Nông nghiệp

Khó khăn trong phát triển nông nghiệp - nông thôn Quảng Nam

NGUYỄN SỰ 07/05/2024 09:32

Những năm gần đây, lĩnh vực sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp và xây dựng nông thôn mới của Quảng Nam có bước chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm tháo gỡ.

hc-1.jpg
Thời gian qua, việc liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa còn bộc lộ một số hạn chế. (Ảnh minh họa). Ảnh: N.S

Nhiều hạn chế

Tại cuộc làm việc với Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết và lãnh đạo UBND tỉnh cùng đại diện một số sở ban ngành liên quan vào cuối tuần qua, ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thời gian qua lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn của Quảng Nam có nhiều khởi sắc. Riêng năm 2023, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản của tỉnh đạt 15.665 tỷ đồng, tăng 3,4% so với năm 2022.

“Đối với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay bình quân số tiêu chí đạt chuẩn theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022 - 2025 của một xã trên toàn tỉnh là 16,42 tiêu chí, tăng 2,63 tiêu chí so với năm 2022.

Trong tổng số 193 xã tham gia thực hiện chương trình, tính đến thời điểm này Quảng Nam đã có 123 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 63,73%. Đáng ghi nhận, hiện cả tỉnh đã có 15 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, trong đó có 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu là xã Đại Hiệp của huyện Đại Lộc” - ông Tích nói.

hc-2.jpg
Mô hình liên kết sản xuất các loại rau củ quả theo hướng hữu cơ, an toàn thực phẩm còn khá ít. Ảnh: N.S

Bên cạnh kết quả đạt được, lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn của Quảng Nam còn những hạn chế. Cụ thể, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ sản xuất lúa sang các loại hoa màu có giá trị kinh tế cao ở nhiều địa phương còn chậm.

Nhiều cơ chế chính sách giải ngân chậm, không đạt mục tiêu, nhất là chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh.

Đặc biệt, người dân chưa chủ động phối hợp với ngành chức năng và địa phương trong việc kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh trong chăn nuôi, dẫn đến hiệu quả phòng chống dịch thấp...

Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Ông Phạm Viết Tích nói, những năm gần đây giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao, ảnh hưởng lớn đến khả năng đầu tư và lợi nhuận của người sản xuất; làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người dân, doanh nghiệp trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, liên kết sản xuất.

hc-4.jpeg
Nhiều địa phương thiếu nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: N.S

Trong khi đó, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp nên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng - con vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng, hiệu quả đạt không cao. Chưa hình thành các dự án liên kết ổn định để giải quyết tiêu thụ nông sản.

Nhiều ý kiến cho rằng, các văn bản hướng dẫn trong việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia của các cơ quan trung ương chậm ban hành nên dẫn đến bị động trong việc triển khai các chương trình, nhất là những dự án về hỗ trợ phát triển sản xuất; đề án không triển khai được, các vướng mắc và khó khăn chưa được tháo gỡ.

Chính sách đầu tư trồng rừng gắn với cấp đất để phát triển trồng rừng gỗ lớn, cấp chứng chỉ FSC khá thấp; chưa thu hút, khuyến khích người dân tham gia trồng rừng nên khó khăn cho các địa phương trong triển khai thực hiện và giải ngân nguồn kinh phí các chương trình, dự án.

Về chương trình xây dựng NTM, lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết, nguồn vốn hỗ trợ trong giai đoạn 2021 - 2025 giảm gần 30% so với giai đoạn 2016 - 2020 nên chưa đảm bảo thực hiện các mục tiêu đề ra, nhất là mục tiêu của xã NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Đối với các huyện miền núi, việc lồng ghép nguồn vốn từ chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn...

hc-3.jpg
Cần quan tâm hỗ trợ người dân phát triển mạnh lĩnh vực kinh tế vườn để nâng cao nguồn thu nhập. Ảnh: N.S

“Bộ tiêu chí giai đoạn này tăng thêm nhiều chỉ tiêu, quy định mức độ đạt chuẩn cao hơn. Qua kết quả rà soát thực trạng thì còn nhiều địa phương không duy trì đạt chuẩn các tiêu chí, nhất là các xã miền núi. Cạnh đó, bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều chỉ tiêu không phù hợp với điều kiện của Quảng Nam như hỏa táng, nước sạch từ công trình tập trung, khám bệnh từ xa…” - ông Phạm Viết Tích nói.

Tập trung rà soát, đánh giá các cơ chế hỗ trợ để kịp thời điều chỉnh phù hợp

Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết đánh giá cao vai trò của ngành nông nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời cho rằng, Quảng Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển mạnh lĩnh vực nông - lâm - thủy sản, tuy nhiên, cần phải có định hướng, chiến lược bài bản trong quá trình phát triển sản xuất để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị Sở NN&PTNT thời gian tới tập trung thực hiện tốt kế hoạch ngành gắn với quy hoạch chung của tỉnh, tạo ra sự chủ động trong sản xuất. Chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng - con vật nuôi, phát triển mạnh các vùng chuyên canh cây trồng theo hướng hàng hóa.

Tích cực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp dược liệu, nông nghiệp công nghệ cao, lâm nghiệp bền vững, kinh tế vườn - kinh tế trang trại. Tập trung rà soát, đánh giá hiệu quả các nghị quyết liên quan đến phát triển nông nghiệp - nông thôn để kịp thời tham mưu UBND tỉnh, HĐND tỉnh điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khó khăn trong phát triển nông nghiệp - nông thôn Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO