Những ngày này, nông dân Đại Lộc bắt đầu cải tạo đồng ruộng, thu dọn rau màu bị hư hại sau lũ để giải phóng đất chuẩn bị vụ mới nhưng đang gặp khó khăn do khan hiếm giống.
Khôi phục vùng sản xuất sau lũ. Ảnh: M.PHƯỜNG |
Theo nông dân vùng chuyên canh Bàu Tròn (Đại Lộc), nếu tái sản xuất trở lại mà trồng cây dưa leo, khổ qua, bắp nếp ngọt… thì vẫn bình thường vì có giống, hơn nữa các loại cây này vẫn còn kịp vụ. Riêng diện tích trồng ớt do sốt giống nên buộc phải chuyển đổi sang trồng các loại cây ngắn ngày khác, hoặc nếu ai có thể mua được ớt trành đã ươm sẵn trước đó thì may ra còn kịp. Ông Huỳnh Bá Thành (thôn Bàu Tròn) và nhiều nông dân lo ngại: “Hiện, chỉ có cây bắp nếp ngọt và dưa leo là dễ ương và xuống giống kịp vụ, cây ớt, khổ qua trễ rồi. Chúng tôi sợ nhất là ai cũng đổ xô làm cây bắp nếp hay dưa leo thì không biết mai mốt bán ra sao”. Trong khi đó, thôn Phước Bình, xã Đại Minh chủ yếu trồng cây ớt nhưng chưa thể xuống vụ mới do đất ướt. Chị Trần Thị Hồng (thôn Phước Bình, xã Đại Minh) nói: “Gia đình tôi trồng 4 sào ớt, hiện cây giống vẫn còn nguyên do tôi chỉ mới làm đất xong, xuống giống chậm. Mừng vì không mất giống, song đất vẫn ướt, nhão nhoẹt mà cây giống thì đã tốt trong trành rồi, nếu để lâu rất khó trồng”.
Nhiều người vốn lo trước nên khi lũ vừa vào đồng thì lo tranh thủ ương giống cây rồi. Vì vậy, những trành khổ qua, dưa leo, bắp nếp ngọt, cải ngọt, cải bẹ, cải đắng… hiện đã nhú mầm, chỉ chờ đất ráo và nắng lên sẽ xuống đồng trở lại. Trên vùng chuyên canh thời điểm này, nhiều nông dân nhổ bỏ những cây đu đủ trĩu trái bị chết do ngập úng, để dọn sạch đất, trồng lại cây mới. Nhiều người hì hục xới đất, bón phân vào cây để cứu vãn tình hình, may ra cây khỏe mạnh còn lại hồi sinh. Đối với những vùng thấp của Bàu Tròn thì việc khôi phục sản xuất vẫn còn khó khăn do đất còn đang ngập nước, phải chờ nắng ráo trở lại thì mới có thể làm đất, lên luống, vào phân và xuống giống trở lại.
Tại vùng Quảng Huế (Đại An, Đại Lộc), các chủ đại lý Thảo Nguyên, Liên Mẫn… cho biết, hiện vẫn có giống, song chỉ một số giống ớt lạ, chứ giống Ấn Độ thì đã khan hiếm lúc trước rồi. Giống ớt 631 và các loại giống rau màu khác đã có trở lại, giá cả tăng song không đáng kể. Đáng kể là cơn sốt giống ớt trành, nghĩa là cây ớt con đã mọc được cấy vào trành. Nếu một trành ớt giống trước khi chưa lũ chỉ được bán với giá 60 - 90.000 đồng thì nay đã tăng lên gấp đôi, thậm chí 200.000 đồng, vẫn không có để bán, mua. “Chỉ có mua sẵn ớt trành thì may ra còn kịp. Gia đình tôi có dự trữ một ít giống sau khi xuống vụ song cũng chẳng thấm vào đâu cả. Hộ nào không mua ra thì chấp nhận cấy lại, thắng thua do trời” - chị Trần Thị Chinh (Bàu Tròn) chia sẻ.
Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc thông tin thêm, đợt lũ này, Đại Lộc thiệt hại khoảng 1.200ha, ước tính hơn 10 tỷ đồng. “Chúng tôi đã đi kiểm tra, chỉ đạo các địa phương xuống trực tiếp tìm hiểu, giúp đỡ bà con tìm cách khắc phục khó khăn. Với diện tích trồng ớt, ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân chuyển sang trồng cây khác, còn phần lớn thì giống có trên thị trường rồi, đủ cung ứng. Chúng tôi đã thống kê thiệt hại, sớm báo cáo lên trên để tỉnh, trung ương có hướng hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục khó khăn sau lũ, nhất là hỗ trợ về giống cây trồng, vật tư, phân bón sau lũ” - ông Mẫn nói.
H.LIÊN - M.PHƯỜNG