Khó khăn trong chuyển đổi cây trồng

NHÃ PHƯƠNG - PHI THÀNH 15/11/2016 08:27

Thời gian qua, nông dân huyện Duy Xuyên chuyển nhiều diện tích đất lúa sang canh tác những loại cây trồng cạn đem lại hiệu quả cao. Nhưng thực tế cho thấy địa phương vẫn còn gặp phải không ít khó khăn...

Vụ hè thu, ông Nguyễn Dũng Sinh ở thôn Lệ Nam (xã Duy Châu) chuyển 2 sào đất lúa sang trồng đậu xanh. Nhờ thời tiết tương đối thuận lợi, áp dụng tốt quy trình kỹ thuật nên ông thu về 100kg đậu xanh khô. Với giá bán 27 nghìn đồng/kg, ông Sinh thu được 2,7 triệu đồng, trừ các khoản chi phí đầu tư, lãi ròng 1,8 triệu đồng. Ông Sinh nói: “Chuyển đất lúa sang sản xuất các loại cây trồng cạn là phương thức canh tác phù hợp với điều kiện thời tiết ngày càng cực đoan và hiệu quả mang lại khá cao. Tuy nhiên, việc chuyển đổi của nông dân trong vùng chủ yếu là mạnh ai nấy làm chứ chưa có quy hoạch bài bản, trong khi đó đầu ra của nông sản vẫn còn hết sức bấp bênh”. Ông Nguyễn Văn - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Châu cho biết, năm nay địa phương chuyển 104 sào đất lúa kém hiệu quả ở thôn Lệ Nam sang sản xuất một số loại cây trồng cạn như bắp, ớt, đậu xanh. Thế nhưng, nhiều nông dân vẫn chưa mặn mà, bởi họ đã quen với việc trồng lúa, vừa dễ làm lại vừa có phương tiện cơ giới hỗ trợ từ khâu làm đất đến thu hoạch. Mặt khác, tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa cứ thường xuyên xảy ra khiến không ít người ngại xây dựng các mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa.

Được biết, năm nay có 12/14 xã, thị trấn ở huyện Duy Xuyên (trừ Duy Vinh và Duy Hải) đã chuyển gần 160ha đất lúa không chủ động nguồn nước tưới sang canh tác các loại hoa màu. Theo ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên, ngoài việc xây dựng một số vùng chuyên canh, xen canh mang lại hiệu quả cao, việc chuyển đất lúa sang trồng các cây trồng cạn tại nhiều địa phương gặp không ít khó khăn. Ông Năm nói: “Phần lớn những chân đất lúa nằm trong diện chuyển đổi thuộc dạng đất sét nên không thuận lợi cho các loại hoa màu sinh trưởng và phát triển mạnh. Ngoài khâu quy hoạch, việc chỉnh trang đồng ruộng và xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất như hệ thống kênh mương, điện thủy lợi hóa, giao thông nội đồng… được xem là những yếu tố mang tính quyết định trong công tác chuyển đổi cây trồng nhưng nguồn lực đầu tư còn quá hạn chế. Đặc biệt, việc liên kết, hợp tác sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều trở lực nên đầu ra nông sản vẫn là vấn đề hết sức nan giải. Đó là nguyên nhân mà thời gian qua việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa ở Duy Xuyên còn manh mún, nhỏ lẻ”.

NHÃ PHƯƠNG - PHI THÀNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khó khăn trong chuyển đổi cây trồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO