.H
Phương tiện khai thác hải sản ở Cẩm Nam chủ yếu có công suất nhỏ. Ảnh: L.H

Tuy nhiên, hiện nay ngành thủy sản phường Cẩm Nam cũng đang đối diện với nhiều khó khăn. Theo thống kê, hiện trong tổng số 110 chiếc tàu thuyền của toàn phường thì mới chỉ có 3 chiếc tàu trên 90CV. Tàu thuyền dưới 45CV vẫn còn nhiều, riêng loại thuyền nhỏ dưới 20CV vẫn còn 12 chiếc. Các phương tiện này thường khai thác vùng ven bờ, hiệu quả và tính an toàn rất thấp, lại ảnh hưởng nhiều đến nguồn lợi thủy sản. Theo ngư dân, hiện nay nhiều hộ đang có nhu cầu cải tiến phương tiện, nâng công suất và sắm mới trang thiết bị nhưng hầu hết đều gặp khó về nguồn vốn. Vay ngân hàng chỉ được rất ít, thủ tục thế chấp lại rườm rà, lãi suất cao, trong khi các chính sách ưu đãi, khuyến khích từ phía thành phố vẫn còn khiêm tốn. Ngư dân Nguyễn Đình Châu (khối Châu Trung, phường Cẩm Nam) nói: “Đa số ngư dân ở phường đánh bắt giã cào truyền thống. Chừ đầu tư máy lớn như Quảng Ngãi thì thật sự bà con ở đây không có khả năng. Một chiếc tàu đóng 3,5 tỷ đồng, hai chiếc là 7 tỷ đồng, mà vốn thì Nhà nước không hỗ trợ cho nghề giã cào vì không khuyến khích nghề này”. Theo ông Châu, để nâng công suất tàu thuyền vươn khơi ở Cẩm Nam, nên thành lập các tổ đánh bắt xa bờ, 4 - 5 chủ chung vốn lại, thoát nghề giã cào truyền thống để được Nhà nước hỗ trợ đầu tư thì khả năng mới có thể phát triển nghề biển.

Khó tìm nghề phù hợp

Không chỉ đối diện với nguồn vốn sắm tàu công suất lớn, hiện nay ngành thủy sản Cẩm Nam cũng đang đứng trước khó khăn trong việc chuyển đổi ngành nghề bởi từ trước đến nay, bà con đã gắn bó với nghề khai thác bằng giã cào. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường nhiệm kỳ qua đã xác định: phát triển ngành thủy sản theo hướng vươn khơi khai thác vùng xa bờ, đa dạng nghề khai thác, vận động các thành phần kinh tế, ngư dân đầu tư sắm mới tàu thuyền có công suất từ 45CV trở lên, gắn khai thác với bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Chủ trương là vậy nhưng đến nay, sau rất nhiều nỗ lực của chính quyền và người dân, phường Cẩm Nam cũng mới chỉ có một ngư dân đầu tư gần 2 tỷ đồng để sắm tàu 165CV, chuyển sang làm nghề chụp mực khơi, số còn lại đều đang làm nghề truyền thống giã đôi hoặc giã đơn. Trong khi vùng biển miền Trung có độ dốc lớn, tàu thuyền làm nghề giã cào, lưới kéo có công suất nhỏ không thể vươn khơi xa, thường chỉ hoạt động trong vùng lộng và ven bờ, làm cho nguồn lợi thủy sản tại các vùng này ngày càng cạn kiệt. Ông Đỗ Văn Tuấn - Chủ tịch UBND phường Cẩm Nam nói: “Chuyển đổi ngành nghề là cả một vấn đề. Cái nghề truyền thống ông bà để lại, bây giờ thay đổi đối với bà con là rất khó. Vấn đề quan trọng là bản thân của từng chủ hộ. Còn về chế độ chính sách, Chính phủ, tỉnh chỉ có định hướng là hỗ trợ vay vốn đối với các phương tiện từ 90CV trở lên, mà đó không phải là nghề giã cào, chứ còn phương tiện 90CV trở lên mà làm nghề giã cào thì không được hỗ trợ”.

Nghị định 67 của Chính phủ có nhiều cơ chế khuyến khích, hỗ trợ vốn cho ngư dân sắm phương tiện khai thác hoặc làm dịch vụ hậu cần nghề cá xa bờ, nhưng đối với các phương tiện đánh bắt gần bờ bằng giã cào (lưới kéo) thì Nhà nước chủ trương hạn chế dần. Vì vậy, việc định hướng và tạo cơ chế cho ngư dân trên địa bàn tỉnh chuyển dần nghề khai thác giã cào ven bờ sang các hình thức vươn khơi là một hướng đi cần thiết, vừa giúp ngư dân “bắt kịp” các chế độ chính sách hỗ trợ của Nhà nước hiện nay, nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Theo ông Nguyễn Cường - Chủ tịch Hội Nông dân phường Cẩm Nam, hiện nay mô hình xa bờ chưa thu hút nhiều ngư dân địa phương. Tuy nhiên, để dần dần hiện đại nghề cá và chuyển đổi nghề khai thác phù hợp, các ngư dân cần hợp tác vốn, vay thêm vốn để đầu tư phương tiện chuyển đổi ngành nghề cho hiệu quả cao hơn.

LÊ HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khó chuyển nghề ven bờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO