Đại dịch Covid-19 tái phát đã khiến mọi dự đoán về tăng trưởng kinh tế năm 2021 bị đảo lộn.
Đảo chiều
Đại dịch Covid-19 tái phát trong vòng 3 tháng qua, chưa biết bao giờ hạ nhiệt, đã khiến các con số thống kê kinh tế Quảng Nam đảo chiều. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) Quảng Nam bất ngờ vượt lên số 1 khu vực miền Trung, đứng thứ 5 Việt Nam (11,7%).
Ông Lê Nho Hùng - Cục phó Cục Thống kê nói, nếu như các năm khó khăn từ đầu năm và tăng trưởng phục hồi những tháng cuối năm thì nay lại theo xu hướng ngược lại, bắt đầu như một quả bóng dần bị xì hơi. Khó có thể định lường được tăng trưởng. Khả năng tăng trưởng GRDP của cả năm 2021 chỉ khoảng 7,15%.
Theo thống kê, diện tích lúa đã bị giảm vì khô hạn ở Núi Thành, Tiên Phước nhưng khu vực nông - lâm - thủy sản vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định, dù đóng góp không nhiều vào GRDP vì nền kinh tế đã có dấu hiệu suy giảm.
Ông Nguyễn Tấn Văn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho hay, khả năng tiêu thụ sản phẩm cũng như dòng nguyên liệu nhập đầu vào sản xuất gặp khó đã khiến sản xuất công nghiệp giảm 0,4% so tháng trước và giảm 4,5% so cùng kỳ. Lượng lao động được sử dụng đến cuối tháng 7.2021 giảm 4,3%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 giảm 9%, lưu trú giảm 25,7% so tháng trước.
Thông tin về chuyện cách ly có thu phí người từ nơi khác về Quảng Nam chỉ có thể “cứu” vài khách sạn. Số còn lại vẫn lâm vào tình trạng bi đát, khó có thể phục hồi. Doanh nghiệp Quảng Nam vẫn lâm “trọng bệnh”.
Giới ngân hàng cho hay, hiện huy động tiền gửi doanh nghiệp giảm. Các ngân hàng thương mại đã triển khai nhiều biện pháp để kích thích tăng trưởng dịch vụ, kích cầu tín dụng nhưng kết quả không như kỳ vọng. Tổng dư nợ cho vay giảm 0,7% so với đầu năm. Rất nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng trả nợ những khoản vay đến hạn.
Trong bối cảnh kinh tế suy giảm, đầu tư công được cho là xung lực, cú hích để thúc đẩy tăng trưởng thì vẫn ì ạch giải ngân. Tính đến 27.7.2021 chỉ mới giải ngân 27,2% (kế hoạch vốn 2021 đạt 24,8% và kế hoạch vốn năm 2020 kéo dài đạt 34%). Tỷ lệ này thấp hơn nhiều với bình quân chung của cả nước (36,7%).
Điểm sáng duy nhất là dù tác động xấu của đại dịch nhưng thu nội địa của tỉnh vẫn đạt 11.564 tỷ đồng, bằng 72% dự toán, tăng 64%. Nhưng tốc độ thu đã suy giảm.
Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính nói, hiện thu ngân sách đang vượt tiến độ đề ra. Tuy nhiên, trước các diễn biến bất lợi, chưa thể nói trước được điều gì. Có lạc quan đến mấy thì bài toán tăng thu ngân sách cũng sẽ gặp khó khăn. Chưa dám xác định con số thu ngân sách cụ thể cho năm 2021 và 2022.
“Kháng thể” giúp phục hồi kinh tế
Theo các tính toán, cho dù có gặp khó khăn, tốc độ tăng trưởng GRDP Quảng Nam khoảng 7,15% như ước đoán của ngành thống kê thì tăng trưởng GRDP năm 2021 sẽ không bị ảnh hưởng gì khi kế hoạch đặt ra chỉ tăng từ 6,5% - 7%.
Tuy nhiên, điều nan giải nhất của địa phương chính là phải “hoàn thành“ cả 3 mục tiêu phòng chống dịch bệnh, thiên tai và phát triển kinh tế. Tất cả đều cần có nguồn lực chủ động, ứng phó kịp thời với các tác động xấu có thể xảy ra.
Động năng tăng trưởng từ sản xuất đến thuế đều dựa vào Trường Hải. Doanh nghiệp này chiếm đến 55% tổng thu ngân sách nội địa Quảng Nam. Nhưng doanh nghiệp này đang đối mặt với một sự thật là sản xuất xe ra bán không được.
Lệnh giãn cách ban bố khắp nơi khiến thị trường tiêu thụ ô tô đứng bánh. Chỉ hy vọng dịch bệnh ổn, đến cuối năm nay, doanh nghiệp này có thể tung ra một số gói ưu đãi, xuất xưởng một số dòng xe mới, như vậy mới có thể cải thiện được tình hình và cứu ngân sách.
Chính quyền, cơ quan quản lý địa phương đã lường định đến một kịch bản xấu sẽ xảy ra cho nền kinh tế. Ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự báo, ngành thương mại, du lịch, dịch vụ sẽ tiếp tục âm sâu. Ngành đầu tư xây dựng không đóng góp được nhiều vào tăng trưởng nền kinh tế 6 tháng qua sẽ được tập trung thúc đẩy, kích thích mạnh mẽ cùng với mọi giá phải giữ sản xuất, thu hút thêm nguồn lực đầu tư tạo ra năng lực sản xuất và bổ sung nguồn thu mới… để gia tăng tăng trưởng.
Không dễ giải bài toán phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch vẫn tiếp tục lan tràn. Ưu tiên hàng đầu của địa phương là kiểm soát dịch; vận dụng, thực thi các chính sách, hạn chế tối đa tác động tiêu cực, gia tăng kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh…
Đồng thời thực hiện ngay giải pháp huy động các nguồn thu còn tiềm năng; sẽ cắt giảm chi tiêu kịp thời, phù hợp với thực tế thu ngân sách; tiết kiệm chi, hạn chế tối đa các khoản chi ngoài dự toán.
Thị trường, chuỗi cung ứng đã bị đứt gãy, khó có khả năng phục hồi. Thậm chí phải mất vài ba năm tới mọi chuyện mới có thể ổn với điều kiện khống chế được dịch.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, các cấp, ngành cần đánh giá đúng tình hình thực tế (từ chống dịch, ứng phó thiên tai, phát triển sản xuất) trên tinh thần chủ động, đưa ra những giải pháp phù hợp.
Phân tích, đánh giá kỹ các cơ chế, đề án trình HĐND phải được dựa vào khả năng nguồn thu ngân sách. Chống dịch đặt lên hàng đầu, không để lây lan ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, cần quản lý, nuôi dưỡng tốt các nguồn thu, không để thất thoát, nhưng không vì thu mà làm khó doanh nghiệp, cản trở sản xuất.
Các ngành, các cấp đẩy mạnh tiết kiệm chi, điều hành ngân sách trong khả năng hiện có. Gia tăng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho những dự án đầu tư hiện thời. Không để ứ đọng hàng hóa, kết nối sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm của nông dân.