Theo số liệu báo cáo phương án giải quyết các khó khăn năm học mới 2017 - 2018 của Phòng GD-ĐT huyện Tây Giang, căn cứ theo Nghị định số 116 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; Quyết định số 582 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 (gọi tắt là xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) thì toàn huyện Tây Giang có 373/1.484 học sinh thuộc diện ở bán trú tại 9 đơn vị trường bán trú tiểu học và THCS trên địa bàn bị mất các chế độ theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP. Cụ thể, các em học sinh có hộ khẩu thường trú tại các thôn không thuộc các thôn đặc biệt khó khăn sẽ bị mất các chế độ hỗ trợ tiền ăn cho mỗi học sinh, mỗi tháng (bằng 40% mức lương cơ sở, 15kg gạo, 10 nghìn đồng mua sắm dụng cụ phục vụ học tập) và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh. Như vậy mỗi năm học, 373 học sinh sẽ bị mất số tiền hơn 1,8 tỷ đồng. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tây Giang cho biết thêm: “Việc bị cắt chế độ 373 em học sinh này dẫn đến điều kiện học tập, ăn ở của các em hết sức khó khăn vì gia đình các em đều là hộ nghèo”. Ông Tuấn cũng cho biết hiện nay các đơn vị trường bán trú trên địa bàn huyện Tây Giang đủ điều kiện tiếp tục tổ chức bán trú theo quy định vì số lượng học sinh bán trú thuộc khu vực đặc biệt khó khăn đảm bảo theo Thông tư số 24/2010/TT-BGD&ĐT. Riêng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi không đảm bảo các điều kiện theo quy định để tiếp tục tổ chức bán trú trong năm học 2017 - 2018.
Hiện tại việc tuyển sinh và số lượng học sinh học tập tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi tập trung tại địa bàn 3 xã Anông, Atiêng, Lăng nhưng 3 xã này lại không thuộc khu vực đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 582/QĐ-TTg nên không tổ chức trường bán trú. Việc xóa trường bán trú sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của học sinh, của cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Nếu không chuyển sang mô hình trường “bán trú dân nuôi” thì buộc phải xóa bỏ hình thức bán trú. Học sinh và gia đình học sinh phải tự túc mọi việc ăn ở, đi lại của học sinh và không được hưởng bất cứ chế độ nào như hình thức bán trú trước đây. Phòng GD-ĐT huyện phải cho thôi việc 5 nhân viên cấp dưỡng đang làm việc tại trường, một điều mà không ai muốn, nhưng buột phải làm.
Trước những khó khăn trên, Phòng GD-ĐT huyện đã có công văn gửi UBND huyện và Sở GD-ĐT xem xét giải quyết. Ông Arất Blúi - Phó Chủ tich UBND huyện Tây Giang cho biết: “Huyện sẽ có văn bản gửi lên tỉnh, Trung ương xem xét, hỗ trợ tiền ăn ở, gạo cho 373 em học sinh đã bị cắt chế độ. Huyện sẽ xin ý kiến tỉnh cho hợp đồng dài hạn giáo viên mới để đảm bảo việc dạy, còn việc hợp đồng ngắn hạn thì địa phương có thể triển khai được. Nhưng việc hợp đồng ngắn hạn tại địa bàn miền núi như Tây Giang sẽ rất khó khăn cho giáo viên, nhất là chế độ lương thấp, không đóng bảo hiểm... điều đó rất khó thu hút và giữ chân họ lâu dài được. Trước mắt huyện sẽ tìm nguồn để tiếp tục duy trì mô hình bán trú dân nuôi tại trường THCS Nguyễn Văn Trỗi”.
ĐÌNH HIỆP