Khó kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm - Bài 2: "Bẩn" từ đầu vào đến đầu ra

NHÃ PHƯƠNG - PHI THÀNH 26/04/2016 08:15

Thời gian qua, mặc dù ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã vào cuộc quyết liệt nhưng tình trạng lén lút giết mổ gia súc, gia cầm theo phương thức nhỏ lẻ vẫn xảy ra ở rất nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, việc kinh doanh, buôn bán sản phẩm thịt gia súc, gia cầm trên thị trường cũng không đảm bảo vệ sinh thực phẩm…

  • Khó kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm - Bài 1: Nguy cơ từ đồng ruộng
Cơ quan chức năng khó kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm ở những quầy thịt bày bán bên đường. Ảnh: T.P
Cơ quan chức năng khó kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm ở những quầy thịt bày bán bên đường. Ảnh: T.P

Mất an toàn vệ sinh thực phẩm

Hơn 9 giờ 30 sáng, quầy thịt heo của bà N.T.H. ở xã Quế Xuân 1, Quế Sơn nằm sát quốc lộ 1 vẫn còn rất nhiều thịt, xương, lòng. Nắng như hắt vào mặt, chiếc dù nhỏ cũ rách không che hết cái bàn thịt lớn. Trên tuyến giao thông huyết mạch này, xe cộ qua lại tấp nập, gió thốc mạnh từng cơn khiến đất cát tung mù mịt nên cái bàn thịt không được che đậy bị phủ lên những lớp bụi dày. Đi dọc quốc lộ 1 và nhiều tuyến đường trọng yếu ở các địa phương như Núi Thành, Phú Ninh, Thăng Bình… cũng không khó để bắt gặp những quầy bán thịt gia súc, gia cầm làm sẵn. Điều đáng nói là, do bán ven đường, không có tủ kính hoặc bao ni lông che đậy cẩn thận nên các quầy thịt này đều có chung một tình trạng rất đáng lo ngại bụi bám đầy trên những thớ thịt.

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thịt gia súc, gia cầm là chuyện rất đáng lo ngại. Bởi, ở nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng giết mổ lén lút theo phương thức nhỏ lẻ, trong khi đó việc kiểm soát của ngành chuyên môn thì còn hết sức lỏng lẻo”.
(Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT)

Đấy là chuyện kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, còn khâu giết mổ gia súc, gia cầm cũng rất đáng quan ngại hiện nay. Lâu nay bà L.T.L. ở xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên thường giết mổ heo ngay tại nhà mình, bình quân mỗi ngày bà mổ khoảng 2 con heo, riêng vào các dịp lễ tết thì tăng lên 4 - 5 con. Khi khu giết mổ gia súc tập trung ở xã Duy Sơn được xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động, bà L. lại không quan tâm vì cho rằng từ trước đến nay bà mổ heo ở nhà quen rồi, chi phí không tốn bao nhiêu. Bây giờ, nếu hàng ngày đưa heo vào khu tập trung này giết mổ thì phải vận chuyển một quãng đường xa, lại còn nộp phí cho khâu kiểm dịch, xử lý môi trường và trả tiền nước sạch. Trong khi đó, bà L. giết mổ heo tại nhà cũng có lực lượng chuyên môn đến đóng dấu kiểm dịch hẳn hoi. Rõ ràng việc giết mổ này là không đáp ứng các điều kiện về vệ sinh thú y và đảm bảo vệ sinh môi trường.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các điểm giết mổ gia súc nhỏ lẻ ở huyện Duy Xuyên đều không đầu tư xây dựng cơ sở vật chất một cách bài bản. Thịt, xương, tiết, nội tạng để nằm la liệt trên sàn bê tông hoặc nền gạch ẩm thấp, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, hệ thống cống rãnh phần  lớn bị tắc nghẽn, ứ đọng, bốc mùi hôi thối, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh nguy hiểm. Còn ở các chợ nông thôn, tình trạng giết mổ gia cầm vẫn cứ diễn ra công khai. Theo quan sát, vào buổi sáng mỗi chợ thường có hàng chục con gà vịt được nhốt trong các lồng sắt đã han gỉ. Phía dưới lồng, phân, thức ăn và nước thải chảy lênh láng khắp nơi. Những loại xoong nồi, máy vặt lông, chậu rửa… bám đầy lông gà, lông vịt nằm ngổn ngang. Khi có người mua, các chủ hàng liền làm thịt gia cầm ngay tại chỗ để bán. Ngoài ra, họ còn nhận giết mổ gia công cho những khách mang gà vịt từ nơi khác đến với giá bình quân mỗi con 10 - 20 nghìn đồng.

Khó kiểm soát

Ông Nguyễn Văn Hòa - Trưởng trạm Thú y Duy Xuyên cho hay, công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm và kiểm dịch động vật đã được triển khai thực hiện ở tất cả 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số nơi vẫn chưa chấp hành tốt, chẳng hạn như các xã Duy Trinh, Duy Sơn, Duy Trung. Điều này dẫn đến sản phẩm gia súc, gia cầm không đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường sống bị ô nhiễm. Ông Hòa nói: “Nếu thời điểm tháng 8.2015 trở về trước, toàn huyện có 17 cơ sở giết mổ gia súc thì đến nay đã tăng lên 19 cơ sở, phần lớn nằm rải rác trong các khu dân cư. Điều đáng nói là, thời gian qua vẫn có một số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ lén lút hoạt động nhưng chính quyền các địa phương chưa thể quản lý, thống kê được. Đây là vấn đề rất đáng báo động bởi việc kiểm soát của cán bộ thú y cơ sở chỉ là phần ngọn, tức là gia súc sau khi giết thịt mới được đội ngũ này đóng dấu kiểm dịch. Còn phần gốc, nghĩa là kiểm soát gia súc trước khi giết mổ để ngăn chặn dịch bệnh thì không thể thực hiện nổi vì lực lượng thú y huyện và xã quá mỏng”.

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay các cơ quan chức năng liên tục lấy mẫu kiểm tra nhưng cho tới giờ này vẫn chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Tuy nhiên, ông Muộn cho rằng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thịt gia súc, gia cầm cũng là chuyện rất đáng lo ngại. Bởi, ở nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng giết mổ lén lút theo phương thức nhỏ lẻ, trong khi đó việc kiểm soát của ngành chuyên môn thì còn hết sức lỏng lẻo. Ông Muộn nói: “Trước đây, trên địa bàn tỉnh có gần 800 điểm giết mổ gia súc, gia cầm. Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, thời gian qua các cơ quan có trách nhiệm và chính quyền các địa phương đã nỗ lực sắp xếp lại theo hướng xóa bỏ những điểm giết mổ nhỏ lẻ, hình thành những cơ sở giết mổ tập trung. Mặc dù quyết liệt triển khai nhưng hiện nay toàn tỉnh mới chỉ có hơn 40 cơ sở giết mổ tập trung, trong khi đó gần 125 điểm giết mổ nhỏ lẻ vẫn còn lén lút hoạt động. Đối với số điểm giết mổ nhỏ lẻ này thì việc kiểm tra, kiểm dịch rất khó thực hiện vì quân ở đâu mà làm cho xuể”.

Phát hiện nhiều cơ sở không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện và xử lý 7 trường hợp bơm nước vào cơ thể bò trước khi tiến hành giết mổ, chủ yếu tại Duy Xuyên, Quế Sơn, Điện Bàn. Theo ngành chuyên môn, đây là hành vi gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn vào thịt và bị pháp luật nghiêm cấm.

Ông Nguyễn Văn Hòa - Trưởng trạm Thú y Duy Xuyên cho biết, năm 2015 Trạm Thú y huyện Duy Xuyên phối hợp cùng các ngành liên quan tổ chức 7 đợt kiểm tra tại những cơ sở giết mổ gia súc. Qua đó, phát hiện 2 cơ sở vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và đã ra quyết định xử phạt theo đúng pháp luật.

Theo lời ông Hòa, cùng với tình trạng trên thì tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp (trong số gần 38.500 con gia súc của huyện thì đợt 1 năm 2016 mới có 54% được chích ngừa vắc xin) cũng là mối lo rất lớn. Bởi, đây được xem là nguyên nhân chính dẫn đến bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm, gây thiệt cho ngành chăn nuôi và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

____________________
Bài 3: Tự quản ở bếp ăn tập thể

NHÃ PHƯƠNG - PHI THÀNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khó kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm - Bài 2: "Bẩn" từ đầu vào đến đầu ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO