Khó giải ngân vốn giáo dục nghề nghiệp

SONG LINH 24/10/2023 05:50

Việc thực hiện các tiểu dự án về giáo dục nghề nghiệp, việc làm thuộc chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, nguy cơ khó giải ngân hết nguồn vốn trong năm này.

Lao động miền núi được tư vấn, tiếp cận với việc học nghề và đi làm việc.
Lao động miền núi được tư vấn, tiếp cận với việc học nghề và đi làm việc.

Theo Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, tất cả các dự án, tiểu dự án đều đang gặp áp lực giải ngân, trong đó có giáo dục nghề nghiệp. Trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Tiểu dự án 1 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn” của Dự án 4 có tổng nguồn vốn sự nghiệp phân bổ trong 2 năm 2022, 2023 hơn 49,8 tỷ đồng.

Dự kiến đến ngày 31/12/2023, Sở LĐ-TB&XH, 4 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, UBND các huyện, thị xã, thành phố sẽ giải ngân được tổng cộng hơn 16,9 tỷ đồng/49,8 tỷ đồng kế hoạch vốn sự nghiệp được giao (đạt tỷ lệ 33,97%).

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Tiểu dự án 3 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi” của Dự án 5, có tổng nguồn vốn sự nghiệp năm 2023 phân bổ hơn 32 tỷ đồng.

Đến nay, các trường được đầu tư cơ sở vật chất đang tiến hành thực hiện các dự án đầu tư. Có 8/10 địa phương gồm Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Đông Giang, Nam Giang, Hiệp Đức, Tây Giang, Tiên Phước đã thực hiện ký kết hợp đồng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mở lớp đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng với tổng số lao động được hỗ trợ đào tạo là 982 người, kinh phí ước thực hiện hơn 955 triệu đồng.

Dự kiến đến ngày 31/12/2023, Sở LĐ-TB&XH, Trường Cao đẳng Quảng Nam, các địa phương sẽ giải ngân được tổng cộng hơn 10,2 tỷ đồng/32 tỷ đồng vốn được giao (đạt 32,11% kế hoạch vốn được giao).

Những việc đã được Sở LĐ-TB&XH, các huyện thực hiện trong năm 2023 tập trung vào các khóa tập huấn nâng cao năng lực và tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm trong và ngoài nước cho người dân ở 6 huyện miền núi gồm Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn.

Huyện nào có lao động thì hỗ trợ trực tiếp cho người lao động đã hoàn thành khóa học và đủ điều kiện xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài; xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật cho một số nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng.

Bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, tổng nguồn kinh phí trong năm 2023 quá lớn (bao gồm cả nguồn kinh phí năm 2022 chuyển sang và nguồn kinh phí phân bổ trong năm 2023), đặc biệt là nguồn kinh phí sự nghiệp phân bổ cho các huyện, thị xã, thành phố nên các địa phương liên quan không có khả năng giải ngân hết nguồn kinh phí này trong năm 2023.

Ngoài ra còn có khó khăn như người dân chưa đăng ký đi học nghề dù các huyện đã triển khai chính sách này đến cơ sở. Mức hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng theo Quyết định số 46 ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng hiện nay không còn phù hợp với chi phí thực tế nên khó đảm bảo chất lượng đào tạo và khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia thực hiện chính sách. Trong khi thực hiện các chính sách, sở ngành và địa phương phải tiến hành rà soát kỹ theo các quy định của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính và các quy định có liên quan khác để tránh sai sót trong quá trình thực hiện...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khó giải ngân vốn giáo dục nghề nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO