Khó khăn, lúng túng và không thực hiện được việc đưa các đối tượng nghiện vào cai nghiện tập trung, đó chính là những bất cập đang diễn ra tại huyện vùng cao Phước Sơn.
Việc thực hiện Nghị định 221/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc rất khó áp dụng ở địa bàn miền núi Phước Sơn. Đây cũng là khó khăn chung cho các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Huyện Phước Sơn có 12 xã, thị trấn, thì 7 xã có khoáng sản vàng và hàng trăm điểm khai thác vàng có phép cũng như không phép. Kéo theo đó là hàng nghìn công nhân, phu vàng và trong số này không ít đối tượng nghiện ma túy. Không những thế, số đối tượng nghiện ma túy là người dân địa phương lại đang có chiều hướng gia tăng. Theo hồ sơ quản lý của Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy Công an huyện Phước Sơn cung cấp, có 38 đối tượng nghiện đang trong diện quản lý, theo dõi. Thực tế con số đối tượng nghiện ngoài diện quản lý gấp nhiều lần, nhất là với địa bàn rừng núi khó tiếp cận. Song để đưa các đối tượng này đi cai nghiện tập trung theo Nghị định 221 thì không hề đơn giản.
Trao đổi về những bất cập này, Trung tá Nguyễn Văn Năm, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an huyện Phước Sơn nói: “Để xác định đối tượng nghiện thì phải có xác nhận của bác sĩ có giấy tập huấn chuyên môn về điều trị cắt cơn từ y tế huyện đến y tế xã. Trong khi đó, bác sĩ tuyến xã, huyện thì việc tập huấn này không có. Do đó, rất khó khăn trong việc xác định đối tượng nghiện, chưa nói là đối tượng từ nơi khác đến, đối tượng ở các bãi vàng. Có thể quản lý nhưng không đủ hồ sơ để đưa đối tượng đi cai nghiện tập trung”.
Trước khó khăn đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của ma túy là nhiệm vụ cấp bách mà huyện Phước Sơn tính đến. Trong đó, sự phối hợp giữa lực lượng công an, chính quyền các địa phương và các hội đoàn thể như phụ nữ, nông dân, đoàn thanh niên, cựu chiến binh, hội người cao tuổi... được tập trung triển khai.
Bà Hồ Thị Hồng Hảo, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phước Sơn cho biết: “Chúng tôi phối hợp mở các lớp tập huấn, lựa chọn những gia đình có thành viên trong diện quản lý để tuyên truyền về tác hại của ma túy để họ nhận thức, thực hiện việc cai nghiện cho thành viên gia đình, cũng như chính bản thân người nghiện; thành lập các địa chỉ tin cậy, các câu lạc bộ liên quan đến phụ nữ, từ đó lồng ghép tuyên truyền phòng chống ma túy”.
Với một huyện miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tình trạng khai thác vàng trái phép, đối tượng nghiện ma túy đông, tình hình tội phạm về ma túy lại diễn biến phức tạp như Phước Sơn... trong khi chờ đợi sự điều chỉnh của Nghị định 221 cho phù hợp với tình hình thực tế ở miền núi, thì hơn lúc nào hết, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của ma túy, cái chết trắng là chuyện cấp bách với từng địa phương.
VÂN DU - TẤN SỸ