Khó khăn trong phòng chống dịch tả heo châu Phi

NGUYỄN SỰ 02/06/2019 11:05

(QNO) - Những ngày qua, vi rút gây bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) tiếp tục lây lan và theo nhận định của ngành chuyên môn, thời gian tới loại dịch nguy hiểm này sẽ còn diễn biến hết sức phức tạp. Trong khi đó, công tác phòng chống dịch gặp không ít khó khăn do phương thức chăn nuôi của người dân phần lớn là nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học. Đặc biệt, ở miền núi, do heo thả rông nên rất khó tiêu hủy triệt để ổ dịch.

Những ngày gần đây, số heo bị nhiễm dịch phải tiêu hủy bắt buộc tiếp tục tăng lên. Ảnh: VĂN SỰ
Những ngày gần đây, số heo bị nhiễm dịch phải tiêu hủy bắt buộc tiếp tục tăng lên. Ảnh: VĂN SỰ

Hôm qua 31.5, DTHCP tiếp tục lây lan đến 24 hộ chăn nuôi ở 11 thôn (4 thôn mới và 7 thôn cũ) thuộc các xã, phường Duy Nghĩa (Duy Xuyên), Bình Đào, Bình Sa, Bình Giang, Bình Phục, Bình Triều (Thăng Bình), Điện Ngọc, Điện Nam Bắc (Điện Bàn), Tam Phú (Tam Kỳ), Trà Dơn (Nam Trà My) khiến 52 con heo (trọng lượng 2.976kg hơi) bị nhiễm bệnh, phải tiêu hủy khẩn cấp trong ngày.

Theo số liệu thống kê mới nhất, tính đến 16 giờ 30 phút chiều qua 31.5 đã có 441 con heo (tổng trọng lượng hơn 24,7 tấn) của 145 hộ chăn nuôi ở 41 thôn, khối phố thuộc 17 xã, phường của 6 huyện, thị xã, thành phố gồm Duy Xuyên, Thăng Bình, Phú Ninh, Nam Trà My, Điện Bàn, Tam Kỳ phải tiêu hủy bắt buộc vì mắc bệnh DTHCP.

Theo nhận định của lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi & thú y Quảng Nam, bệnh DTHCP đang diễn biến phức tạp, xảy ra từ các địa phương ven biển, đồng bằng đến miền núi cao. Hầu hết các ổ dịch trên địa bàn tỉnh xảy ra ở hộ gia đình với quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, nằm rải rác trong khu dân cư chứ dịch chưa xuất hiện ở các trang trại hoặc cơ sở chăn nuôi heo quy mô lớn.

Vệ sinh chuồng trại thường xuyên để ngăn chặn mầm bệnh lây lan. Ảnh: VĂN SỰ
Vệ sinh chuồng trại thường xuyên để ngăn chặn mầm bệnh lây lan. Ảnh: VĂN SỰ

Ngoài ra, do hiện nay chưa có vắc xin chích ngừa cũng như thuốc đặc hiệu điều trị bệnh DTHCP nên việc phòng chống dịch trong điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ, mức độ áp dụng an toàn sinh học trong chăn nuôi còn quá hạn chế, gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, tại các huyện miền núi, chăn nuôi heo chủ yếu là thả rông, không chuồng trại nên rất khó trong việc tiêu hủy triệt để đàn heo trong ổ dịch theo quy định. Vì thế, mầm bệnh sẽ phát tán rộng, tồn tại lâu trong môi trường.

Theo thông tin chúng tôi nhận được vào sáng nay 1.6, để chủ động thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác phòng chống bệnh DTHCP, những ngày qua ngân sách tỉnh đã cấp bổ sung khoản kinh phí hơn 6,3 tỷ đồng cho các ngành, đơn vị liên quan. Trong đó, 1,5 tỷ đồng thực hiện việc chẩn đoán xét nghiệm bệnh, mua sắm trang thiết bị phục vụ tại 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời của tỉnh đóng trên tuyến quốc lộ 1 thuộc xã Điện Thắng Bắc (Điện Bàn) và xã Tam Nghĩa (Núi Thành), hỗ trợ làm thêm giờ cho lực lượng túc trực tại 2 chốt kiểm dịch nêu trên.

Cùng với đó, chi hơn 4 tỷ đồng mua hóa chất hỗ trợ cho các địa phương duy trì thường xuyên việc vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng trên phạm vi rộng nhằm ngăn chặn mầm bệnh phát tán, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do DTHCP gây ra. Ngoài ra, trước mắt tỉnh đã chi gần 830 triệu đồng hỗ trợ cho người chăn nuôi có heo bị tiêu hủy bắt buộc với mức 38.000 đồng/kg heo hơi.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khó khăn trong phòng chống dịch tả heo châu Phi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO