Kinh tế

Khó giải ngân vốn dự án ODA

NGUYỄN QUANG 06/12/2024 10:07

Quảng Nam và các tỉnh, thành cả nước gặp không ít vướng mắc trong giải ngân các dự án đầu tư công từ nguồn vốn nước ngoài, vì vậy rất cần các giải pháp khả thi để khơi thông.

oda2.jpg
Quảng Nam kiến nghị Trung ương hướng dẫn thủ tục đăng ký và giải ngân kế hoạch vốn viện trợ không hoàn lại đối với dự án Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An. Ảnh: Q.VIỆT

Thực tế từ Quảng Nam

Trên cơ sở kế hoạch vốn năm 2024 Thủ tướng Chính phủ giao, UBND tỉnh Quảng Nam phân bổ kế hoạch vốn năm 2024 cho các dự án có sử dụng vốn nước ngoài (dự án ODA) là hơn 1.096 tỷ đồng. Tính đến ngày 27/11/2024, đã giải ngân hơn 496,7 tỷ đồng (đạt 45%).

Theo ông Nguyễn Hưng - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, Quảng Nam gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến tiến độ thực hiện dự án ODA chậm, kéo dài, giải ngân không đạt yêu cầu. Đó là quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư (thông qua hồ sơ mời thầu tư vấn thiết kế bản vẽ thi công; hồ sơ mời thầu xây lắp; kết quả lựa chọn nhà thầu xây lắp...) mất rất nhiều thời gian.

Nguyên nhân phải chờ ý kiến không phản đối của nhà tài trợ dẫn đến tiến độ thực hiện các hoạt động dài hơn so với dự kiến ban đầu. Đặc biệt, công tác đấu thầu quốc tế cần thời gian dài, từ khi phát hành thư mời quan tâm đến khi hoàn thành lựa chọn nhà thầu có thời gian tối thiểu là 20 tuần.

Nhiều dự án vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ngoài ra còn do giá cả thị trường đối với vật liệu thi công biến động dẫn đến tiến độ thi công chậm.

Ông Nguyễn Hưng cho biết, theo khoản 2, Điều 52 Luật Đầu tư công thì thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A không quá 6 năm, nhóm B không quá 4 năm, nhóm C không quá 3 năm.

Tuy nhiên, quy trình thủ tục dự án ODA còn chưa thực sự hài hòa, quá trình giải ngân phức tạp nên thời gian thực hiện một số dự án ODA thường kéo dài so với dự án trong nước. Bởi vậy, Quảng Nam đề nghị Trung ương điều chỉnh thời gian bố trí vốn phù hợp đối với dự án sử dụng nguồn vốn ODA.

Ông Hưng cũng kiến nghị với các nhà tài trợ rút ngắn thời gian xem xét tài liệu liên quan như đàm phán ký các hiệp định; ý kiến không phản đối về kết quả đấu thầu, gia hạn thời gian thực hiện...

Điều đó giúp địa phương và chủ đầu tư sớm triển khai thực hiện các thủ tục tiếp theo nhằm đảm bảo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nhà tài trợ nước ngoài.

Trung ương cũng cần hướng dẫn thủ tục đăng ký và giải ngân kế hoạch vốn viện trợ không hoàn lại đối với dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số, dự án chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An.

Giải pháp từ Trung ương

Mới đây, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố toàn quốc về giải ngân vốn đầu tư công các dự án ODA.

Ông Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho rằng, đầu tư công từ nguồn vốn nước ngoài được Chính phủ xác định là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế. Năm 2024 rất quan trọng trong thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công các dự án ODA cũng là cách thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần tăng trưởng nhanh và bền vững.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chỉ đạo nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện giải ngân đầu tư công từ nguồn vốn nước ngoài. Tuy nhiên đến nay kết quả vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Theo ông Hải, nguyên nhân cơ bản khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư các dự án ODA cả nước chậm là do bị động về kế hoạch vốn nên xây dựng triển khai đầu tư không sát. Một số dự án phải thay đổi hoặc gia hạn nhưng điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư chậm khiến tiến độ giải ngân chậm theo.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, để đạt được tỷ lệ giải ngân 95% kế hoạch vốn được giao năm 2024 đối với nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là rất khó, do thời gian từ nay đến hết năm không còn nhiều.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rút ngắn tối đa thời gian xử lý đơn rút vốn. Cùng với đó sẽ trực tiếp làm việc với các ban quản lý dự án, các địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân. Tiếp tục trao đổi với các nhà tài trợ nhằm tháo gỡ các vướng mắc về phía nhà tài trợ như rút ngắn thời gian và đơn giản hóa thủ tục cho ý kiến không phản đối.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ KH-ĐT hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh tiến độ, thủ tục trong gia hạn thời gian bố trí vốn để tránh làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của dự án ODA. Nhanh chóng thực hiện các thủ tục bổ sung kế hoạch vốn trung hạn, kế hoạch vốn cấp phát cho các địa phương để hoàn thành thủ tục và đủ điều kiện được bố trí vốn bổ sung. Bộ Tài chính sẽ tổng hợp đầy đủ các kiến nghị từ các bộ, ngành, địa phương để báo cáo lên Chính phủ nhằm tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ triệt để những vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư các dự án ODA.

Năm 2024, các địa phương được Trung ương giao tổng kế hoạch vốn vay nước ngoài là hơn 24.805 tỷ đồng. Số kế hoạch vốn được giao cho các địa phương năm 2024 thấp hơn nhiều so với năm 2023 (chỉ bằng 70% kế hoạch vốn năm 2023), tương ứng số lượng dự án được giao kế hoạch vốn 2024 cũng chỉ bằng 58,3% năm 2023 (98/168 dự án). Tính đến ngày 30/11, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài (tính chung cả vốn cấp phát của Trung ương và vốn địa phương vay lại) mới chỉ đạt 30,3%.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khó giải ngân vốn dự án ODA
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO