Khó khăn dạy và học trực tuyến

XUÂN PHÚ 14/09/2021 07:20

Bên cạnh phần lớn các trường học dạy học trực tiếp thì một số nơi trên địa bàn tỉnh vẫn phải triển khai phương án dạy học trực tuyến kể từ đầu năm học 2021 - 2022. Hình thức dạy học này gây nhiều khó khăn cho phụ huynh, giáo viên (GV) và học sinh (HS).

Dạy và học trực tuyến gặp nhiều khó khăn nhưng là việc bất khả kháng khi dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Dạy và học trực tuyến gặp nhiều khó khăn nhưng là việc bất khả kháng khi dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Khó khăn và bất cập

Ngay trong tuần lễ đầu tiên của năm học mới 2021 - 2022, hơn một nửa số trường tiểu học, THCS, THPT của huyện Đại Lộc và một vài điểm trường ở các địa phương khác trên địa bàn tỉnh đang ở vùng phong tỏa buộc phải tổ chức dạy học trực tuyến.

Đến giữa tuần qua, thêm một số trường học của thị xã Điện Bàn cũng phải chuyển đổi trạng thái dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến khi xuất hiện các ca dương tính Covid-19 trong cộng đồng.

Dạy học trực tuyến không còn xa lạ bởi trong 2 năm học vừa qua, từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19, hầu hết các trường học đã triển khai với mức độ khác nhau.

Năm học 2021 - 2022 là năm thứ ba dạy học trực tuyến được áp dụng và ngành GD-ĐT đã có sự chủ động hơn trong khâu chuẩn bị, từ tập huấn sử dụng cho đội ngũ GV đến mua các phần mềm chuyên dụng dạy trực tuyến.

Tuy nhiên, phải thừa nhận là việc triển khai phương pháp dạy học này vẫn còn nhiều bất cập khiến cho người dạy lẫn người học gặp khó khăn.

Dạy học trực tuyến gặp nhiều khó khăn nhưng là việc bất khả kháng khi dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Ảnh: X.P
Dạy học trực tuyến gặp nhiều khó khăn nhưng là việc bất khả kháng khi dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Ảnh: X.P

Cô giáo của một trường tiểu học tại Tam Kỳ chia sẻ, dạy trực tuyến rất khổ. Thời gian chuẩn bị bài nhiều hơn, phải liên lạc với phụ huynh trước để dạy thử nghiệm và cần có sự hỗ trợ, hướng dẫn cho HS.

Theo ông Nguyễn Văn Lộc - Trưởng phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ, dạy trong khung giờ hành chính, phụ huynh đi làm sẽ không ai hỗ trợ cho con em.

Thầy Nguyễn Tuấn Linh - Hiệu trưởng Trường THCS Kim Đồng (Duy Xuyên) cho biết trường chuẩn bị cho phương án học trực tuyến, đội ngũ GV được tập huấn, đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Tuy nhiên, điều kiện dạy và học trực tuyến hạn chế, không phải phụ huynh nào cũng có điện thoại thông minh hay máy tính để cho con em học tập.

Địa phương đồng bằng đã vậy, vùng khó khăn, miền núi khó khăn bội phần. Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn thông tin, qua khảo sát toàn huyện chỉ có 38% HS có điều kiện về thiết bị và kết nối mạng để học trực tuyến nên có thể nói rất khó khăn trong việc tổ chức dạy học trực tuyến.

Bà Võ Thị Lệ - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phước Sơn cho biết, khảo sát riêng trong phụ huynh tại địa bàn thuận lợi nhất huyện là thị trấn Khâm Đức cũng chỉ có 10% HS có phương tiện để học trực tuyến.

Vì vậy, phòng chỉ đạo nếu không thể dạy trực tiếp thì các trường nên giao nhiệm vụ GV hướng dẫn và giao bài tập về nhà cho HS. Một khó khăn khác, đó là đường truyền mạng internet ở miền núi yếu, không đảm bảo dạy học trực tuyến.

Dừng đến trường, nhưng không dừng học

Thừa nhận khó khăn về học trực tuyến, song ông Trương Công Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho rằng, không thể dừng việc học được nên “có thể chấp nhận chất lượng học tập thấp một chút”.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn - bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, vẫn ưu tiên dạy học trực tiếp để có chất lượng. Tuy nhiên, bên cạnh trực tuyến cần có thêm phương án dạy học qua truyền hình, tạo điều kiện cho tất cả HS được học và cũng dễ học, chất lượng hơn.

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc chia sẻ, khó khăn về hạ tầng, mạng internet, HS vùng núi, diện hộ nghèo thiếu thiết bị nhưng việc tổ chức dạy học trực tuyến là cần thiết trong tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài.

Phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học” được toàn ngành triển khai kể từ khi xuất hiện dịch Covid-19 nhằm hạn chế ảnh hưởng đến việc học của HS.

Chuẩn bị cho năm học 2021 - 2022, tất cả trường học trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng phương án dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến. Cùng với đó, tỉnh cũng ban hành phương án phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong các cơ sở giáo dục, trong đó triển khai phương án dạy học trực tuyến khi địa phương thực hiện Chỉ thị 16, trường học có trường hợp F0, F1.

Thầy giáo Trần Anh Hải - Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng (Tam Kỳ) cho biết trên cơ sở phương án của tỉnh, nhà trường đã triển khai xây dựng phương án của đơn vị nhằm tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh cũng như xử lý kịp thời các tình huống xảy ra.

“Nhà trường xây dựng 3 phương án, gồm dạy học trực tiếp, dạy học trực tuyến, vừa dạy trực tuyến vừa dạy trực tiếp; bố trí 2 phòng đủ cho 2 ca học trực tuyến; sử dụng phần mềm Microsoft 365 và Microsoft Teams, tạo tài khoản Office 365 cho toàn thể cán bộ, GV và gần 1.300 HS để sử dụng” - thầy Hải nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khó khăn dạy và học trực tuyến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO